
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ tư của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, diễn ra chưa đầy một năm sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tiếp nối chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân (12/2023), hai bên ra "Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", trong năm 2024, hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra sôi động, hình thức linh hoạt.
Theo đó, 5 lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đều đã thăm Trung Quốc và 2 lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc (Thủ tướng Quốc vụ viện, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc) đã thăm Việt Nam.
Đặc biệt là chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024), chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (10/2024), 2 chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Trung Quốc (tháng 6/2024 và 11/2024).
Từ đầu năm 2025 đến nay, trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025), hai bên duy trì mật thiết trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp.
Cụ thể, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (15/1), tuyên bố khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025; các lãnh đạo chủ chốt ta và lãnh đạo đồng cấp Trung Quốc trao đổi thư/điện mừng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/2025).
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình "Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ" (20/3/2025); Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận danh hiệu "Giáo sư danh dự" của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc (02/3/2025 tại Hà Nội), hội kiến với Phó Thủ tướng thường trực Trung Quốc Đinh Tiết Tường bên lề Hội nghị WEF Davos (21/1); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Ủy viên trưởng Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Lạc Tang Giang Thôn (7/4/2025 tại Tashkent, Uzbekistan) bên lề Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 150 (IPU 150).
Về thương mại, năm 2024, Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia (sau Mỹ, Nhật, Hàn). Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc cả năm 2024 đạt 205,2 tỷ USD (tăng 19,3%). 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD (tăng 17,46% so với cùng kỳ).
Riêng với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vào khoảng 13,5 tỷ USD, tương đương 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành - 62,5 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.
Về đầu tư, năm 2024, Trung Quốc đứng đầu về số dự án cấp mới với 955 dự án, đứng thứ 3/110 đối tác đầu tư vào Việt Nam về số vốn với 4,73 tỷ USD (tăng hơn 3,05%).
Lũy kế đến 31/12/2024, Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 6/148 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 5111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD, chiếm hơn 6,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Trong tháng 3/2025, Trung Quốc đứng thứ 2 về tổng số vốn đăng ký, đạt 1,23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,5%, chỉ đứng sau Singapore.
Về du lịch, năm 2024 ta đón 3,74 triệu lượt khách Trung Quốc (tăng 114% so với năm 2023), chiếm 21,26% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đứng thứ hai sau Hàn Quốc.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, ta đón 1,58 triệu lượt khách Trung Quốc vào Việt Nam, tăng 178% so với cùng kỳ, đứng đầu trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.