Đồng thời, ông cũng là vị lãnh đạo gần gũi với nhiều nhà trí thức uyên bác của đất nước như GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Trần Đức Thảo và GS Lê Văn Thiêm...
Ông Trần Việt Phương, trợ lý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ôn lại một số kỷ niệm giữa “Anh Tô” và các nhà trí thức của “thế hệ vàng” đó với NNVN.
Bạn của nhiều nhà trí thức
Từ năm 1939 đến năm 1944, tôi là học sinh của trường Bưởi, bây giờ là trường Chu Văn An (Hà Nội). Năm 1944, tôi học ban Tú tài II. Tuy bản thân tôi không được trực tiếp là học sinh của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường nhưng tôi được nghe những bạn cùng học kể chuyện lại về Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường có thời gian dạy ở trường Bưởi.
Những bạn cùng lớp của tôi kể rằng, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường dạy về Pháp văn cực kỳ hấp dẫn và có một điều đặc biệt là không bao giờ cầm giáo án trong tay mà chỉ nói miệng thôi. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường làm chủ buổi dạy của mình đến mức là sau khi nói xong câu cuối cùng, Giáo sư chuẩn bị bước ra khỏi lớp thì cũng là lúc mà tiếng kẻng ở trong nhà trường vang lên: giờ học đã hết rồi!
Đó là kỷ niệm nhỏ của tôi về Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường!
Sau này, tôi làm thư ký trong nhiều năm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi thường gọi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là anh: Anh Tô, anh Phạm Văn Đồng. Vì vậy, tôi xin cứ giữ cách gọi như thế.
Anh Phạm Văn Đồng là Thủ tướng đồng thời là một nhà trí thức, là bạn của nhiều nhà trí thức trong nước ta và trên thế giới. Vì vậy, anh Phạm Văn Đồng hiểu biết, cảm thông và trong khả năng của mình ủng hộ, giúp đỡ các nhà trí thức Việt Nam. Không phải chỉ ba người là Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Triết gia Trần Đức Thảo và Nhà toán học Lê Văn Thiêm mà còn có nhiều nhà trí thức khác ở trong Chính phủ của anh Phạm Văn Đồng và ở ngoài Chính phủ trong xã hội Việt Nam ta.
Với Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường
Riêng đối với Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên như thế này: Khi anh Phạm Văn Đồng nhận được cuốn sách tự truyện của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường viết bằng tiếng Pháp, trong đó kể với những chi tiết rất đầy đủ, rất sống động, đúng là sự thật, một sự thật rất đau đớn, Giáo sư đã bị vùi dập như thế nào.
Là một trí thức lớn nhưng Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường không được làm việc và thời gian dài nhiều năm không có bất kỳ một thu nhập nào. Giáo sư phải bán gia tư, tài sản, kể cả những kỷ niệm riêng quý của gia đình mình để bảo đảm sự sinh sống của mình và của gia đình.
Khi nghe, anh Phạm Văn Đồng yêu cầu tôi đọc từng trang, từ trang đầu đến trang cuối cùng của cuốn sách vài trăm trang ấy bằng tiếng Pháp. Từng lúc một anh đã nói ý của mình. Cuối cùng, sau khi nghe xong, anh nói đầy đủ và nhấn mạnh ý như thế này:
“Tôi không được biết và không ngờ rằng anh Nguyễn Mạnh Tường bị đầy đọa đến như thế! Tuy tôi không gây ra nhưng tôi cũng phải chịu trách nhiệm về sự đầy đọa này. Thật là đau đớn và xấu hổ!”.
Đấy là lời của anh Phạm Văn Đồng.
Tôi được biết rằng một người bạn thân của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ của anh Phạm Văn Đồng đã đón nhận và thu xếp để Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đến làm việc ở Viện Khoa học Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục, cũng coi như một sự giúp đỡ chừng mực nào đấy để giảm bớt được sự nặng nề, vùi dập, đọa đầy.
Đấy là điều tôi thấy rằng tôi cần phải nói về mối quan hệ của Anh Phạm Văn Đồng với các nhà trí thức, đặc biệt là với Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường.
Tổng Bí thư dâng hương tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng Sáng 1/3, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Dự lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Bounthong Divixay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào... Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà chính trị tài ba, nhà lý luận xuất sắc, nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, nhà văn hóa lớn của đất nước, một nhà lãnh đạo chủ chốt có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta, được đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế tin yêu, kính trọng. Đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong số ít người thường xuyên sống, làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và được rèn luyện, học tập được những tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch... |