
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Chiều 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để triển khai Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị hai cấp ở địa phương.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết nghị về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương, trong đó thống nhất sau sắp xếp, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp xã.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, giải pháp để vừa tránh chồng chéo, song không bỏ sót nhiệm vụ trong sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương.
Các bộ trưởng, trưởng ngành với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm”.
Các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn các nhiệm vụ được phân công cho cấp tỉnh, cấp xã để đảm bảo các công việc phải được thực hiện đồng bộ. Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có bộ phận theo dõi các địa phương và các Tổ công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ được phân công theo dõi địa phương hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý mỗi đơn vị hành chính cấp xã phải có Trung tâm dịch vụ hành chính công; mỗi tỉnh phải có Cổng đầu tư một cửa để giải quyết kịp thời, thông suốt các thủ tục hành chính.
Riêng về xử lý tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên dành các cơ sở vật chất dôi dư cho y tế, giáo dục, văn hóa, phục vụ mục đích công ích, công cộng.