Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị ngày 17/7/2025, Thanh tra Chính phủ đã chính thức triển khai một chiến dịch thanh tra quy mô lớn trên toàn quốc theo Kế hoạch số 1505/KH-TTCP, tập trung vào các công trình, dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ họp triển khai thanh tra chuyên đề các dự án khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Thanh tra Chính phủ.
Từ ngày 23/7/2025, hàng loạt quyết định thanh tra đột xuất được ban hành và đồng loạt công bố tại các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước và nhiều địa phương. Danh sách các dự án và địa bàn thanh tra trải dài từ Bắc tới Nam, phản ánh một nỗ lực chưa từng có nhằm rà soát toàn diện, xác định rõ nguyên nhân trì trệ, sai phạm (nếu có), cũng như đề xuất hướng xử lý, tháo gỡ.
Những “điểm nghẽn” nghìn tỷ được đưa vào tầm ngắm
Trong đó, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, rơi vào cảnh “đắp chiếu” suốt gần 20 năm nằm trong danh sách thanh tra trọng điểm. Cuộc thanh tra do ông Chu Hồng Uy, Phó Cục trưởng Cục VII làm Trưởng đoàn, sẽ rà soát toàn bộ quá trình đầu tư từ khởi công đến ngày 1/7/2025, trong thời hạn 45 ngày.

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đắp chiếu gần 20 năm. Ảnh: Kỳ Quan.
Cũng trong đợt này, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra các dự án cao tốc trọng yếu gồm: Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) và Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), cả hai đều thực hiện theo hình thức PPP. Đây là những dự án có ý nghĩa chiến lược, kết nối biên giới, nhưng đang bị trì hoãn. Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục I làm Trưởng đoàn, được giao nhiệm vụ thanh tra trong thời gian 45 - 60 ngày tùy dự án.
Không chỉ dừng lại ở các công trình hạ tầng, hàng loạt bộ, ngành trung ương cũng được thanh tra về các dự án đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng ngân sách Nhà nước. Trong đó, gồm các cuộc thanh tra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Cục Thuế (Bộ Tài chính) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam... Các cuộc thanh tra này đều có thời hạn 45 ngày và được giao cho các Phó Cục trưởng thuộc các Cục chuyên môn trực tiếp phụ trách.

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Công an nhân dân.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng Công ty Viglacera - CTCP và một loạt doanh nghiệp bất động sản cũng nằm trong danh sách thanh tra đợt này. Đây là những đơn vị có nhiều dự án treo, chậm bàn giao, bị người dân và chính quyền địa phương phản ánh.
Mở rộng tới các địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia
Trên phạm vi địa phương, hàng loạt tỉnh thành được đưa vào diện thanh tra, như Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp... Nội dung thanh tra không chỉ dừng lại ở các công trình xây dựng chậm tiến độ mà còn mở rộng sang việc quản lý, sử dụng quỹ đất, nhà công vụ và tài sản công tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước.
Đặc biệt, tại Thanh Hóa, bên cạnh các dự án giao thông ven biển có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn tiến hành thanh tra việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là chương trình trọng điểm quốc gia giai đoạn 2021–2030, có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và hạ tầng vùng cao, vùng sâu.

Khu Tái định cư bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (cũ). Ảnh: Thanh Tâm.
Hầu hết các cuộc thanh tra lần này đều có sự giám sát trực tiếp từ các tổ công tác của Cục XIII, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và thẩm định hoạt động thanh tra nội bộ. Theo chỉ đạo, các đoàn thanh tra cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị, nhưng đồng thời phải làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan nếu phát hiện sai phạm.
Các địa phương và đơn vị được thanh tra đều khẳng định sẽ phối hợp đầy đủ, cung cấp hồ sơ đúng hạn, đúng yêu cầu. Nhiều lãnh đạo địa phương đã ra văn bản yêu cầu các sở, ngành cử đầu mối, rà soát hồ sơ và tạo điều kiện tối đa cho các đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.
Đây là đợt thanh tra có quy mô lớn, phạm vi rộng, nội dung chuyên sâu, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ trong việc chấn chỉnh hoạt động đầu tư công, ngăn chặn thất thoát, lãng phí ngân sách, góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững.