Sông Mậu Khê đổi màu đen, bốc mùi thối
Liên tiếp trong các ngày từ 19/4 đến 21/4/2025, nước sông Mậu Khê đoạn chảy qua trang trại chăn nuôi lợn của hộ gia đình ông Ngô Văn Lãm (xã Thiệu Thành, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), khi đi qua địa phận xã Thiệu Công chuyển màu đen, bốc mùi thối nồng nặc của phân lợn.
Nhiều người dân nghi ngờ rằng, trang trại lợn đầu nguồn của gia đình ông Ngô Văn Lãm (xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa) xả thải khiến dòng sông bị ô nhiễm. Trước đó không lâu, hộ dân này cũng bị xử phạt vì hành vi xả nước thải ra sông Mậu Khê gây ô nhiễm môi trường.

Nước sông Mậu Khê đen kịt, nổi váng, bốc mùi hôi thối. Ảnh: QT.
Ông Nguyễn Văn Chấp, Trưởng thôn Nhân Mỹ (xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa) cho biết: “Nước sông vốn trong xanh, vậy mà chỉ sau một đêm đã chuyển sang màu đen kịt, nổi váng và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều hộ dân sống ven sông buộc phải đóng kín cửa để tránh mùi xộc vào nhà. Trường học gần đó cũng phải đóng kín cửa các lớp học vì mùi quá nặng. Lần này mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn hẳn so với những lần trước”.
Cũng theo ông Chấp, có ngày cao điểm, ông nhận được hàng chục cuộc gọi của người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm sông Mậu Khê và họ bày tỏ bức xúc và lo lắng trước thực trạng môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Người dân ở đây chủ yếu sống nhờ nông nghiệp và chăn nuôi, nhưng giờ nước ô nhiễm thế này thì lấy đâu ra nước sạch để phục vụ sản xuất. Chưa kể đến nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ và người già. Chúng tôi chỉ biết báo cáo lên chính quyền địa phương, mong sớm có giải pháp chứ không còn cách nào khác”, ông Chấp nói.
Nhiều hộ dân khác cũng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nếu có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời có biện pháp ngăn chặn để tránh tái diễn tình trạng sông bị ô nhiễm, bảo đảm môi trường sống cho người dân địa phương.

Bể biogas trong trang trại chăn nuôi của gia đình ông Lãm. Ảnh: QT.
Đây không phải là lần đầu tiên sông Mậu Khê bị ô nhiễm liên quan tới trại lợn phía đầu nguồn của gia đình ông Ngô Văn Lãm. Lãnh đạo UBND xã Thiệu Công đã nhiều lần có ý kiến trong cuộc họp tiếp xúc cử tri HĐND huyện Thiệu Hóa và trực tiếp trao đổi với lãnh đạo xã Thiệu Thành để có biện pháp xử lý về tình trạng ô nhiễm sông Mậu Khê và tình trạng trại lợn đầu nguồn xả thải, thế nhưng thực trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn.
“Trang trại đặt tại xã Thiệu Thành nhưng nước thải theo dòng chảy xuống xã Thiệu Công gây ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư dọc sông tại thôn Nhân Mỹ và thôn Oanh Kiều. Sau khi phát hiện sự việc, địa phương đã báo cáo với lãnh đạo huyện để tìm hướng xử lý. Xã chỉ biết kiến nghị chứ không có thẩm quyền xử lý vì trang trại đóng trên địa bàn xã khác”, ông Nguyễn Ngọc Tình, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Công cho biết.
Phát hiện ống xả thải cắm dưới sông
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, dọc sông Mậu Khê đoạn chạy qua xã Thiệu Thành là trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Ngô Văn Lãm, quy mô gần 500 con (theo báo cáo của ông Lãm); khu vực chăn nuôi rộng hơn 5.000m2 và chia thành nhiều khu nuôi nhốt. Các hầm biogas nằm trong khuôn viên khu vực chăn nuôi, được che chắn sơ sài.

Nước thải từ trang trại được dẫn theo đường ống ngầm ra bể chứa đặt tại đầu ruộng ngô, rồi tiếp tục chảy lan ra các rãnh thoát nước trên cánh đồng. Ảnh: QT.
Tại khu vực chăn nuôi phía Tây trang trại, phóng viên ghi nhận sự có hai hầm biogas đang lưu giữ chất thải chăn nuôi với khối lượng lớn. Đáng chú ý, toàn bộ chất thải từ đây được chia thành hai hướng. Một phần chất thải được dẫn theo mương chạy dọc tuyến đường dân sinh, sau đó đổ thẳng về bể biogas và 2 ngăn chứa nước thải nằm sát bờ sông Mậu Khê. Phần còn lại được dẫn theo một đường ống ngầm khác, xuyên qua đường, đưa nước thải đến bể chứa nằm ngay chân ruộng ngô của người dân.

Ống xả từ ruộng cắm xuống sông Mậu Khê, đặt ra nghi vấn xả thải từ trại lợn thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ảnh: QT.
Tại đây, phóng viên ghi nhận nhiều rãnh nước có màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc đặc trưng của phân lợn. Người dân địa phương cho biết, họ sử dụng chất thải chăn nuôi từ trang trại để tưới ngô, chăm bón cho cây trồng. Tuy nhiên, điều đáng ngờ là lượng chất thải này không được đưa trực tiếp vào gốc cây như họ khẳng định, mà lại ứ đọng tại các rãnh thoát nước trên ruộng ngô. Theo cơ quan chức năng, ông Ngô Văn Lãm đã xả nước rửa chuồng trại ra diện tích này và có dấu hiệu của hành vi hủy hoại đất của người dân.
Đáng chú ý, ngay tại bờ ruộng giáp sông Mậu Khê, phóng viên phát hiện hai đường ống nhựa chôn ngầm dưới đất và đặt ra nghi vấn về việc lợi dụng sản xuất nông nghiệp để xả thải.

Bể chứa nước thải tiếp giáp với sông Mậu Khê. Ảnh: QT.

Đường ống ngầm từ bể chứa nước thải ra nối ra sông Mậu Khê. Vị trí này, nước có màu đen, bốc mùi. Ảnh: QT.
Cũng theo quan sát, tại 2 bể chứa nước thải rộng khoảng 250m2, sâu khoảng 1,2m chứa chất thải, nằm ngoài khuôn viên khu vực chăn nuôi, sát bờ sông Mậu Khê, không được che đậy, bốc mùi thối nồng nặc.
Theo chính quyền địa phương, đây là bể chứa được xây dựng trái phép ngoài khuôn viên công trình, do ông Ngô Văn Tuấn cho ông Ngô Văn Lãm mượn để xây dựng trái phép (tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang xây dựng bể chứa nước rửa chuồng trại). Tại khu vực bể chứa phát hiện 1 đường ống nhựa PVC đường kính khoảng 20cm gắn từ bể chưa nước thải xây dựng trái phép (bờ phía Tây) nối ra sông Mậu Khê. Tại vị trí ống xả phát hiện nước có màu đen, nổi váng, bốc mùi.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, chủ trang trại lợn này không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về lập hồ sơ môi trường để được xem xét cấp giấy phép môi trường và đăng ký môi trường theo quy định. Hiên, cơ quan chức năng huyện Thiệu Hóa đã vào cuộc, làm rõ vụ việc.