Sáng 25/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và 15 tỉnh, thành phố nhằm lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024. Ảnh: VGP/Minh Khôi.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: các cơ chế, chính sách mới về địa chất và khoáng sản chỉ vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 nên nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai, cần thêm thời gian để kiểm nghiệm từ thực tiễn. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều chỉnh đơn vị hành chính và thiết lập chính quyền địa phương hai cấp, nhiều quy hoạch không còn hiệu lực; do vậy, nếu tiếp cận tổng thể, bài bản như trong Luật thì khó có thể triển khai trong ngắn hạn.
Nghị quyết đặc thù, có thời hạn, giải bài toán cấp bách
Trên tinh thần đó, Chính phủ thống nhất chủ trương ban hành một nghị quyết có thời hạn cụ thể, từ 1-2 năm, nhằm giải quyết các vướng mắc trước mắt trong giai đoạn luật chưa theo kịp thực tiễn. "Trường hợp luật mới ban hành nhưng không phù hợp, không kiến tạo, gây cản trở phát triển, thì vẫn cần thiết sửa đổi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghị quyết lần này tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp và vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm. Phó Thủ tướng yêu cầu dự thảo nghị quyết không chỉ dừng lại ở nhận diện vấn đề, mà phải nêu rõ giải pháp, để trình Chính phủ ban hành. Về lâu dài, nếu giải pháp từ nghị quyết có tính khả thi, bền vững, thì có thể luật hóa sau này.
Các quy định trong nghị quyết phải đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, có thể thực hiện đồng thời để rút ngắn thời gian, nhưng tuyệt đối không được bỏ qua các khâu bắt buộc. Đồng thời, cần ngăn chặn việc lợi dụng nghị quyết để mở rộng phạm vi vượt quá giới hạn cho phép.
Đặc biệt, về vật liệu san lấp như cát biển, đất đá từ bãi thải mỏ hay vật liệu sản xuất xi măng, nếu còn vướng mắc, các cơ quan chức năng phải chỉ rõ luật đang vướng ở đâu để kịp thời xử lý; không được triển khai ồ ạt, thiếu kiểm soát, bởi có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường. “Đối với đồng bằng sông Cửu Long, lượng cát từ thượng nguồn đã giảm đến 90%, nếu tiếp tục khai thác bừa bãi, hậu quả sẽ rất nặng nề”, Phó Thủ tướng cảnh báo, đồng thời khẳng định cát biển có thể là nguồn thay thế tiềm năng, song hiện vẫn lúng túng về cơ chế.
Đề xuất linh hoạt, tập trung gỡ ba nhóm vướng mắc lớn
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết thực trạng nhiều dự án giao thông trọng điểm bị đình trệ do thiếu nguồn vật liệu xây dựng. Bộ đề xuất ba nhóm nội dung lớn cần được điều chỉnh, sửa đổi và quy định rõ trong Nghị quyết.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên đề xuất ba nhóm nội dung lớn cần được điều chỉnh, sửa đổi và quy định rõ trong Nghị quyết. Ảnh: VGP/Minh Khôi.
Trước hết, cho phép cấp phép thăm dò mở rộng và khai thác xuống sâu mà không cần căn cứ vào quy hoạch khoáng sản hoặc phương án quản lý địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh. Việc cập nhật quy hoạch sẽ thực hiện sau.
Tiếp đó, bổ sung các trường hợp không phải thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, áp dụng đối với các mỏ cung cấp cho công trình đầu tư công, dự án trọng điểm, công trình quốc phòng – an ninh, hoặc dự án chế biến sâu đã được phê duyệt.
Ngoài ra, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: Cát sông, cát biển và đá xây dựng.
Về cơ chế đóng cửa mỏ, Bộ cũng đề xuất làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân thực hiện, bổ sung phí thẩm định vào luật phí và lệ phí để đảm bảo nguồn thu và trách nhiệm quản lý.
Riêng với cát biển, do vướng thẩm quyền cấp phép, Thứ trưởng Trần Quý Kiên kiến nghị cần điều chỉnh quy định để phân định thống nhất, tạo thuận lợi trong cấp phép, giám sát khai thác.
Ghi nhận các đề xuất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp cận linh hoạt, thực chất, hiệu quả trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ các công trình hạ tầng, nhất là dự án đầu tư công và công trình trọng điểm, song tuyệt đối không buông lỏng quản lý hay để xảy ra tình trạng lợi dụng cơ chế đặc thù để trục lợi.
Theo Phó Thủ tướng, không nên phân biệt công hay tư trong việc áp dụng cơ chế ưu tiên nguồn vật liệu, miễn là công trình đó có ý nghĩa với phát triển kinh tế - xã hội. “Tài nguyên là của quốc gia, do đó cần được quản lý, khai thác trên nguyên tắc tối đa hóa lợi ích công, giảm chi phí cho nhà nước và người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vướng mắc trong quản lý cát biển, ông yêu cầu làm rõ vướng mắc về thẩm quyền và quy hoạch quản lý, đảm bảo thống nhất pháp lý giữa Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo và Luật Khoáng sản, tháo gỡ ách tắc cho các địa phương trong tổ chức khai thác hợp lý, hiệu quả.
Tăng quyền, giảm thủ tục, kiểm soát chặt
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận các ý kiến, đồng tình với tinh thần chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của địa phương; yêu cầu các bộ ngành tiếp thu và hoàn thiện nghị quyết trên tinh thần tạo cơ chế linh hoạt nhưng không buông lỏng quản lý, đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật và bảo vệ môi trường.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu chính của nghị quyết là tháo gỡ các vướng mắc cấp bách trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh giản thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, giao quyền chủ động cho địa phương. Công tác thăm dò , đánh giá trữ lượng, phương án công nghệ khai thác và môi trường là bắt buộc, nhưng phải tối ưu hóa thời gian.
Ngoài ra, ông yêu cầu tiếp tục rút ngắn quy trình, thủ tục thu hồi mỏ do cấp phép, quản lý nhà nước không đúng, dẫn đến phải đóng cửa mỏ rồi mới cấp lại. Các vi phạm cần được xử lý theo quy định pháp luật.
Về khoanh định khu vực không đấu giá, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu đề xuất từ các địa phương để bổ sung một số mỏ đã thăm dò hoặc mỏ đang gặp vướng mắc do quy hoạch. Các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước cần được ưu tiên giảm chi phí thông qua miễn thuế tài nguyên, chỉ tính chi phí thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản.
Bên cạnh đó, cần xem xét mở rộng phạm vi các dự án trọng điểm quốc gia, như nhà ở xã hội, các công trình trọng điểm địa phương để áp dụng cơ chế trong nghị quyết.
Liên quan đến các mỏ cát tại luồng lạch, hồ đập, bãi bồi nhưng chưa được khai thác do vướng mắc về quy trình, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải xác định rõ trách nhiệm giữa địa phương và Bộ Xây dựng, tùy theo khu vực quản lý. Trường hợp nhiệm vụ nạo vét trùng với khai thác tài nguyên, cần ưu tiên thực hiện nhằm tận dụng tài nguyên hiệu quả, giảm thất thoát và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng chỉ đạo cụ thể về quản lý khai thác cát biển tránh xung đột quy hoạch, đảm bảo an ninh quốc phòng, không ảnh hưởng đến khai thác điện gió ngoài khơi; phương án mở rộng danh mục vật liệu xây dựng được đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác; nghiên cứu phương án sử dụng vật liệu xi măng, làm cầu cạn trong các công trình giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long để giảm bớt nhu cầu sử dụng đất, cát vật liệu xây dựng.