| Hotline: 0983.970.780

'Song tai hợp bích' có thật 100% và chẳng kém về độ tàn phá

Thứ Tư 05/10/2016 , 08:50 (GMT+7)

Những trận mưa “cực đoan”, mưa “ngổ ngáo” trút xuống Sài Gòn - thành phố lớn nhất miền Nam những ngày cuối tháng 9 vừa qua đã gây ngập trên diện rộng chưa từng có trong lịch sử...

Cái tựa bài viết được lấy từ mô típ môn võ công trong tiểu thuyết cổ trang “Thần điêu đại hiệp” của Kim Dung (Đài Loan, Trung Quốc), có tên “Song kiếm hợp bích”; uy lực phi phàm khi được kết hợp từ Dương Quá và Tiểu Long Nữ. “Song tai” ở đây được cắt nghĩa là tai họa kép bao gồm “thiên tai” và “nhân tai”, tóm tại là tai họa từ thiên nhiên và tai họa từ con người.

Những trận mưa “cực đoan”, mưa “ngổ ngáo” trút xuống Sài Gòn - thành phố lớn nhất miền Nam những ngày cuối tháng 9 vừa qua đã gây ngập trên diện rộng chưa từng có trong lịch sử vẫn là đề tài nóng hổi trên các trang báo. Tất cả đều ngỡ ngàng!

Những hình ảnh xưa nay hiếm thấy - xe trôi theo dòng nước, đường biến thành sông; hàng ngàn con người ngơ ngác mệt nhoài vật lộn với kẹt xe; cá, lươn “ghé thăm” bệnh viện; nước bao trùm cả biệt thự, cao ốc đến xóm lao động nghèo...

Người có đầu óc lãng mạn nhất cũng khó tưởng tượng ra viễn cảnh như thế. Những gì đẹp đẽ nhất mà “mưa” đã để lại trong văn chương nghệ thuật nay trở nên thù địch, hiềm khích đến lạ.

Tuy nhiên, hãy đợi nước rút, thông đường về nhà và bình tĩnh hơn để suy xét, sự “trừng phạt” này là một hệ quả tất yếu đáng suy ngẫm, là bài học không thể xót xa hơn trong công cuộc cải tạo tự nhiên và đô thị hóa.

Bởi từ sau khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường và đổi mới 30 năm trước, nhiều người có xu hướng khoác lên mình tấm áo cá nhân để phủ kín lợi ích cộng đồng.

Chúng ta đánh đồng chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản với việc theo đuổi lợi ích cá nhân tuyệt đối, không quan tâm đến cuộc sống của người khác. Chúng ta chỉ quan tâm đến những thứ quy thành tiền, còn để mặc ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng, tệ nạn xã hội, kẹt xe, tham nhũng… cho những người khác lo!?

Chúng ta thiếu đi sự phản tỉnh, thiếu sự phẫn nộ tự thân, chẳng mấy ai quan tâm đến thành phố được quy hoạch thế nào, cầu cống ra làm sao, hàng trăm ngàn tỷ đồng đổ vào các dự án chống ngập nhưng hễ mưa lớn là nước chẳng có lối thoát… Chúng ta tự tạo “nghiệp” cho mình há chẳng phải đó là nhân tai sao?

Thị dân an phận với văn phòng máy lạnh, nông dân an phận với đồng lúa nương dâu, ngư dân an phận với biển cả, chúng ta luôn muốn an phận với những gì mình có và hạn chế tối đa việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chúng ta nghĩ vậy là khôn ngoan. Nhưng liệu có phải vậy?

Chúng ta im lặng trước những dự án bất động sản được quảng cáo rầm rộ, lóa mắt trước những khu siêu đô thị đẳng cấp thế giới, chúng ta tự hào với những công trình mọc lên giữa con đường thoát nước, chúng ta quen coi lấp sông, ngăn dòng là việc của những… cái máy ủi, máy xúc vô tri vô giác!?

“Song kiếm hợp bích” tuy hư cấu nhưng được mô tả là có uy lực phi phàm, còn “song tai hợp bích” là có thật 100% và chẳng kém cạnh về độ tàn phá, gieo rắc tai ương hoạn nạn lên đời sống người dân.

Thiên tai là quy luật tự nhiên, không phải là điều gì quá xấu xa, mà chỉ xấu ở cách con người ứng biến nó ra sao. Ở một góc độ nào đó, thiên tai xuất hiện để làm cân bằng vạn vật, ví như lũ lụt sẽ diệt sạch chuột, bồi bổ cho mùa màng tốt tươi. Lũ lụt là thảm họa cho thành thị nhưng đã 3 năm nay đồng bằng sông Cửu Long thất bát vì lũ không về!

Thiên tai và nhân tai như hình với bóng, bất cứ ở đâu có nhân tai thì sớm hay muộn sẽ có thiên tai - rừng Tây Nguyên bị phá tan hoang trong 20 năm qua hóa thân thành những ngôi nhà gỗ kỳ vĩ của giới đại gia và quy thành những đồng tiền nhuốm mùi lợi ích nhóm, những dự án được phê duyệt bằng sự bôi trơn mềm mại...

Sự thờ ơ tắc trách mọi lúc mọi nơi đang dung dưỡng cho nhân tai ngày càng dày, càng nặng và rồi đây thiên tai cũng sẽ còn khôn lường gấp bội.

Điều ít nhất mà chúng ta có thể làm là lên tiếng. Im lặng trước cái đẹp là gián tiếp phủ nhận nó. Im lặng trước điều xấu là ngấm ngầm cho phép nó lộng hành. Và bạn sẽ không biết đến lúc nào vị thần bất công gõ cửa nhà mình.  

Biết đâu, những trận lũ lịch sử đã không diễn ra nếu chúng ta đồng thanh lên tiếng về những công trình xây dựng gây tranh cãi, về hệ thống thoát nước ngàn tỷ có mùi lợi ích nhóm, hay một chính sách đô thị hoá sai lầm?

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Dân Nam Sách gồng mình trong ‘bão bụi’: Nhà máy gạch ‘khủng’ không phép

HẢI DƯƠNG - Năm 2018, Công ty TNHH gạch Tuynel Minh Du bị đình chỉ xây dựng nhà máy sản xuất gạch, nhưng công trình vẫn hoàn thành và đưa vào hoạt động từ đó đến nay.

Sắp xét xử cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước nhận hối lộ

Sau khi nhận hối lộ, ông Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã dùng 14 tỷ đồng để mua căn biệt thự.

Đổ trộm hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng hết hạn ra đường

Hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng đã hết hạn sử dụng bị đối tượng xấu đổ trộm trên đường Nguyễn Lân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân gây xôn xao dư luận.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Phát triển mô hình cảng miễn thuế, khai thác không gian biển

Nghiên cứu mô hình cảng miễn thuế để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg.