Ngày 18/4/2025, một đám cháy dữ dội bùng lên tại khu vực cảng Phú Thái (thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, Hải Dương). Ngọn lửa đỏ rực thiêu rụi 4 xe đầu kéo container, 2 sơ-mi-rơ-mooc và một phần thiết bị của xe container khác. Nhưng thiệt hại lớn nhất có lẽ không nằm ở những tài sản bị đốt thành than, mà ở niềm tin của người dân vào tính minh bạch trong quản lý đất đai, một “vệt đen kéo dài” gần hai thập kỷ đang được phủ thêm bởi mùi khét của cơ chế vận hành tùy tiện, lỏng lẻo.

Hiện trường vụ cháy 4 xe container, 2 sơ-mi-rơ-mooc tại cảng Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ảnh: IT.
Hơn cả một sự cố cháy nổ, sự việc đặt ra hàng loạt nghi vấn về vai trò, động cơ và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tổ chức cưỡng chế trá hình dưới vỏ bọc “xác định mốc giới”. Những câu hỏi đau đáu đang chĩa mũi dùi vào các quyết định giao đất, các hành vi tổ chức xác định vị trí, mốc giới trái quy trình và cách hành xử có dấu hiệu “ưu ái không che đậy” cho doanh nghiệp là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thương mại Thế Anh (Công ty Thế Anh), trong khi Công ty TNHH Cơ khí Thắng Lợi (tiền thân là Xí nghiệp Cơ khí Thắng Lợi, sau đây gọi là Công ty Thắng Lợi), với gần 20 năm hoạt động hợp pháp, lại bị đẩy vào thế bị động, không có phương án bảo vệ tài sản, và cuối cùng là thiệt hại nặng nề cả về tài sản lẫn pháp lý.
Một cuộc “kiểm đếm” khẩn cấp
Theo thông tin từ hiện trường, khoảng 7h30 sáng 18/4, một đoàn lực lượng lên đến cả trăm người do UBND thị trấn Phú Thái tổ chức, đã có mặt tại khu vực cảng nội địa Phú Thái để “xử lý dứt điểm” diện tích 12.404m² theo chỉ đạo tại Văn bản số 1492 của UBND huyện Kim Thành. Mục tiêu được nêu ra là thực hiện thông báo của Thanh tra tỉnh Hải Dương về việc đo đạc, xác định mốc giới khu đất đã được tỉnh giao cho Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thương mại Thế Anh từ năm 2008.
Tuy nhiên, hành động của tổ công tác không dừng lại ở đo đạc địa chính. Khi cổng vào khu vực cảng bị khóa, lực lượng chức năng đã cho máy xúc phá cổng. Đây giường như là một hành động không nằm trong phạm vi công vụ của một tổ đo đạc để tiến hành “tiếp cận hiện trường”. Không lâu sau đó, một đám cháy dữ dội bùng lên từ khu vực tập kết container, ngọn lửa đã nuốt chửng 4 xe đầu kéo, 2 rơ-mooc, khiến khói đen cuộn lên mù mịt giữa ban ngày.

Lực lượng chức năng huy động máy xúc, tiến hành cắt khóa cổng tại phần đất của Hợp tác xã Hồng Hà. Ảnh: IT.
Ông Trịnh Văn Viên, một công nhân tại cảng Phú Thái, chứng kiến sự việc cho biết: “Sau khi kéo đổ cổng, họ ập vào đo đạc, chỉ một lát sau thì lửa bùng lên từ khu vực xe container đang đỗ. Lực lượng chữa cháy sau đó có mặt nhưng tài sản gần như bị thiêu rụi hết”.
Càng nghiêm trọng hơn, nhân chứng này cho biết là cổng bị phá lấy lối vào cưỡng chế lại nằm trên phần đất thuộc quyền quản lý và sử dụng của Hợp tác xã (HTX) Hồng Hà, giáp ranh với khu vực đoàn chức năng vào xử lý. HTX Hồng Hà khẳng định không hề nhận được thông báo hay sự đồng thuận nào từ phía chính quyền địa phương về việc sử dụng lối đi vào thực hiện công vụ.

Ngọn lửa bùng cháy dữ dội trong bãi đỗ xe có hàng chục xe đầu kéo container. Ảnh: IT.
Việc tự ý phá bỏ cổng và xâm nhập qua khu đất của một pháp nhân độc lập mà không có thông báo, văn bản chính thức càng làm tăng thêm phần nghi vấn về việc chính quyền thị trấn có dấu hiệu lạm quyền và xâm phạm đất đai của bên thứ ba không liên quan đến tranh chấp.
Liệu rằng, Tổ công tác xác định mốc giới hay đang tổ chức một cuộc cưỡng chế trá hình?
Từ một văn bản hành chính đến hành vi phá cổng và cháy tài sản
Quyết định số 241 do UBND thị trấn Phú Thái ban hành ngày 24/3/2025 nêu rõ: thành lập Tổ công tác xác định vị trí, mốc giới diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Công ty Thế Anh tại Quyết định 4778/QĐ-UBND ngày 16/12/2008. Trong quyết định không có nội dung nào về cưỡng chế hay sử dụng lực lượng để phá khóa, tiếp cận bằng biện pháp mạnh, càng không có hướng dẫn về bảo đảm an toàn tài sản, con người.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái (huyện Kim Thành, Hải Dương) cho biết: “Chúng tôi chỉ tổ chức xác định mốc giới khu đất 12.404m² theo Quyết định 4778 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành năm 2008, không liên quan đến khu vực xảy ra cháy. Vị trí cháy cách đó hơn 100m, nằm trong khu vực bãi xe của Công ty Duy Phong”.
Ông Huy cho rằng, UBND tỉnh, UBND huyện giao đất diện tích 12.404 m2, cùng với 3.070 m2 là đất giao cho thị trấn quản lý. Tuy nhiên, tổ công tác không thể tiếp cận vì “phía Công ty Thắng Lợi khóa hết cổng và không hợp tác”.
Về việc phá cổng để vào khu vực xác định mốc giới, ông Huy khẳng định: “UBND huyện chỉ đạo, có hình ảnh ghi lại là cắt khóa để đi vào. Nhưng cũng chỉ đi bộ thôi, còn đâu do đơn vị để máy xúc, ô tô chặn hết lối nên không di chuyển bằng phương tiện vào được”.
Liên quan đến vụ cháy, ông Huy cho biết xe chữa cháy đã có mặt nhưng bị cản trở do phương tiện đỗ chắn cổng. “Xe không vào được. Sau này còi rú to quá thì người ta mới đánh xe ra cho xe chữa cháy vào. Chúng tôi cũng có mang theo cả bình chữa cháy, trong đó sử dụng 15 bình chữa cháy cầm tay. Nhưng cháy xảy ra ở phía bên kia, chứ không phải khu vực chúng tôi thực hiện xác định mốc giới”, ông Huy nói.
Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái cho biết: "Lực lượng tham gia hôm đó lên tới 73 người, gồm lực lượng Công an cơ động tỉnh, Công an thị trấn, Công an xã Kim Anh và Kim Liên cùng các thành viên tổ công tác".
Ông Huy cũng cho biết, hiện vụ việc đã được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh (PC01) điều tra và đang chuyển hồ sơ sang hình sự.
Thực tế theo phản ánh, phần đất mà tỉnh Hải Dương giao cho Công ty Thế Anh lại chồng lấn một phần đáng kể với diện tích mà Công ty Thắng Lợi đang sử dụng ổn định từ trước theo hồ sơ pháp lý rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là nếu chính quyền địa phương chỉ thực hiện “xác định mốc giới”, vì sao lại huy động lực lượng đông đảo, cắt khóa xông vào đất đang có tranh chấp chưa được xử lý dứt điểm, và tại sao lại trùng hợp xảy ra cháy lớn trong khi đã có chuẩn bị từ đầu?

4 xe đầu kéo container bị ngọn lửa thiêu rụi. Ảnh: IT.
Vụ cháy ngày 18/4 không thể được coi là một tai nạn ngẫu nhiên. Đó là hậu quả tất yếu của một kịch bản hành chính đầy rủi ro, từ việc giao đất không có quy hoạch, không đánh giá khả năng thoát lũ, không xử lý chồng lấn quyền sử dụng, đến việc tổ chức lực lượng đông đảo mà không thông báo, không bảo vệ, không kiểm soát.
Một yếu tố đáng quan ngại là bối cảnh hành chính tại Hải Dương đang nằm trong danh sách sáp nhập, điều chỉnh địa giới theo chủ trương chung của Chính phủ. Việc điều chuyển cán bộ, sáp nhập địa phương sẽ khiến nhiều quyết định trước đó “bị xếp lại”, khó truy cứu trách nhiệm.
Vấn đề này đặt ra càng tăng thêm nhiều nghi vấn, có hay không việc lợi dụng thời điểm “tranh tối tranh sáng” này để hợp thức hóa những quyết định giao đất sai trái, tranh thủ “vẽ lại bản đồ” đất đai trước khi cơ cấu hành chính thay đổi?
Nếu đúng như vậy, đốm lửa tại cảng Phú Thái không chỉ là một sự cố về vật chất. Đó như là một hồi chuông vang lên, cảnh báo về sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong vận hành quản lý nhà nước, nơi lợi ích nhóm có thể “cháy lan” cả kỷ cương pháp luật nếu không bị chặn đứng kịp thời.