| Hotline: 0983.970.780

Sở NN-MT Đắk Lắk nỗ lực tổ chức lại các đơn vị ngành dọc

Thứ Bảy 19/07/2025 , 21:14 (GMT+7)

Quá trình tổ chức lại các đơn vị ngành dọc của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang phát sinh các vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là đối với các trạm liên xã.

Sắp xếp, tinh gọn để tăng hiệu quả

Sau khi sáp nhập và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk được quy định tại Quyết định số 0141/QĐ-UBND ngày 2/7/2025 của UBND tỉnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường có 4 phòng chuyên môn, 9 chi cục, 1 văn phòng đặc thù, 19 đơn vị sự nghiệp công lập và 1 tổ chức khác trực thuộc. Trong đó có 15 đơn vị (9 chi cục; 1 văn phòng đặc thù và 5 đơn vị sự nghiệp công lập) được thành lập, tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất các chi cục, đơn vị, văn phòng có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tương đồng của 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên trước đây.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt việc hỗ trợ cho nhân dân đối với các lĩnh vực do Sở quản lý. Ảnh: Tuấn Trần.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt việc hỗ trợ cho nhân dân đối với các lĩnh vực do Sở quản lý. Ảnh: Tuấn Trần.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, cơ cấu tổ chức của đơn vị mới thành lập được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc và yêu cầu cải cách hành chính, chuyển đổi số để thực thi hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng xu thế phát triển trong giai đoạn mới.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự sẽ ảnh hưởng đến thói quen thực hiện các thủ tục hành chính của nhân dân do thay đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh và trụ sở làm việc. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo sâu sát từ Trung ương tới địa phương, sẽ giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình sắp xếp và thực hiện tốt việc hỗ trợ cho nhân dân đối với các lĩnh vực do Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý.

Thuận lợi và khó khăn

Đối với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk (gồm các phòng, chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập), việc sắp xếp, tổ chức lại theo ngành dọc cũng đang được khẩn trương thực hiện theo hướng tinh gọn và hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk họp tổ chức lại các đơn vị ngành dọc thuộc ngành Nông nghiệp sau sáp nhập đảm bảo hoạt động thông suốt và hiệu quả. Ảnh: Tuấn Trần.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk họp tổ chức lại các đơn vị ngành dọc thuộc ngành Nông nghiệp sau sáp nhập đảm bảo hoạt động thông suốt và hiệu quả. Ảnh: Tuấn Trần.

Đơn cử như tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, quá trình sắp xếp, sáp nhập đã giảm từ 15 trạm chăn nuôi và thú y xuống còn 5 trạm liên xã; từ 5 phòng trực thuộc xuống còn 3 phòng. Kết quả của việc tổ chức lại này là tạo nên một cơ cấu bộ máy chi cục tinh gọn, bớt cồng kềnh, tạo nên sự thông suốt trong quản lý, vận hành.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức lại cũng đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, việc giảm một lúc nhiều đơn vị trực thuộc Chi cục khiến công tác sắp xếp nhân sự trước mắt có nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhân sự của Chi cục ít về số lượng (22 công chức, 106 viên chức), trong khi địa bàn quản lý rộng (rộng thứ 3 cả nước), nên việc quản lý không được sát xuống tận cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Minh kiến nghị cần có cơ chế chuyển vị trí việc làm viên chức mang tính chất quản lý nhà nước sang công chức cho thuận lợi hơn trong việc thi hành công vụ. Đồng thời, kiến nghị xây dựng các phòng nhỏ nghỉ ngơi cho cán bộ đi thực tế địa bàn, vì các trạm kiểm soát khu vực liên xã phạm vi rất rộng, cán bộ ít, rất khó khăn cho cán bộ quản lý trong quá trình di chuyển, quản lý địa bàn.

Cần quan tâm tới các trạm liên xã

Tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, sau khi tổ chức lại, toàn tỉnh còn 8 trạm khuyến nông liên xã (tại tỉnh Đắk Lắk cũ 5 trạm, tại tỉnh Phú Yên cũ có 3 trạm) và 2 trạm giống.

Ông Đinh Văn Đang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của Trung tâm đã tạo thuận lợi hơn trong việc điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến nông trong thời kỳ mới; cán bộ khuyến nông gắn với dân, sát dân để hiểu người dân hơn và đồng hành tốt hơn với người dân. Cùng với đó, sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo sở và chính quyền địa phương đã tạo động lực giúp anh em cán bộ khuyến nông quyết tâm hoàn thành công việc trong thời gian đầu sau khi sáp nhập.

Về khó khăn, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, sau khi sáp nhập số lượng trạm giảm còn 1 trạm so với 3 trạm trên địa bàn 3 huyện trước đây nên mất nhiều thời gian cho việc di chuyển. Mặt khác, đội ngũ nhân sự của Trung tâm có nhiều cán bộ lớn tuổi, khả năng thích ứng trong công việc chưa được nhanh chóng, địa bàn rộng nên khó khăn trong việc đi lại và sắp xếp nơi ở.

Trung tâm Khuyên nông tỉnh Đắk Lắk tích cực tổ chức mô hình trình diễn và các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Tuấn Trần.

Trung tâm Khuyên nông tỉnh Đắk Lắk tích cực tổ chức mô hình trình diễn và các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Tuấn Trần.

Ông Đinh Văn Đang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk kiến nghị nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của các trạm và quan tâm hơn đến chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ làm công tác khuyến nông. Bên cạnh đó, kiến nghị ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn và mở các lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân trên địa bàn.

Trạm khuyến nông liên xã Buôn Ma Thuột là 1 trong 8 trạm khuyến nông thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk sau khi tổ chức lại (trạm này được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 trạm khuyến nông thuộc 3 đơn vị cấp huyện cũ là TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin và huyện Krông Ana).

Bà H’Blôc Niê, Phó trưởng Trạm khuyến nông liên xã Buôn Ma Thuột cho biết: Sau khi sáp nhập, cán bộ, người lao động của trạm đã tiếp cận được nhiều văn bản cũng như chương trình học tập và tập huấn nâng cao chuyên môn hơn khi không phải thông qua nhiều cấp như trước đây. Tuy nhiên, vì địa bàn rộng nên việc di chuyển, công tác của cán bộ, người lao động gặp khó khăn và những người dân xa trụ sở của trạm cũng khó có thể gặp gỡ, trình bày tâm tư nguyện vọng cho các cán bộ khuyến nông.

Phó trưởng Trạm khuyến nông liên xã Buôn Ma Thuột kiến nghị cần có phương án sắp xếp, bố trí nơi làm việc mới và phương tiện di chuyển đáp ứng đủ điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác. Đồng thời, kiến nghị tuyển thêm và có chế độ cho cộng tác viên khuyến nông để có thể phụ trách địa bàn được sát hơn, để gần dân và hiểu người dân hơn.

Xem thêm
Thông báo Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chiều 19/7, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp phiên bế mạc. Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng đăng toàn văn Thông báo Hội nghị.

Bình luận mới nhất