
Thành phố Việt Trì, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ (mới). Ảnh: PT.
Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ vừa có báo cáo phương án xây dựng nhà ở công vụ, bố trí nhà lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình.
Trước mắt Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ đã làm việc với 3 đơn vị đang quản lý, vận hành Khu ký túc xá Trường Đại học Hùng Vương; Khu nhà khách Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ; Khu chung cư sinh viên ở Khu đô thị Minh Phương để bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập 3 tỉnh.
Thống kê sơ bộ, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình dự kiến đăng ký lưu trú sau sáp nhập 3 tỉnh là 4.405 người, trong đó cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 270 người; công chức, viên chức là 4.135 người.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết, việc bố trí nhà ở công vụ, nhà ở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập tỉnh là nhiệm vụ cấp thiết, cần triển khai đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với nhà ở công vụ cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, ông Bùi Văn Quang yêu cầu trước mắt nghiên cứu, tính toán bố trí phương án nhà ở công vụ tại khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành về đối tượng được hưởng chế độ nhà ở công vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát quỹ nhà ở hiện có, đề xuất phương án cải tạo, bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ công chức, viên chức; đồng thời căn cứ nhu cầu thực tế, nghiên cứu xây dựng mới khu nhà ở công vụ tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và có thể linh hoạt chuyển đổi công năng sử dụng phù hợp với yêu cầu thực tế trong thời gian tới.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, ưu tiên bố trí cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định pháp luật, đặc biệt là những trường hợp gặp khó khăn về chỗ ở.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng giao Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ việc đi lại, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Dự kiến sau sáp nhập 3 tỉnh, tỉnh Phú Thọ (mới) có diện tích tự nhiên là 9.361,381 km², quy mô dân số là 4.022.638 người, có 148 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập được đặt tại thành phố Việt Trì hiện nay.