Ngày 3/1/2025, Văn phòng Chính phủ có Phiếu chuyển số 23/PC-VPCP gửi Toà án nhân dân Tối cao (gọi tắt TAND Tối cao) yêu cầu xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với vụ việc của bà Chu Thị Lộc ở số C1/1 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức (cũ), TP HCM.
Theo bà Chu Thị Lộc, ngày 10/7/1992, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải (gọi tắt ĐH GTVT) ban hành Quyết định số 97/QĐ về việc giao nhà thanh lý và đất để cán bộ công nhân viên tự xây dựng nhà để ở (quyết định có 17 cán bộ được cấp đất, nhà). Diện tích mà chồng bà Lộc là ông Nguyễn Hồng Ửng (nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT đã mất) được cấp 150 m2 nhưng diện tích sử dụng thực tế 220 m2 thuộc thửa số 6, tờ bản đồ số 22, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức (cũ).

Sau khi được cấp nhà, đất từ năm 1992 đến năm 2012 gia đình bà Lộc luôn đóng thuế đầy đủ. Ảnh: Đức Trung.
Tháng 7/1992, gia đình đã xây dựng tường bao và một căn nhà cấp 4 lợp ngói và hai căn nhà cấp 4 lợp tôn và một khoảng sân trong khuôn viên được cấp. Bà Lộc và gia đình sử dụng ổn định đến nay không có tranh chấp và được cấp số nhà C1/1 đường Lê Văn Việt, khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức (cũ). Và từ năm 1992 đến năm 2012, gia đình bà Lộc luôn đóng thuế đầy đủ.
Do cần tu sửa lại vì nhà xuống cấp không thể ở được nên bà nộp đơn đến UBND phường Tăng Nhơn Phú A, xin sửa chữa thì được UBND phường thông báo ngày 16/9/2019, Phân Hiệu II, Trường ĐH GTVT có Công văn số 1573/ĐHGTVT-TPHCM đề nghị ngăn chặn việc sửa chữa do Phó Giám đốc Võ Trường Sơn ký nên UBND phường Tăng Nhơn Phú A không cho phép sửa nhà.
Bà Chu Thị Lộc cho rằng, Trường ĐH GTVT có Công văn số 1573 nói trên là không đúng pháp luật. Do đó bà khởi kiện ra TAND TP Thủ Đức, đề nghị Tòa công nhận cho bà được quyền sở hữu đối với căn nhà C1/1 đường Lê Văn Việt và quyền sử dụng 220m2 đất nói trên.

Căn nhà bà Chu Thị Lộc ở số C1/1 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức (cũ) được cấp năm 1992 cùng 17 hộ khác (trong đó có 5 hộ đã được cấp sổ đỏ) sử dụng ổn định thì nay có nguy cơ bị mất trắng. Ảnh: Đức Trung.
Tại buổi hòa giải ngày 2/2/2021, sau khi đo đạc thực tế thì phần đất thực tế của gia đình bà Lộc là 221.4m2. Vậy nên bà Lộc yêu cầu được công nhận quyền sử dụng đất phần diện tích 221.4m2 và nhà trên đất 140,2m2. Bản án sơ thẩm số 1993/2021/DS-ST ngày 9/11/2021 của TAND TP Thủ Đức tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Chu Thị Lộc. Công nhận quyền sử dụng hợp pháp nhà 140,2 m2 và đất 221,4m2 cho bà Lộc. Yêu cầu bà Lộc liên hệ cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật khi án có hiệu lực pháp luật. Toà cũng tuyên không chấp nhận yêu cầu phản tố của Trường ĐH GTVT.
Không đồng tình với bản án, Trường ĐH GTVT kháng nghị bản án sơ thẩm. Ngày 21/4/2022 TAND TP HCM xét xử và ra bản án Phúc thẩm số 81/2022/DS-PT có dấu hiệu "bất thường” khi HĐXX không xem xét những tài liệu chứng cứ quan trọng là Công văn số 4803/CNTPTĐ của Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức ngày 30/3/2022 gửi TAND TP Hồ Chí Minh. Cụ thể: Theo Công văn số 4803/CNTPTĐ của Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức ngày 30/3/2022 gửi TAND TP Hồ Chí Minh nêu rõ tại mục 1: Trong số 17 trường hợp được giao đất theo Quyết định số 97/QĐ ngày 10/7/1992 của Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT có 5 trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).
Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 5/17 hộ theo Quyết định số 97 đã được UBND TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bằng Quyết định số 4233/QĐ-UBND ngày 25/8/2014. Ngày 24/9/2014 Phân hiệu II, Trường ĐH GTVT làm thủ tục bàn giao vô điều kiện để 5/17 hộ nằm trong danh sách đính kèm Quyết định số 97 để chính quyền địa phương thực hiện việc cấp giấy CNQSDĐ. Do đó, bản án Phúc thẩm số 181/2022/DS-PT ngày 21/4/2022 của TAND TP Hồ Chí Minh tuyên xử sửa bản án sơ thẩm.
Đồng thời, không chấp nhận đơn yêu cầu của bà Chu Thị Lộc về việc yêu cầu tòa công nhận quyền sử dụng diện tích 221,4 m2 tại địa chỉ số C1/1 đường Lê Văn Việt. Buộc bà Lộc trả lại diện tích đất 221,4m2 và có trách nhiệm tháo dỡ nhà và tài sản trên đất để bàn giao đất cho Trường ĐH GTVT.

Căn nhà của bà Lộc đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa. Ảnh: Đức Trung.
Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Duy Binh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo khoản 2, 3 Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao.
Như vậy, theo Quyết định số 97 của Trường ĐH GTVT, việc giao đất cho gia đình ông Nguyễn Hồng Ửng dùng vào mục đích để ở, sử dụng ổn định, lâu dài, không có thời hạn. Về quá trình sử dụng nhà và đất, gia đình ông Ửng đã sử dụng đúng mục đích, liên tục và ổn định từ năm 1992 đến nay, không có tranh chấp. Ngoài ra, căn cứ vào quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì việc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp GCNQSDĐ của bà Lộc là có cơ sở.