Ghi nhận từ đặc khu Thổ Châu và Kiên Hải
Là một trong ba đặc khu hành chính trực thuộc tỉnh An Giang (mới), Thổ Châu mang trên mình một vị thế hết sức đặc biệt: vừa là đảo xa, cách trung tâm tỉnh lỵ (phường Rạch Giá) hơn 220km đường biển, vừa là vùng biên giới trọng yếu giữa trời nước mênh mông phía tây nam Tổ quốc.

Đặc khu Kiên Hải là một trong ba đặc khu trực thuộc tỉnh An Giang mới, người dân kỳ vọng cơ chế đặc khu sẽ giúp các đảo phát triển mạnh mẽ và bền vững. Ảnh: Trung Chánh.
Với diện tích 13,98 km2, dân số 1.896 người, đặc khu Thổ Châu nhỏ bé về quy mô, nhưng lại mang một ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quốc phòng, an ninh lẫn phát triển bền vững cho vùng biển đảo Tây Nam.
Trong bối cảnh cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, điều kiện đi lại cách trở, một số cán bộ từ đất liền vừa được tăng cường, vừa làm quen môi trường sống mới, vừa nhận nhiệm vụ chính trị mới. Nhưng không chờ đợi, không trì hoãn ngay khi vừa ổn định tổ chức lập tức bắt tay vào việc. Từng bộ phận đi vào vận hành, từng hồ sơ được tiếp nhận, từng công việc dân sinh được quan tâm xử lý. Tinh thần chung được lan tỏa là phục vụ nhân dân là trên hết, càng ở nơi đảo xa, càng phải sát dân, gần dân và vì dân.
Trong lời chia sẻ đầy tâm huyết, ông Đỗ Văn Dừng – Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND đặc khu Thổ Châu khẳng định quyết tâm của tập thể cán bộ nơi đảo xa: “Tất cả cán bộ, đảng viên công tác tại đặc khu Thổ Châu rất vinh dự và tự hào khi được Đảng bộ, lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao trọng trách. Chúng tôi sẽ đem hết tâm huyết, trách nhiệm, năng lực và trí tuệ để góp phần xây dựng Thổ Châu trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc thù phát triển nhanh và bền vững”.
Sự quyết tâm từ đội ngũ cán bộ đã tiếp thêm niềm tin cho người dân trên đảo. Ông Lê Văn Ca, người đã sống cả đời gắn bó với Thổ Châu nhìn nhận: “Việc tổ chức chính quyền hai cấp ngay tại đảo giúp bà con thuận tiện hơn rất nhiều. Chúng tôi không còn phải mất ngày đi tàu vào đất liền để làm giấy tờ. Mong tỉnh và đặc khu sẽ tiếp tục đầu tư để Thổ Châu phát triển mạnh hơn, nhất là về du lịch biển đảo, để nơi đây không chỉ là điểm tựa biên cương mà còn là điểm đến hấp dẫn của cả nước”.
Trên vùng đảo nhỏ giữa trùng khơi, một chính quyền mới đang vận hành, mang theo kỳ vọng lớn lao của Đảng, của nhân dân. Từng quyết định, từng hành động đều đang góp phần làm nên một Thổ Châu đổi mới, vững chãi và vươn xa.

Các trung tâm hành chính công cấp xã thuộc tỉnh An Giang mới hoạt động thông suốt, cán bộ tận tình hướng dẫn, với tinh thần phục vụ người dân là trên hết. Ảnh: Trung Chánh.
Đặc khu Kiên Hải được thành lập từ bốn xã đảo của huyện Kiên Hải gồm Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Địa bàn các đảo đều cách xa nhau, việc đi lại của người dân gặp khó khăn.
Ông Trần Tiến Thẳng, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND đặc khu Kiên Hải cho biết, khi sáp nhập, chúng tôi vẫn bố trí nhân sự vận hành công việc thông suốt, không để gián đoạn, không bỏ sót việc, nhất là trong khâu giải quyết các thủ tục hành chính cho dân.
Theo ông Thẳng, để thuận tiện cho dân, tại trụ sở 4 xã trước đây là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du, đều bố trí một tổ tiếp nhận thủ tục hành chính, gồm một tổ trưởng chuyên môn và 6 công chức. Nhiệm vụ của tổ là hướng dẫn người dân, tiếp nhận hồ sơ và gửi về trung tâm phục vụ hành chính công của đặc khu để giải quyết. Xong lại tiếp nhận và trả kết quả cho dân, không để bị chậm trễ hoặc phiền hà, người dân phải đi lại nhiều lần.
Tại vùng cực Nam Tổ quốc
Ngay sau lễ công bố nghị quyết sáp nhập, chính quyền hai cấp tỉnh Cà Mau mới nhanh chóng ổn định tổ chức, bắt tay vào công việc, đảm bảo phục vụ liên tục cho người dân. Các cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh và 64 xã, phường trực thuộc tỉnh Cà Mau mới bước vào ngày làm việc đầu tiên sau khi bộ máy chính quyền hai cấp được công bố. Không khí làm việc tại các địa phương khẩn trương, nghiêm túc và đầy quyết tâm.
Sáng ngày 1/7, tại xã U Minh, cán bộ, công chức có mặt đúng giờ, nhanh chóng ổn định nơi làm việc, tiếp nhận hồ sơ hành chính và giải quyết các thủ tục công dân như thường lệ. Bộ máy mới được kiện toàn giúp giảm đầu mối nhưng vẫn đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong phục vụ người dân.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau trong ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Quách Cẩm Tú – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã U Minh chia sẻ: “Chúng tôi xác định đây là thời điểm then chốt, phải bắt tay ngay vào việc để giữ vững niềm tin của người dân. Mọi cán bộ đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nắm bắt công việc mới, không để ách tắc dù chỉ một giờ”.
Tại trung tâm hành chính tỉnh Cà Mau, các sở, ngành cũng đã triển khai nhiệm vụ theo cơ cấu tổ chức mới. Công tác tiếp dân, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính vẫn diễn ra thông suốt, không gián đoạn.