



Ngành nông nghiệp năm 2024 phải đối mặt với ba chữ “biến” - biến đổi khí hậu (bão lũ, xâm nhập mặn), biến động thị trường theo những thay đổi “ghế nóng” của các quốc gia trên thế giới và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Tuy nhiên, Tập đoàn PAN vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định. Bà có thể chia sẻ thêm về câu chuyện “vượt bão” ở các công ty thành viên trong năm qua?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Trước hết, tôi xin “khoe” một chút về kết quả của sự nỗ lực của 11.000 người Tập đoàn PAN trong một năm đầy khó khăn và biến động như vừa qua.
Doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 16.184 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với 2023. Lợi nhuận sau thuế của chúng tôi lần đầu vượt mốc nghìn tỷ đồng với 1.148 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2023, đạt mức kỷ lục.
Để có được kết quả tích cực này, phải kể đến tinh thần dám nghĩ, dám làm ở các thành viên của Tập đoàn. Điển hình như câu chuyện nuôi tôm nghịch vụ ở Thực phẩm Sao Ta.
Tại Việt Nam, việc nuôi tôm đúng vụ đã khó khi liên tục đối mặt với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chất lượng con giống… Tuy nhiên, Sao Ta có những chuyên gia nuôi tôm có tiếng “chắc nghề” như anh Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta và Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng Giám đốc. Chúng tôi không chỉ nuôi tôm với tỷ lệ thành công lên đến 85%, mà còn có thể nuôi tôm ở những điều kiện thời tiết bất lợi. Kinh nghiệm của Sao Ta là phải luôn đảm bảo chất lượng nước đi liền với an toàn sinh học và cách ly khu nuôi tôm với ngoại vật (chim, giáp xác, bò sát...).
Đến nay, có thể tự hào chia sẻ, chúng tôi là một trong số ít đơn vị có diện tích nuôi tôm tự chủ lớn nhất Việt Nam với 540ha, tự chủ 30% nguyên liệu sản xuất. 90% tôm được xuất khẩu sang ba thị trường cao cấp Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.
PAN tập trung vào các phân khúc khách hàng cực kỳ khó tính, bởi chúng tôi cho rằng, chinh phục thành công thị trường tiêu chuẩn khắt khe như Nhật Bản, châu Âu sẽ là tấm “hộ chiếu” để có thể thâm nhập vào các thị trường khác.


Bà từng chia sẻ rằng “đổi mới sáng tạo không phải là chiến lược, mà là hơi thở trong từng bước đi”. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất ở Tập đoàn thể hiện ở những khía cạnh nào?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Một trong những thành viên ở mảng nông nghiệp của chúng tôi - Vinaseed, là tập đoàn dẫn đầu ở Việt Nam về thị phần giống cây trồng (21,5%), sở hữu gần 20 trung tâm nghiên cứu sản xuất, hàng trăm giống cây trồng đang được bảo hộ và hoạt động. Nếu tính cả giống cây trồng và nông sản, hiện sản phẩm của Vinaseed không chỉ được phân phối toàn quốc mà đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia.
Vinaseed cũng là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu các giống lúa mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như giống Đài Thơm 8, đóng góp 30% tổng lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam. Đây là con số đáng tự hào của chúng tôi!
Ứng dụng công nghệ trong chọn tạo giống nhằm nâng cao năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh và biến đổi khí hậu cũng là mục tiêu trọng tâm mà Tập đoàn PAN đầu tư, gắn với chiến lược đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Trong vòng hai năm tới, Vinaseed sẽ cho ra mắt loại gạo đặc biệt, màu sắc giống như gạo lứt nhưng hạt cơm rất mềm, dẻo, thơm và có một lớp dầu dinh dưỡng phủ ngoài. Loại gạo này kết hợp với nước mắm hạ thổ của 584 Nha Trang dự kiến sẽ trở thành “combo” bùng nổ của PAN. Chúng tôi vẫn nói với nhau, đến với PAN, người tiêu dùng không chỉ ăn no, mà còn ăn ngon, ăn bổ dưỡng.
Hay câu chuyện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thực phẩm Sao Ta, cụ thể là trong công đoạn chế biến tôm. Trước đây, việc phân loại tôm theo kích cỡ phải cần hàng chục công nhân, tuy nhiên hiện nay, công ty đã sử dụng camera AI, quét và phỏng đoán, phân loại nguyên liệu theo hàng chục size khác nhau. Nói riêng trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, Tập đoàn PAN chúng tôi đang là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

Ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất, kinh doanh là xu thế tất yếu. Nhưng nhiều người cũng lo lắng, khi AI thay thế con người, sẽ có một lượng nhân sự dôi dư, mất việc. Công ty giải quyết bài toán này thế nào?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Có người sẽ đặt câu hỏi, áp dụng công nghệ vào sản xuất thì những nhân sự như vậy sẽ dôi dư và họ đi đâu? Với cách làm của PAN, chúng tôi không bao giờ đẩy người lao động ra ngoài mà sẽ điều chuyển họ sang những lĩnh vực mới, bởi PAN luôn mở rộng các công ty không ngừng.
PAN vẫn tiếp tục tìm kiếm dư địa đủ lớn để mở rộng vùng sản xuất, đảm bảo các yếu tố thuận lợi về hạ tầng, nguồn nước… Khi có dư địa, điều chúng tôi hướng tới là làm sao trồng được cây, nuôi được con để có mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất.

Gặp nhiều nông dân, hiểu được suy nghĩ, ước mong, khát vọng của họ, và cả những khó khăn, bế tắc mà họ đang gặp phải trong quá trình sản xuất... Bằng sự thấu hiểu đó, PAN có vai trò, phương án gì để làm trung gian kết nối trong mối quan hệ các nhà để cùng làm nông nghiệp?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Tôi cho rằng, làm việc với nông dân vừa dễ, vừa khó, không giống như làm việc với công nhân - những người làm việc theo những nguyên tắc, kỷ luật đã được tiêu chuẩn hóa. Với nông dân, chúng ta phải hiểu họ, và phải có lòng trắc ẩn. Làm nông nghiệp nếu không có lòng trắc ẩn sẽ không tiếp xúc và hiểu được nông dân nghĩ gì, muốn gì.
Việc tiếp xúc với nông dân ở thời điểm ban đầu khá khó, tuy nhiên khi doanh nghiệp hiểu được mong muốn, chia sẻ lợi ích với nông dân, mọi thứ lại trở nên rất dễ.
Thuyết phục nông dân tham gia mô hình với những giống lúa mới, chất lượng, chia sẻ kiến thức, giải pháp canh tác nâng cao năng suất, giảm chi phí… là cách chúng tôi đã làm ở dự án hợp tác ba bên giữa Vinaseed, VFC và Bình Điền.

Muốn nông dân tin tưởng thì phải đặt mình vào vị trí của họ, làm những việc cho họ như làm cho chính mình. Niềm tin là điều quan trọng nhất. Khi bà con tin mình và nhìn thấy hiệu quả thực sự ở mô hình, họ sẽ sẵn sàng hợp tác. Tiếp đó, phải có một đội ngũ đồng hành cùng bà con để triển khai, theo dõi, giúp đỡ họ tuân thủ quy trình, cách thức sản xuất, nuôi trồng của mình.
Với PAN, điều quan trọng nhất là trao cho bà con niềm tin, tin vào cách làm thật của mình; tin vào điều mong muốn của mình là giúp bà con nâng thu nhập, giảm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hại, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm nông nghiệp; giảm lượng khí metan (methane) trong đất để giữ được chất lượng đất cho con cháu đời sau. Đó là một chiến lược bài bản, dài hạn và rất kiên trì.
Nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được nhiều thành quả và phát triển lên thành ngành hàng. Nhưng bài toán mới đặt ra là, nếu không có phương án chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị gia tăng, sản lượng nông sản lớn có thể trở thành một cản trở.
Tham gia trong khâu chế biến nông sản, PAN giúp được gì cho người sản xuất; tham vấn được những gì cho các cơ quan quản lý để hoạch định được chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Đây là câu chuyện thị trường. Làm gì thì chúng ta vẫn phải quan tâm đến vấn đề chất lượng đầu tiên để có thể tìm kiếm được thị trường tiêu thụ nông sản. Trở lại câu chuyện hợp tác ba bên, PAN vẫn là người thu mua sản phẩm bà con trồng. Mình phải xây dựng được thương hiệu đủ uy tín để tìm được các đối tác.
Tôi vẫn luôn nghĩ, giá trị nông sản của chúng ta rất lớn. Khi đi bán hàng, chúng ta cần có kỹ năng, nghệ thuật. PAN là doanh nghiệp làm ăn bài bản, cung cấp những sản phẩm có chất lượng, chúng tôi có vị thế để lựa chọn đối tác, lựa chọn người mua có uy tín, xuất khẩu sản phẩm với giá cao. Đấy là cách thức định vị sản phẩm và định vị chính doanh nghiệp.
Tại sao PAN xuất khẩu được gạo với giá hơn 1.000 USD/tấn, trong khi nhiều sản phẩm gạo khác chỉ bán được giá vài trăm USD? Điều quan trọng vẫn là chất lượng, chúng tôi sẽ bán những sản phẩm mà gia đình, con em mình sử dụng hằng ngày và tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Tôi may mắn có 18 năm làm việc trong tập đoàn đa quốc gia và hiểu rõ vai trò của R&D và phát triển bền vững. Từ hơn chục năm trước, PAN đã thuộc số ít các công ty niêm yết phát hành báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn GRI. Chúng tôi chủ động xây dựng phương án, chiến lược phát triển nên khi có những quy định chặt chẽ về hàng rào thuế quan, hàng rào chất lượng… thì đã đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đó, không mất thời gian điều chỉnh, xây dựng lại từ đầu.

Doanh nghiệp vẫn phải nghĩ đến câu chuyện dài hạn, không chộp giật được. Thực ra, đầu tư làm ăn theo phương án chiến lược bền vững không phải lúc nào cũng đắt đỏ. Quan trọng là tư duy của người lãnh đạo, phải có sự nhất quán từ đầu. Có chất lượng rồi chúng ta sẽ tự tin để đi ra nói chuyện với các ông lớn, nói chuyện với các thị trường nhà giàu…, khi đó chúng ta sẽ có cơ hội chinh phục được những thị trường đó.
PAN có những khách hàng gắn bó tới 30 năm mà chúng tôi coi vừa là bạn hàng, vừa là bạn tốt, đồng thời là đối tác bền vững. Thời kỳ cả thế giới khủng hoảng vì dịch Covid-19 hoành hành, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và nghĩ rằng đối tác cũng tương tự. Chúng tôi nỗ lực tiết kiệm mọi mặt, đồng thời chủ động đề nghị giảm giá 2% đơn hàng cho họ và chia sẻ “mong rằng việc này tuy không lớn nhưng sẽ là nguồn động viên bạn tiêu thụ hàng tốt hơn trong hoàn cảnh này, để cùng nhau vượt qua khó khăn. Bạn sống sót thì chúng tôi mới sống sót. Hy vọng chúng ta có ngày mai hợp tác tốt hơn”. Nhưng thật bất ngờ, đối tác phản hồi rất chân tình: “Chúng tôi rất xúc động, cám ơn các bạn nhiều lắm và chúng tôi khẳng định, rằng hiện tại chúng tôi vẫn đang nỗ lực. Chúng tôi cũng biết các bạn đang khó khăn, nên khi nào quá khó khăn mới nhờ tới sự hỗ trợ của doanh nghiệp các bạn”.
Câu chuyện trên để thấy được rằng, chúng ta đi bán hàng đừng chỉ vì lợi ích của mình, phải luôn đặt mình vào vị trí của đối tác, quan tâm đến lợi ích và cảm xúc của họ, như vậy mới bền vững được.


Đối với những đối thủ cạnh tranh, PAN sẽ ứng xử như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Tôi suy nghĩ rằng, dù có là đối thủ thì trước sau vẫn sẽ trở thành đối tác được. Đối tác sẽ có thể kết hợp cùng nhau để chia sẻ sản phẩm, thị trường. Không phải chủ quan khi nói rằng chúng tôi không coi ai là đối thủ, PAN có định vị riêng, con đường riêng… Dù thế nào, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi sản phẩm với đối tác để cùng phân phối vào những thị trường khó tính.
PAN được biết đến là hệ sinh thái nông nghiệp, thực phẩm hàng đầu Việt Nam với hệ sinh thái 12 công ty thành viên với những cái tên quen thuộc như Vinaseed, VFC, Thực phẩm Sao Ta, Aquatex Bentre, Bibica, Lafooco, 584 Nha Trang…
Sở hữu các công ty nông nghiệp - thực phẩm hàng đầu thị trường, PAN hiện đang đứng đầu về thị phần giống cây trồng, khử trùng và bảo vệ thực vật; nhóm doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra hàng đầu, thương hiệu bánh kẹo quốc dân…
Để có một hệ sinh thái “khỏe mạnh”, PAN lựa chọn con đường ĐỔI MỚI SÁNG TẠO và PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG.
Bà có đề cập đến vấn đề “dòng vốn xanh”. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay PAN đang ở thời kỳ hái quả ngọt. PAN sử dụng dòng vốn này như thế nào trong quá trình phát triển lĩnh vực nông nghiệp?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Hiện tại, PAN đang tiên phong. Chúng tôi đã ký kết MoU với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tại COP28 với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, và đến nay họ đã giải ngân. Nhưng cũng phải chia sẻ thật, vốn xanh không phải quá rẻ như mọi người vẫn tưởng tượng. Thế nhưng khi có được dòng vốn này, doanh nghiệp sẽ có uy tín rất lớn trong thị trường vốn, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng ngoại.
Ngân hàng hàng đầu của Anh này đã dành 5-6 tháng đến doanh nghiệp để thẩm định, xác thực rất bài bản về tình hình kinh doanh, sổ sách minh bạch, đánh giá các tiêu chí về phát triển bền vững… rồi mới cấp hạn mức vốn.
Khi đã qua được những quy trình đó rồi, nhiều ngân hàng khác đã tìm đến PAN và chào các dòng vốn rẻ. Mỗi thương vụ hợp tác không phải một sớm một chiều sẽ xong, mà thời gian sẽ mất tới hàng năm trời.

Hiện tại, PAN đang hướng tới chinh phục thị trường Trung Quốc. Bà nhận định về thị trường này như thế nào và có chiến lược gì đối với thị trường này?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Trung Quốc là một thị trường rất lớn. Nhiều người đang hiểu lầm rằng đây là một thị trường dễ tính nhưng không phải vậy. Hiện tại, hàng rào thuế quan, chất lượng đang được đẩy lên khá cao. Đây là một thị trường quan trọng của Việt Nam. PAN hiện đã xuất khẩu một số mặt hàng sang các siêu thị tại Trung Quốc, và đang có kế hoạch xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm chủ lực sang thị trường tỷ dân này.
Với những hiện tượng hàng nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu trong những thời điểm nhất định, bà có gợi ý phương án nào tốt để chúng ta có hướng xử lý, bảo quản, chế biến sản phẩm?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Tình trạng này chủ yếu xảy ra với nông sản xuất khẩu trực tiếp dạng tươi. Còn sản phẩm của chúng tôi đều ở dạng đóng gói, chế biến sâu nên không gặp tình huống này.
Chế biến sâu, nâng cao giá trị và thương hiệu cho hàng nông sản là bài toán chúng ta đã nhận diện từ lâu và tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đang có nhiều nỗ lực để chuyển dịch theo hướng này. Với PAN, chúng tôi kiên định ngay từ đầu là không bán nông sản thô.
Lấy một ví dụ tại công ty điều trong hệ thống của tập đoàn. Trước thời điểm PAN đầu tư, Lafooco hoàn toàn là một công ty thương mại, chuyên xuất khẩu hạt điều thô. Ngay sau đó, chúng tôi đã xây dựng chiến lược tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình công ty theo hướng sản xuất, xuất khẩu hàng giá trị gia tăng, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia “made in Vietnam”. Có như vậy, hàng nông sản mới tách khỏi tình cảnh được mùa mất giá. Nếu không kiên quyết theo đuổi mô hình này, chắc chắn Lafooco đã chịu chung số phận với rất nhiều công ty cùng ngành - thua lỗ, phá sản ở giai đoạn đó.
Câu chuyện chuyển đổi mô hình thành công của Lafooco đã truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp phát triển theo hướng này. Từ một doanh nghiệp 100% xuất hàng thô, mày mò từng bước nâng tỉ trọng hàng giá trị gia tăng, đến nay có thể nói tình thế đã hoàn toàn đảo ngược: Lafooco không những không còn là công ty điều thô, mà đang dần dịch chuyển thành một công ty chế biến nông sản đa dạng các loại hạt và trái cây.


Hợp tác 3 bên giữa Vinaseed - VFC - Bình Điền II về xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL nhằm hiện thực hóa đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” và đề án quốc gia “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã thực hiện được ba vụ lúa (Đông Xuân 2023-2024; Hè Thu 2024; Đông Xuân 2024-2025) với tổng quy mô 85,3ha trên địa bàn 6 tỉnh ĐBSCL, bao gồm Đồng Tháp, An Giang, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ và Kiên Giang.
Qua ba vụ thí điểm, bộ giải pháp giống - phân bón - kiểm soát dịch hại của hợp tác ba bên đã chứng minh hiệu quả khi giảm chi phí sản xuất xuống còn 16,8 triệu đồng/ha; gia tăng lợi nhuận cho người nông dân lên khoảng 33,9 triệu đồng/ha.
Lượng giống sử dụng giảm từ 90 kg/ha xuống còn 60 kg/ha; tần suất bón phân giảm từ 6 lần xuống 3 lần; tần suất quản lý dịch hại giảm từ 10 lần xuống 5 lần. Điều này giúp chi phí giống giảm 36,2%; phân bón giảm giảm 26%, thuốc BVTV giảm giảm 36%.
Dù giảm tất cả yếu tố đầu vào so với đối chứng, nhưng ruộng mô hình vẫn duy trì các chỉ tiêu năng suất tốt, gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
Theo đó, năng suất lý thuyết của ruộng mô hình hợp tác ba bên đạt 9,4 tấn lúa khô, độ ẩm 14%/ha, cao hơn 10,2% so với đối chứng. Năng suất thực tế tương của mô hình đạt 7,05 tấn lúa khô /ha, cao hơn 10,6% so với ruộng đối chứng (6,37 tấn lúa khô/ha). Toàn bộ lúa trên các ruộng mô hình sẽ được Vinaseed bao tiêu và đưa vào chế biến, phân phối, xuất khẩu.
Cách đây hơn 2 năm, chỉ sau 2 tuần mở bán trên Amazon Bắc Mỹ, 3 trong tổng số 4 loại hạt điều của Lafooco đã lọt top 10 sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất trên nền tảng này, đồng thời là một trong số những thương hiệu sản phẩm tiêu dùng Việt Nam đầu tiên được gắn nhãn hiệu "Climate Pledge Friendly" (một chứng nhận giúp người mua hàng nhận diện và chọn lựa các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn bền vững và bảo tồn thế giới tự nhiên).
Khó thì khó thật nhưng chúng ta sẽ từng bước, từng bước. Thấy khó mà không dám làm, đó mới là thất bại!
Xin cảm ơn bà!