| Hotline: 0983.970.780

Mở lại phiên xử phúc thẩm Trịnh Văn Quyết

Thứ Ba 25/03/2025 , 06:44 (GMT+7)

TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm Trịnh Văn Quyết trong đại án thao túng chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khắc phục hậu quả hơn 1.864 tỷ đồng.

Sáng nay (25/3), Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và các đồng phạm trong đại án "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Phiên tòa được mở nhằm xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo, trong đó ông Quyết đề nghị giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm bồi thường dân sự.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại tòa. Ảnh: IT.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại tòa. Ảnh: IT.

Trước đó, phiên xử dự kiến diễn ra cuối tháng 12/2024 nhưng buộc phải tạm hoãn do bị cáo Quyết nhập viện điều trị các bệnh về lao, phổi và suy thận, sức khỏe không đảm bảo ra hầu tòa.

Theo bản án sơ thẩm được tuyên hồi tháng 8/2024 bởi TAND TP Hà Nội, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cộng thêm 3 năm tù vì “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt là 21 năm tù, mức án cao nhất trong số 50 bị cáo của vụ án. Đồng thời, ông Quyết còn bị buộc bồi thường, khắc phục hậu quả với số tiền hơn 1.864 tỷ đồng. Tòa xác định ông là chủ mưu, tổ chức và điều hành toàn bộ hoạt động phạm tội.

Liên quan đến vụ án, em gái ông Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế, nguyên cán bộ Ban kế toán FLC bị tuyên 14 năm tù; bà Trịnh Thị Thúy Nga, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, bị tuyên 8 năm tù. Một nhân vật chủ chốt khác là bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, bị tuyên 8 năm 6 tháng tù.

Kết luận của phiên sơ thẩm cho thấy, bị cáo Quyết đã mua lại Công ty Faros, sau đó chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ để đưa cổ phiếu niêm yết lên sàn. Ông cũng chỉ đạo cấp dưới mượn giấy tờ cá nhân để mở hàng loạt tài khoản chứng khoán, thao túng giá cổ phiếu thông qua các giao dịch ảo nhằm lôi kéo nhà đầu tư, từ đó chiếm đoạt tiền của họ.

Các bị cáo Huế, Nga và Dung được xác định đóng vai trò giúp sức tích cực, trong đó bà Huế bị xem là người trực tiếp thực hiện nhiều hành vi quan trọng, góp phần giúp ông Quyết thu lợi bất chính số tiền lớn.

Những bị cáo còn lại, chủ yếu là nhân viên cấp dưới, bị tuyên từ 15 tháng tù treo đến 11 năm tù về các tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm tuyên buộc ba anh em nhà ông Quyết phải nộp lại 684 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ hành vi thao túng 5 mã cổ phiếu (AMD, HAI, GAB, FLC, ART) để sung công quỹ. Các nhà đầu tư bị thiệt hại có thể khởi kiện bằng vụ án dân sự riêng biệt nếu muốn đòi bồi thường.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2022, ông Quyết đã chỉ đạo lập hàng loạt công ty "sân sau" đứng tên người thân, nhân viên và người quen, nhằm tạo mạng lưới tài khoản giao dịch chằng chịt. Với 190 tài khoản chứng khoán được vận hành cùng lúc, nhóm bị cáo liên tục đặt - hủy lệnh, mua bán với khối lượng lớn vào các thời điểm nhạy cảm của thị trường để tạo ra cung, cầu ảo, từ đó đẩy giá cổ phiếu tăng vọt, gây thiệt hại khoảng 723 tỷ đồng cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros cũng là thủ đoạn tinh vi trong hành trình phạm tội. Công ty này được thành lập năm 2011 với vốn ban đầu chỉ 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014 – 2016, bị cáo Quyết đã lập hồ sơ giả để tăng vốn điều lệ lên tới 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Sau khi niêm yết mã ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết tiếp tục chỉ đạo bán lượng lớn cổ phiếu, chiếm đoạt khoảng 3.600 tỷ đồng từ nhà đầu tư.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Huyện Khoái Châu coi thường pháp luật 'làm trước, xin sau'

Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Khoái Châu đã tự ý xây dựng dự án hạ tầng khu dân cư, trước khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Hưng Yên.

Hà Nội bưng bít thông tin vụ ‘vẽ’ dự án trên ‘đất vàng’

TP. Hà Nội ‘vẽ’ dự án có vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhưng các hạng mục trong dự án được khái toán trước đây chỉ khoảng 7 tỷ đồng.

Bị phạt vì mua, tàng trữ 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp

UBND tỉnh Nghệ An vừa Quyết định xử phạt một cá nhân số tiền 50 triệu đồng vì hành vi mua bán, tàng trữ hơn 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất