| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề 'vít đầu thiên hạ' tổ chức đại lễ giỗ tổ

Thứ Năm 17/04/2025 , 19:31 (GMT+7)

HÀ NỘI Nằm trên con đường đắt nhất hành tinh, làng Kim Liên (Hà Nội) nổi tiếng với nghề 'vít đầu thiên hạ' xuyên suốt hàng thế kỷ.

Những con dao, cái kéo... từ thời bao cấp

Hoà chung không khí của Lễ hội đền đình Kim Liên (Hà Nội), Đại lễ Giỗ tổ ngành tóc Việt Nam đã được Hội Làng nghề tóc Kim Liên tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân có công mở đường và phát triển nghề tóc của làng.

Cùng với hoạt động “khai kéo” cắt tóc miễn phí cho bà con, làng Kim Liên còn tổ chức triển lãm giới thiệu và trưng bày những tư liệu và hiện vật về lịch sử ngôi làng “vít cổ thiên hạ” từ xưa như lược, dao, kéo từ thời bao cấp.

Bộ đồ nghề cắt tóc của làng nghề cắt tóc Kim Liên có tuổi đời nhiều năm. Ảnh: Đức Bách.

Bộ đồ nghề cắt tóc của làng nghề cắt tóc Kim Liên có tuổi đời nhiều năm. Ảnh: Đức Bách.

Thời Lê sơ, người dân làng Kim Liên đã sắm dao, kéo, ngoáy tai để đi cạo mặt, cạo râu. Thời đó các cụ búi tóc củ hành nên việc cắt tóc chỉ cắt bớt đi để búi lại cho dễ. Qua thời gian, với những thăng trầm của lịch sử, đàn ông, con trai dần bỏ tóc dài và để tóc ngắn cho hợp thời.

Vì dụng cụ chủ yếu của người làm nghề cắt tóc là dao cạo nên họ được gọi là thợ cạo. Khi người Pháp đưa sang những dụng cụ mới là kéo, tông đơ, dao cạo lá lúa... thì nghề cắt tóc ra đời vào những thập niên cuối của Thế kỷ 19.

Chuyện ông thầy địa lý Tả Ao

Xưa, cụ Phạm Duy Hiền (còn gọi là cụ Tổng du) là một “cây kéo” nổi tiếng được nhiều vị công thần và quan chức trọng dụng. Cụ từng mở một tiệm tóc ở phố Cửa Nam và những cửa tiệm tóc nổi tiếng ở khắp Hà Nội xưa đều là của người làng Kim Liên đứng ra làm chủ. Với tay nghề điêu luyện, tính thẩm mỹ cao, cụ Hiền được vua Bảo Đại để mắt và rồi trở thành thợ cắt tóc riêng cho vị hoàng đế này.

Nghệ nhân Phạm Duy Hào – Chủ tịch Hội Làng nghề tóc Kim Liên kể lại câu chuyện: “Một ngày có ông thầy địa lý tên là Tả Ao tới trấn yểm. Đi qua đình làng, Tả Ao thấy các cụ tập trung ở đó để cạo mặt, ngoáy tai thì ông thầy dừng lại và hỏi dân làng muốn làm nghề gì. Thời đó, phụ nữ làm nghề trồng rau muống và nhuộm vải nâu, còn nam giới không có nghề nghiệp, chỉ có đi cạo râu, mỗi người mỗi hòm gỗ, lấy cây đa, bến nước làm nơi hành nghề.

Bức ảnh quý hiếm về người thợ cạo (thợ cắt tóc làng Kim Liên) từ thời phong kiến. Ảnh: Đức Bách.

Bức ảnh quý hiếm về người thợ cạo (thợ cắt tóc làng Kim Liên) từ thời phong kiến. Ảnh: Đức Bách.

“Khi đó, dân làng Kim Liên trả lời ông thầy Tả Ao rằng muốn làm cái nghề “vít đầu thiên hạ”. Thầy Tả Ao cho làng một hòm đá, một cái kéo và một cái lược bằng đá làm bài trấn yểm. Mới đây, khi Hà Nội cải tạo con đường Xã Đàn đã đào được cái hòm đá lên thì hòm đá ấy được viết bằng tiếng Hán Nôm, sau đó được dịch ra tiếng Việt với nội dung: 'Giang sơn, một tráp gương, lược, dao/Chơi ngông gọt gáy khách anh hào/Dù thánh, dù tướng ta cũng mặc/Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào'.

Sau khi ngài trấn yểm xong, cả làng Kim Liên bắt đầu đi làm nghề cắt tóc, mở cửa hàng khắp nơi trên cả nước, cho đến bây giờ vẫn phát huy được nghề”, ông Hào chia sẻ.  ​

Năm 2005, phường Kim Liên khôi phục lại làng nghề cắt tóc để lưu giữ truyền thống cha ông. Hàng năm, làng nghề tổ chức lễ tri ân tổ nghiệp với mong muốn gìn giữ bản sắc nghề. Đến năm 2020, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã công nhận Hội Làng nghề Kim Liên là làng nghề cắt tóc truyền thống, ông Phạm Duy Hào cũng là một trong những nghệ nhân đầu tiên của làng nghề.

Nghệ nhân Phạm Duy Hào – Chủ tịch Hội Làng nghề tóc Kim Liên (đứng giữa) cùng những nghệ nhân của làng. Ảnh: Đức Bách.

Nghệ nhân Phạm Duy Hào – Chủ tịch Hội Làng nghề tóc Kim Liên (đứng giữa) cùng những nghệ nhân của làng. Ảnh: Đức Bách.

Năm nay, Đại lễ Giỗ tổ ngành tóc Việt Nam diễn ra triển lãm mang tên “Dòng chảy tóc thời gian” trưng bày những dụng cụ cắt tóc thô sơ như dao cạo cho đến những dụng cụ hiện đại như lược, kéo, tông đơ... Bên cạnh đó, những tư liệu lịch sử cũng được các thế hệ nghệ nhân sưu tầm nhằm giới thiệu cho du khách đến với làng nghề về ngôi làng “vít cổ thiên hạ” đặc biệt nhất Hà thành.   

Theo ông Hào, Đại lễ Giỗ tổ ngành tóc Việt Nam năm nay cũng là cơ hội để các nghệ nhân của làng có thể trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các đơn vị tài trợ nhằm tiếp thu thêm những kỹ thuật làm tóc mới và cập nhật những xu hướng tóc mới giúp nghề tóc Kim Liên phát triển hơn nữa.

“Làng nghề tóc Kim Liên mong muốn những người thợ làm tóc trên cả nước hãy tiếp tục duy trì nghề 'làm đẹp cho đời' với tất cả tình yêu nghề và luôn nhớ đến những giá trị truyền thống vì 'cái răng, cái tóc là góc con người”. Mong những người thợ tóc luôn nhớ đến ngày giỗ tổ để về thắp nén hương, tri ân tổ nghiệp”, ông Hào chia sẻ.

Xem thêm
TP.HCM hoàn thiện các hạng mục chuẩn bị cho lễ diễu binh kỷ niệm 30/4

TP.HCM Những ngày giữa tháng 4/2025, các hạng mục cuối cùng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang được khẩn trương thực hiện.

Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 3] Những chuyện không muốn kể

Bữa đến thăm nhà, nếu không có lời giải thích của chị Điêu Thị Hoán thì tôi với anh Chủ tịch xã Đông Cửu đã tưởng rằng gia đình đang ăn trứng lộn, thực ra đó chỉ là những quả trứng tắc.