| Hotline: 0983.970.780

Du lịch bùng nổ, biển Đỏ bị đe dọa

Thứ Ba 22/04/2025 , 13:09 (GMT+7)

Chiến lược hút khách du lịch đang khiến bãi biển hoang sơ ven biển Đỏ của Ai Cập đối mặt nguy cơ, theo cảnh báo từ các nhà bảo tồn môi trường.

Bãi biển Ras Hankorab, một trong những địa điểm hoang sơ quý giá tại biển Đỏ, đang đối mặt nguy cơ từ các dự án phát triển du lịch. Ảnh: Mohamed Ezz.

Bãi biển Ras Hankorab, một trong những địa điểm hoang sơ quý giá tại biển Đỏ, đang đối mặt nguy cơ từ các dự án phát triển du lịch. Ảnh: Mohamed Ezz.

Liệu một bãi biển hoang sơ với rạn san hô quý giá và rùa biển quý hiếm có nên nhường chỗ cho những túp lều du lịch, nhà hàng và trang trại? Câu hỏi tưởng như đơn giản ấy đang trở thành tâm điểm tranh cãi ở Ai Cập – nơi chính phủ đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế bằng cách mở cửa các vườn quốc gia cho đầu tư tư nhân.

Ras Hankorab, bãi biển nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Wadi el-Gemal, được cộng đồng bảo tồn quốc tế đánh giá là một trong những hệ sinh thái biển nguyên sơ cuối cùng của Ai Cập. Vị trí biệt lập – cách sân bay Marsa Alam 90 phút và cách khu nghỉ dưỡng Hurghada gần 4 tiếng lái xe – từng là một lợi thế để nơi đây giữ được vẻ hoang dã. Nhưng hiện nay, Ras Hankorab đã bị rào chắn bằng hàng rào gỗ. Theo kế hoạch được công bố, nơi đây sẽ xuất hiện hàng chục lều nghỉ dưỡng, một nhà hàng và thậm chí là cả một nông trại.

Theo những gì được phản ánh từ giới bảo tồn, người dân địa phương và báo chí quốc tế cho thấy đây không đơn thuần là một dự án du lịch, mà là bài toán về cách Ai Cập xác định chiến lược phát triển bền vững giữa khủng hoảng kinh tế.

Khi du lịch là phao cứu sinh kinh tế...

Với 17 triệu lượt khách năm 2024, tăng 17% so với năm trước, du lịch hiện là ngành mũi nhọn của Ai Cập. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, doanh thu từ du lịch đạt 14,1 tỷ USD, vượt xa cả nguồn thu từ kênh đào Suez. Những con số này đủ để lý giải vì sao chính phủ đang nỗ lực mở rộng hạ tầng, kết nối hàng không và đặc biệt là đẩy mạnh “nghỉ dưỡng sinh thái” ven biển và sa mạc.

Từ năm 2016 đến nay, số dự án trong các khu bảo tồn quốc gia của Ai Cập đã tăng gấp 15 lần, từ 10 lên 150. Doanh thu tăng 1.900%. Rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách đang kỳ vọng sự “kiểm soát có mục tiêu” sẽ giúp vừa bảo tồn, vừa thu hút đầu tư.

… nhưng cái giá đánh đổi là gì?

Cư dân địa phương lo ngại việc phát triển du lịch sẽ làm mất đi một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của họ. Ảnh: Mohamed Ezz.

Cư dân địa phương lo ngại việc phát triển du lịch sẽ làm mất đi một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của họ. Ảnh: Mohamed Ezz.

Theo các nhà bảo tồn, không có gì là “du lịch nhẹ nhàng” nếu nó đòi hỏi san lấp, xây dựng và thương mại hóa một hệ sinh thái mong manh. Rạn san hô ở Ras Hankorab được giới khoa học đánh giá là một trong những rạn có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu tốt nhất thế giới. Nó là "ngân hàng gen" cho các hệ sinh thái biển đang suy giảm khắp toàn cầu – tiềm năng để phục hồi nhiều rạn khác đã suy thoái.

Không chỉ rạn san hô, Ras Hankorab còn là nơi sinh sống của rùa biển quý hiếm và các rừng ngập mặn ven bờ – vốn là hệ sinh thái đệm cực kỳ quan trọng trong bối cảnh nước biển dâng. Nếu phá vỡ cân bằng tự nhiên này, rất khó để phục hồi, dù có đổ bao nhiêu tiền cho "du lịch sinh thái".

Chưa kể đến cộng đồng địa phương – những người từng sống bằng nghề du lịch nhỏ lẻ, nay bị cấm tiếp cận bãi biển. “Tôi từng đưa con ra đó chơi miễn phí. Giờ phải trả 250 bảng Ai Cập chỉ để bước vào,” ông Mohamed Saleh, một trưởng tộc địa phương, chia sẻ. “Họ không hỏi ý kiến chúng tôi. Không thuê chúng tôi. Họ chỉ đơn phương chiếm đất.”

Phát triển hay xâm lấn?

Phía chính phủ khẳng định đây là sự 'mở rộng có kiểm soát', nhưng các chuyên gia môi trường lo ngại về nguồn lực quản lý mỏng, khi chỉ còn vài cán bộ theo dõi đa dạng sinh học. Ảnh: Mohamed Ezz.

Phía chính phủ khẳng định đây là sự 'mở rộng có kiểm soát', nhưng các chuyên gia môi trường lo ngại về nguồn lực quản lý mỏng, khi chỉ còn vài cán bộ theo dõi đa dạng sinh học. Ảnh: Mohamed Ezz.

Phía chính phủ khẳng định đây là sự “mở rộng có kiểm soát”, và các dự án sẽ được đánh giá kỹ lưỡng. Nhưng theo các tổ chức NGO và chuyên gia môi trường, nguồn lực quản lý hiện tại là quá mỏng. Cả vườn quốc gia Wadi el-Gemal – rộng hàng nghìn hecta – hiện chỉ còn vài cán bộ theo dõi đa dạng sinh học, thay vì 20 người như năm 2007.

Tổ chức HEPCA (Hiệp hội Bảo vệ và Bảo tồn Môi trường Hurghada) cho biết họ đã đệ đơn kiến nghị lên cơ quan công tố. Trong khi đó, các bộ ngành liên quan từ chối bình luận với báo chí.

“Trao đất bảo tồn cho nhà đầu tư tư nhân dưới danh nghĩa ‘du lịch sinh thái’ là nghịch lý,” luật sư môi trường Ahmed El-Seidi phát biểu. “Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên – không chỉ cho hiện tại mà cho cả các thế hệ tương lai.”

Góc nhìn từ quốc tế

Ai Cập không phải trường hợp cá biệt. Nhiều quốc gia đang đối mặt với bài toán: làm thế nào để phát triển kinh tế mà không hủy hoại những giá trị tự nhiên cốt lõi? Nhưng cũng chính vì vậy, bài học từ Ras Hankorab có thể trở thành lời cảnh tỉnh không chỉ cho Ai Cập, mà còn cho nhiều nước đang phát triển.

Liệu chúng ta có thể gọi là du lịch sinh thái nếu cái giá phải trả là mất đi sinh thái vĩnh viễn?

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Từ du lịch xanh đến đô thị xanh ở Ai Cập

Nằm giữa dãy núi Sinai và Biển Đỏ, Sharm El-Sheikh đã chuyển mình từ một làng chài yên tĩnh thành đô thị xanh bền vững cho ngành du lịch của Ai Cập.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.