Hồ Anh Thái: Đời biết mấy chuyến xe [Kỳ 1]

Hồ Anh Thái - Thứ Hai, 24/10/2022 , 08:04 (GMT+7)

Câu chuyện được trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn. Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

“Những đứa con rải rác trên đường” là một trong những tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn Hồ Anh Thái, hợp thành bởi ba truyện dài. Phần truyện trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn, sau chiến tranh anh đi qua thời ngăn sông cấm chợ, rồi đến thời đổi mới, thời kinh tế thị trường… Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Chẳng ai tính trước được cho ai những ngã rẽ cuộc đời. Anh đi lính bộ binh rồi lại chuyển sang làm lính xế. Làm lính xế chạy xe tải chở hàng chở lính rồi có ngày chuyển sang chạy xe chở văn công quân khu. Chạy xe quân đội mãi rồi lại chuyển ngành sang chạy xe dân sự.

Tưởng cứ làm tài xế suốt đời, nhưng có ngày được đi học hàm thụ tại chức, đi làm công tác đoàn thanh niên, rồi cứ thế mà lên, rốt cuộc thành ông Kễnh. Một cuộc đời phấn đấu không ngừng nghỉ, thăng tiến cũng không ngừng nghỉ. Chỉ một đêm chạy xe điên cuồng mà không để máy bay địch bắn cháy xe cũng đủ là anh hùng. Anh phải hàng chục lần anh hùng mới phải.

Ta đang nói chuyện cái thời Kễnh chưa phải là Kễnh. Sau khi bộ đội vào Sài Gòn, anh chàng được điều sang lái xe cho một đoàn văn công xung kích của quân khu. Các em văn công môi hồng má đỏ ríu ra ríu rít. Gì chứ muốn thơm vào má là thơm được ngay. Má văn công, mông bộ đội. Mông bộ đội dễ dàng, tiện chỗ bụi cây hòn gạch đâu cũng ngồi được. Má văn công dễ dàng, ai thơm vào đấy cũng xong, bất cứ lúc nào chỗ nào cũng xong.

Mấy anh diễn viên đóng cặp hoặc song ca trên sân khấu chỉ mang tiếng là kịch giả tình thật. Hát múa đóng kịch cầm cái tay ôm cái eo mắt lúng liếng đưa đẩy. Chỉ vậy thôi. Mang tiếng thôi. Cái má văn công ấy chủ yếu là dành cho mấy anh phụ động khuân vác trong đoàn hoặc cho mấy anh xe mấy anh quân lương quân khí quân pháp trung đoàn sư đoàn, thậm chí cho đám lính tráng trong các đơn vị.

Anh xe bây giờ chở văn công, loại xe ca chở khách mới lấy được trong vùng giải phóng. Anh xe bây giờ không phải chạy đường núi mà vi vu đồng bằng. Đi biểu diễn cho các chiến sĩ quần áo còn chưa hết mùi thuốc súng. Biểu diễn cho đồng bào vùng mới giải phóng quần áo còn chưa hết mùi nước hoa mỹ phẩm đế quốc thực dân. Con gái họ thơm thì thơm nhưng toàn thơm mùi hóa chất chứ không phải thơm da thơm thịt tự nhiên, không phải thơm mùi lá bưởi lá sả lá bồ kết.

Anh thích tất cả các cô trong đoàn, cô nào anh cũng đánh mắt trai lơ buông lời ong bướm. Nhưng thâm tâm anh kết nhất cô múa chính xô lô ít. Xe dừng, có đủ chân đủ tay là anh xách hộ túi đồ va li cho bất cứ em nào, nhưng trước hết đặc biệt lưu tâm xách cho em múa chính. Anh vừa cúi người định nhấc cái tay cầm va li của em lên thì đã có một bàn tay đàn ông gạt ngang xách trước. Bàn tay của đoàn phó chính trị.

Đoàn phó cấp thượng úy chức vụ tương đương xê phó. Anh ta không thích được gọi là đoàn phó mà thích gọi đại đội phó. Quán tính từ hồi ở đơn vị lính chiến chưa hết. Đoàn văn công xung kích thiếu lãnh đạo nên trên điều anh ta từ đơn vị bộ binh lính chiến sang. Chỉ huy văn công như chỉ huy lính chiến. Đoàn văn công cũng được coi như lính xung kích. Xê phó chính trị quê đồng bằng Bắc Bộ, giảng chính trị vẫn e lờ en nờ lẫn lộn nhưng không bao giờ nhận mình lói ngọng. Ngày tập đêm diễn.

Trước mỗi buổi tập, xê phó bao giờ cũng giảng chính trị ít nhất một tiếng đồng hồ. Các đồng chí phải biết rằng chiến tranh chưa kết thúc. Mới chỉ có im tiếng súng. Nhưng còn một cuộc chiến tranh khác vẫn tiếp diễn. Đó là cuộc đấu tranh giai cấp, không chỉ trong phạm vi một đất nước mà trên toàn thế giới. Đúng lúc có hai con chim sẻ đuổi nhau bay vào phòng. Chúng vào qua cửa sổ. Phó đoàn hét, đóng cửa sổ lại. Một cái cửa sổ đóng lại. Phó đoàn lại hét, đóng hết cửa sổ, đóng cửa ra vào lại. Đóng hết.

Hai con chim cứ bay vụt qua mặt người này lại bổng lên trên đầu người khác. Chúng cũng hoảng vì vài chục con người cứ vung tay nhảy lên la hét. Chúng đập cánh loạn xạ có lúc sa cả xuống đất. Chim sa cá nhảy, điềm không phải là lành. Cuối cùng một cậu nhạc công ghi ta và một diễn viên múa nhảy lên vồ được hai con chim. Chắc là họ định mang chúng ra ngoài thả. Phó đoàn bảo, đưa cho tôi. Anh ta lấy một cái túi ny lông, bỏ hai con chim vào, xoắn chặt miệng túi lại. Bảo, chim sẻ rán nhắm rượu phải biết.

Bài giảng triền miên ngày này sang ngày khác. Không còn đạn nổ, không còn viên đạn đồng, nhưng lại xuất hiện những viên đạn bọc đường. Ngọt ngào thế nhưng nổ vào tim vào óc của các đồng chí. Ngọt ngào thế nhưng các đồng chí đã thấy chưa, chính quyền cũ để lại trên đất miền Nam hai triệu người nghiện xì ke ma túy và gần một triệu gái điếm. Con gái nó thơm nhưng là xức nước thơm hóa chất, tóc nó đen nhánh nhưng là đen hóa chất, tóc nhuộm. Giả tạo hết. Như cái con bán gạo ở chợ các đồng chí có thấy không, nó bị tim la giang mai, khắp người nó lở loét, hai cánh tay nó bốc gạo cũng đầy những vết tím bầm lở loét đang rỉ nước. Chúng ta còn phải tiếp tục cuộc chiến đấu dọn dẹp hậu quả mà đế quốc tay sai để lại.

Ở trên đã nói là anh xe thích cô múa chính. Nhưng hễ anh lảng vảng gần cô để tìm cách xách giúp cái túi hay đưa cô túi kẹo là đoàn phó lại xông ngay đến. Cứ như đuổi gà vào mổ thóc sân nhà anh ta. Anh xe cầm túi kẹo tần ngần nhìn theo thì một bóng người tạt ngang giật lấy túi kẹo. Buông lại một câu, không nước non gì đâu. Anh đi theo. Thì hóa ra đó là cô đơn ca, chuyên hát mấy bài tủ Câu hò bên bến Hiền Lương, Hà Nội Huế Sài Gòn, sau giải phóng thì có thêm mấy bài Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Nhịp cầu nối những bờ vui. Cô giật túi kẹo của anh, anh cho luôn, cũng không đi theo đòi nữa. Thóc nuôi gà, không gà này thì gà khác, thóc ấy không bao giờ thiệt.

Quan hệ tam giác cứ thế mà thành tứ giác. Anh xe lảng vảng quanh cô múa thì bị đoàn phó xông đến xua đi. Cả ba người lại không thoát được cặp mắt quan sát của cô đơn ca. Người thứ tư. Cô đơn ca khi mang đến cho anh xe cái bánh, khi quả ổi quả cam. Như là chăm sóc như là an ủi. Các em văn công ở đoạn đầu đời bao giờ cũng mê lái xe, lấy lái xe.

Lái xe nó vui tính, mồm miệng nó hoạt bát, tán tỉnh nó bài bản, nó có cái xe vi vu chỗ này chỗ khác có điều kiện mang về cho chút thực phẩm chút mỹ phẩm hàng tiêu dùng. Lúc cần nó lấy xe tranh thủ đưa em đi tụt tạt chỗ này chỗ khác. Nhìn chung trong một đoàn văn công, lái xe là anh có lợi thế với các em văn công. Thế là cầm tay, thế là ôm, thế là cưới. Cưới nhau dăm bảy năm rồi, em văn công mới gặp một anh vừa dầm vừa giề, vừa giàu vừa già, quan trọng là anh có thể cho em một đời sống sung túc thừa thãi. Lúc ấy em mới nghĩ đến chuyện thay chồng, đổi anh xe lấy anh dầm.

Hiện tại thì anh xe đang là điểm ngắm của các em văn công, là mì chính cánh trong đoàn. Anh thừa hiểu không phải cô múa không thích anh, nhưng cô bị đoàn phó kèm sát quá, phải ăn ở như vợ chồng với anh ta. Chỉ trừ giờ giảng chính trị, còn thì trước và sau mỗi đêm biểu diễn, cô múa phải kè kè ở cùng phòng với đoàn phó.

Đoàn trưởng chỉ là một anh nhạc công đàn bầu được đề bạt lên, không có thành tích lính chiến như đoàn phó, đàn bầu không đọ được với súng ống. Làm đoàn phó một đoàn văn công thời bình mà bên hông vẫn lủng lẳng cái bao da súng lục. Đoàn trưởng đành làm ngơ cái chuyện đoàn phó giữ riêng cô múa chính trong phòng anh ta.

Tay này phải tôi trị mới xong. Một hôm cô đơn ca bảo anh. Cô kể rằng cô và đoàn phó đều là dân miền Nam tập kết năm năm tư. 1954 ra đến miền Bắc, được gọi là dân miền đù. Dân Bắc chửi nhau đệch mẹ đệch cha thì dân miền Nam chửi là đù mẹ đù cha. Đám con nít ra học trường miền Nam ở Hải Phòng, được thầy cô miền Bắc bà con miền Bắc rất thương, cho quà cho bánh trái. Mỗi đứa được phát quần áo giày dép chăn bông hoa. Bọn con gái chỉ mỗi tội hay khóc, nhớ nhà nhớ cha mẹ ở lại miền Nam. Bên trường con trai thì hung hăng uýnh lộn. Nhận được giày dép thì đem bán lấy tiền ăn quà. Được phát giày dép bổ sung lại đem bán. (Còn tiếp)

Hồ Anh Thái
Tin khác
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi
100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Sự kiện

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Tri thức nông dân
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Khát vọng Điện Biên

Khát vọng Điện Biên

Tri thức nông dân