Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành chứa đựng nhiều nội dung mang tính đột phá về quy hoạch, thu hồi, giao đất, tài chính đất đai, giá đất, đăng ký, cấp giấy chứng nhận, dữ liệu đất đai và phân quyền quản lý… góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng.

Bộ NN-MT đề xuất sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quản lý trong giai đoạn mới. Ảnh: VGP.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền hai cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì rà soát hệ thống pháp luật và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai. Nghị định này tạo cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương hai cấp “tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm”, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực tổng hợp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc có văn bản hướng dẫn địa phương xử lý các vấn đề như tiếp cận đất đai cho nhà đầu tư, bồi thường cây lâu năm, định giá đất... Tuy nhiên, cũng còn một số nội dung cần được sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển KT-XH.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó Bộ đề xuất sửa đổi 6 Nghị định gồm: Nghị định số 71/2024/NĐ-CP, Nghị định số 88/2024/NĐ-CP, Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP, Nghị định số 112/2024/NĐ-CP, Nghị định số 151/2025/NĐ-CP nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề ưu tiên, cấp bách của lĩnh vực đất đai để tháo gỡ kịp thời những vấn đề thực tiễn, “điểm nghẽn” về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, áp dụng ngay trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm đơn vị hành chính hai cấp cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý.
Trong đó, tại Nghị định 71 quy định về giá đất, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phương pháp định giá đất; bảng giá đất, giá đất cụ thể và điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất.