
Sầu riêng Gia Lai đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Địa phương hỗ trợ hết mức
Vấn đề xuất khẩu sầu riêng chính ngạch được thuận lợi, bền vững, giữ được uy tín và thương hiệu đang là ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương các cấp, của ngành Nông nghiệp, của cả các doanh nghiệp, HTX và người trồng sầu riêng ở Gia Lai.
Theo đó, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ đúng quy định cũng như thị trường nhập khẩu. Điều quan trọng trước mắt là làm sao phải giữ được diện tích khi đã cấp mã số vùng trồng, đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng mới.
Nếu không quản lý tốt mã số vùng trồng, để doanh nghiệp lợi dụng xuất khẩu quá số lượng cho phép, hay mang hàng từ nơi khác trộn vào, khi phía nước nhập khẩu tiến hành hậu kiểm và phát hiện gian lận thì sẽ bị xóa mã số vùng trồng đã được cấp trước đó. “Vì vậy, ngoài sự nỗ lực sản xuất theo tiêu chuẩn của bà con và các tổ hợp tác, HTX thì cơ quan chức năng cần phải làm quyết liệt kiểm soát vấn đề này”, ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, chia sẻ.
Bên cạnh việc thiết lập vùng trồng, tuân thủ nghiêm các quy định khi được cấp mã số vùng trồng…, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng của Gia Lai cũng đang được chính quyền địa phương và các ngành liên quan hết sức quan tâm.

Vườn sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: "Một số sản phẩm sau khi đăng ký xác lập quyền đã tạo được những ưu thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh như giá bán được cao, thị trường được mở rộng, bước đầu đã tạo được long tin đối với người tiêu dung như bò Krông Pa, gạo Ba Chăm Mang Yang, hồ tiêu Chư Sê, phở khô Gia Lai… Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiềm năng phát triển các nguồn lực của địa phương, nâng cao đời sống cộng đồng”.
Cũng theo ông Hải thì, nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng và nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định ưu thế đặc sản sầu riêng Gia Lai, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các địa phương, thúc đẩy việc hoàn thiện các thủ tục để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này. Việc đăng ký bảo hộ và quản lý, sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có ý nghĩa lớn, tạo thương hiệu mang tính bền vững cao...
Doanh nghiệp và HTX cần cái “bắt tay”
HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ du lịch và Nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) hiện có khoảng 220 ha sầu riêng của khoảng 200 hộ thành viên. Trong đó có 40% diện tích này đã cho thu hoạch. Do tuổi đời của cây còn thấp, mới thu hoạch vụ đầu nên năng suất chỉ đạt khoảng 16 tấn/ha.
Tuy nhiên theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX thì đây là những vườn cây đảm bảo chất lượng, bởi đây là những vườn mới trồng, do đó công tác tuyển chọn giống khá nghiêm ngặt, chủ yếu là những giống tốt, kháng bệnh, cho năng suất cao vè chất lượng quả thơm ngon như giống Ri6, Dona. Bên cạnh đó, tất cả những vườn này đều được trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, được áp dụng các tiến bộ công nghệ. Hiện HTX đang tập trung xây dựng nhằm hoàn thiện 2 mã vùng trồng cho trên 200 ha sầu riêng để hướng đến xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX cho biết: Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đặt vấn đề thu mua sầu riêng, do vậy mục tiêu chính của HTX sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng này. “Muốn vậy, chúng tôi phải hoàn thiện tất cả các quy trình từ xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc…
Tuy nhiên, để trái sầu riêng xuất khẩu bền vững thì rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp hỗ trợ HTX hoàn thiện xây dựng các tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước nhập khẩu đưa ra. Hiện HTX ký hợp đồng với Công ty cổ phần Nafoods Group liên kết bao tiêu trái sầu riêng và xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng”- ông Thanh chia sẻ.

Gia Lai hương đến thương hiệu sầu riêng.
Tại Gia Lai, Công ty Cổ phần Nafoods Group đã xây dựng nhà máy chế biến chanh dây và sầu riêng với diện tích 10 ha tại xã An Phú (TP. Pleiku). Riêng quả sầu riêng, Công ty thu mua nguyên liệu hơn 20 ngàn tấn/năm. Mới đây, Công ty đã ký kết hợp đồng với HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ du lịch và Nông nghiệp Ia Mơ Nông và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn trong liên kết bao tiêu sản phẩm sầu riêng cũng như xây dựng, kiện toàn các tiêu chí đề nghị cấp mã số vùng trồng. Thời gian tới, Công ty tiếp tục liên kết với các trang trại, nông hội, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh để sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị, xây dựng mã số vùng trồng.
“Nafoods Group là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây, rau củ quả đông lạnh, trái cây sấy, các loại hạt và hoa quả tươi. Với việc liên kết sản xuất sầu riêng xuất khẩu, chúng tôi hy vọng trong thời gian không xa, sản phẩm sầu riêng Gia Lai sẽ có mặt tại nhiều nước trên thế giới”, Ông Trần Đức Nhân, Trưởng phòng Phát triển vùng trồng Công ty Nafoods Group, khẳng định.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Một trong những tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, đó là xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đối với thị trường này, hai tiêu chí quan trọng là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các loại dịch hại trên quả sầu riêng. Do đó, để sầu riêng xuất khẩu bền vững thì người dân và các Hợp tác xã cần tuân thủ đúng các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc đưa ra.
“Nghị định thư cho phép nhập khẩu mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải sản xuất đảm bảo chất lượng. Việc này phải làm đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến”, ông Có thông tin.