| Hotline: 0983.970.780

Chuyện thương hiệu ở V-League

Thứ Tư 28/04/2021 , 10:10 (GMT+7)

V-League và câu chuyện thương hiệu vốn âm ỉ từ khi Cảng Sài Gòn, Thể Công bị xóa sổ cuối thập niên 2000, giờ lại sắp sửa bùng trở lại.

Đội PVF vô địch U19 Quốc gia năm 2020. Ảnh: PVF.

Đội PVF vô địch U19 Quốc gia năm 2020. Ảnh: PVF.

Một thông tin đáng chú ý ngay trước thềm vòng 11 V-League, là việc Công ty TNHH đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) xin chuyển tên đội bóng thành Cảng Sài Gòn để thi đấu giải hạng Nhì 2021. Theo quy chế của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), điều này được phép và có thể diễn ra ngay trước khi mùa giải mới khởi tranh ngày 4/5.

Cảng Sài Gòn là một thương hiệu lớn của bóng đá nội. Nếu như phía Bắc có Thể Công, nổi tiếng với lối đá tấn công đẹp mắt, thì Cảng Sài Gòn chính là biểu tượng của miền Nam theo một cách tương tự. Khi đội bóng này bị mất thương hiệu vào năm 2008, rồi xóa sổ trên bản đồ bóng đá sau đó, nhiều người vẫn nuối tiếc cho một tượng đài lớn từng là cái nôi của nhiều huyền thoại bóng đá nước nhà.

Việc phục dựng thương hiệu Cảng Sài Gòn từng là nỗi canh cánh của nhiều lớp thế hệ cầu thủ Cảng, nhưng làm thế nào để đội bóng mới có cái hồn Cảng Sài Gòn lại là điều chẳng dễ.

Với người dân thành phố, họ không chấp nhận những chuyện nhập nhằng, chẳng hạn như việc quyền Chủ tịch của đội Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - Công Vinh - đưa di sản của Cảng Sài Gòn vào phòng truyền thống đội này hồi năm 2017.

PVF, vốn là một đội phía Bắc, có trụ sở đặt tại Hưng Yên. Đội vừa đổi chủ sở hữu sang Tập đoàn Giáo dục Văn Lang và dự định Nam tiến từ giờ đến cuối năm. Ý tưởng gây dựng lại thương hiệu Cảng Sài Gòn không tồi, nhưng liệu nó có nhận những phản hồi tích cực?

Tại V-League, tấm gương Viettel vẫn để lại nhiều dấu hỏi. Mang tiếng là hồn Thể Công, nhưng từ khi thăng hạng và vô địch mùa vừa rồi, đội này chưa khi nào được đón nhận với tư cách là truyền nhân đích thực của đội bóng áo lính. Điều này hiện rõ trên các khán đài sân Hàng Đẫy. Mỗi khi Viettel đá sân nhà, họ chỉ nhận một lượng cổ vũ thưa thớt. Đó dĩ nhiên là thứ không bao giờ xảy ra thời Thể Công “xịn” thi đấu.

Nhìn sang đội bóng láng giềng Nam Định, hẳn lãnh đạo Viettel sẽ thấy chạnh lòng. Đội bóng thành Nam từng chật vật nỗi lo cơm áo gạo tiền cách đây 10 năm, và mới lên V-League vào mùa 2018.

Trong suốt 3 năm, chưa bao giờ thầy trò Nguyễn Văn Sỹ thoát ám ảnh xuống hạng, nhưng chưa bao giờ sân Thiên Trường vắng khán giả. Nguyên nhân, dĩ nhiên không nằm ở thành tích, mà là bởi Nam Định giữ được màu cờ sắc áo. Dù chìm nổi, họ luôn kiên định với chủ trương sử dụng những cầu thủ tự đào tạo.

Hoàng Anh Gia Lai cũng nằm trong dòng chảy ấy. Sau thời kỳ bầu Đức chi tiền tấn mua về những ngôi sao người Thái và hai lần vô địch V-League, đội bóng phố Núi chuyển sang đào tạo trẻ. Giống Nam Định, lứa Công Phượng chưa bao giờ thoát khỏi cảnh trồi sụt từ ngày đá V-League năm 2015, nhưng ở đâu họ cũng được chào đón. Ban đầu là hiếu kỳ, sau rồi là một sự tưởng thưởng cho thứ bóng đá đẹp mà quân bầu Đức tôn thờ.

PVF muốn tiếp bước Cảng Sài Gòn, nhưng có gì chắc chắn họ không phải là một TP.HCM hay Viettel tiếp theo?

Xem thêm
Ra mắt sách 'Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập' của Thiếu tướng Hoàng Đan

‘Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập’ - hồi ký của Thiếu tướng Hoàng Đan đang hiện diện ấn tượng trong những ngày tháng Tư lịch sử.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đà Nẵng: Tiếp nhận 1.300 cây dừa phủ xanh đường biển

Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 1.300 cây dừa từ 40 tổ chức, cơ quan để phủ thêm màu xanh cho không gian bãi biển, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.