| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 08/02/2020 , 09:01 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 09:01 - 08/02/2020

Chợ ướt

Khi dịch nCoV bùng phát toàn cầu thì việc nhìn lại cách sống, cách tổ chức đô thị và cách quản lý của chính quyền khiến ai nhạy bén với việc này cứ nhấp nhổm.

Cảnh tượng bên trong khu chợ Hoa Nam, Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc).

Đô thị hóa mà Trung Quốc đi trước Việt Nam đã làm là một bài học, một bài học xương máu. Lấy ví dụ Vũ Hán, thành phố cũ, trong cơn lốc hiện đại hóa đô thị bê tông sắt thép hóa, con số cố định là 11 triệu dân. Tương đương với Sài Gòn xét về nhân khẩu nhưng Vũ Hán lâu đời hơn, có di tích văn hóa Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng nhờ nhà thơ Thôi Hiệu, thành phố nằm bên bờ Trường Giang lực lưỡng.

Vì sao ổ dịch là Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Hoa? Có lẽ vì ở đây dân đậm thói quen ăn động vật hoang dã và ổ dịch khởi phát từ nhiều khu chợ truyền thống về thú hoang của họ, trong đó nổi tiếng nhất là khu chợ Hoa Nam (mới đóng cửa khi dịch bùng phát).

Chợ như vậy gọi là chợ ướt, khách Tây gọi là Wet market. Video cho thấy những cảnh ướt hãi hùng, máu giết mổ cùng các thứ xả từ lòng ruột động vật trôi lẫn dưới những cái chuồng, những cái sạp, bên những đôi ủng của đồ tể và những đôi dép của khách hàng.

Đô thị Vũ Hán nhìn từ trên cao đầy sức thuyết phục với cầu vượt, công viên, nhà cao tầng, trung tâm đô hội… nhưng bên trong của thành phố này là khu chợ như của đầu thế kỷ 20, vẫn như thế, bầy hầy và hoang dã như thế.

Ở ta có đỡ hơn không? Xét về góc độ hoang dã, có lẽ đỡ hơn, không thấy chó mèo bán lẫn với trăn rắn, chim chóc, sóc dơi và gà vịt… nhưng cái độ ướt (dơ bẩn) của chợ thì cũng y sì như vậy.

Sao vẫn cứ ăn lòng động vật, ăn cả tiết tươi, sao vẫn cứ cá phải bơi gà phải cục cục, vịt phải hướt hướt? Vẫn nên có thể có chợ ướt ở thị tứ vùng quê, nơi người ta nuôi được và đem từ nhà ra chợ gần nhà bán như bán mớ rau, chùm ớt, giẽ hành... Mãi mãi một kiểu chợ gây cảm giác hãi hùng như thế mà đòi là thành phố thông minh, thành phố 4 chấm, 5 chấm được sao?

Các nhà quản lý ở các nước văn minh khi quy hoạch đô thị đã nghĩ đến đối tượng cư dân sống trong đó. Phải người có công việc thu nhập ổn định, người không chấp nhận môi trường luộm thuộm, chật hẹp, bẩn thỉu, ít sinh thái.

Đơn giản mà khoa học, là vì mật độ cư dân cao thì độ chuẩn phải tuyệt đối để bảo đảm an toàn, không chỉ vì giao thông mà còn vì sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Nhưng ở Trung quốc rồi Việt Nam học tập, nghĩa là, quy hoạch ang áng và cư dân tự điều chỉnh, nghèo khó trộn với giàu có, công nhân trộn với công chức cấp cao gọi là cộng sinh.

Singapore là hình mẫu về đô thị chặt chẽ. Hầu như không thấy chợ ướt, siêu thị rất dày, rất tiện lợi, đầu vào được kiểm soát nghiêm ngặt, trái cây mua ở Sing, mở hộp ra ăn liền không cần rửa. Có người thu nhập thấp nhập cư không, chắc chắn có, đó là sự cộng sinh nói trắng ra, có người lao động trí óc thì phải có người lao động chân tay. Nhưng công nhân của họ ở ngoại vi và nếu làm công nhật, phải đăng ký, có khu riêng ở ngoại thành, xe đưa và rước vào nội đô làm việc.

Có phân loại mới kiểm soát được, bởi người thu nhập thấp ở nơi vừa túi tiền của họ, muốn làm lụng ở trung tâm, phải qua sàng lọc và đăng ký. Để quản lý, đầu tiên là quản lý con người, từ đó quản lý hành vi, dẫn đến quản lý sự cố như dịch bệnh chẳng hạn.

Kinh tế mở, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Công nhân ở khu riêng, ngay nơi họ làm, người bán hàng dạo sẽ phải chịu giám sát (không thể phát triển vô tội vạ như Sài Gòn hiện nay), người bán trong chợ ướt sẽ không tự tung tự tác ướt và bẩn thỉu man rợ như ta thấy.

Từ các vị quan chức đầu ngành cho tới chính quyền cấp thấp phải thay đổi nhận thức: quản lý, có luật cứng rắn, nghiêm ngắn và khoa học không có nghĩa là vì người có tiền. Ai cũng sẽ được lợi nếu như được quản lý, bằng luật.

Vỡ trận đô thị, chúng tôi, nhà văn nhà báo đã tiên lượng từ lâu. Vì sao các nước nghèo mà yên như Lào, như Bhutan, như Myanma… có lẽ họ chấp nhận tăng trưởng vừa để bảo vệ môi sinh? Nghèo mà chậm rãi, bước đi chứ không vọt chạy để vững chắc, thế thôi.

Nhìn Hà Nội bê tông hóa, hãi hùng, có dịch bệnh, virus cứ lẩn quẩn dưới tầng bụi mịn ô nhiễm. Sài Gòn đỡ hơn nhờ thời tiết chứ không phải nhờ con người quy hoạch giỏi, nhưng có lẽ nên kết thúc sứ mệnh lịch sử của chợ ướt, vì đó là ổ bệnh, vì nó mất mỹ quan và nó là một trong những lý do khiến du khách một đi không trở lại.