Câu chuyện con tôm, vùng đất, và giấc mơ liên kết

Có lần đi thực tế ở vùng ven biển Gành Hào, nơi mà mỗi sáng tinh mơ, những chiếc xuồng máy rẽ nước ra đầm, bà con nông dân tay vớt tôm, miệng nhẩm đếm ngày mai sẽ trả nợ cho ai.

Một bà má lớn tuổi, da sạm nắng, mời ăn chén cháo tôm. Vừa múc vừa nói: Con tôm này không chỉ nuôi sống cái bụng mình, mà nuôi luôn cái hy vọng nghen chú. Già rồi, hổng làm được nhiều nữa, chỉ mong con cháu nuôi tôm đừng cực như ngày xưa”.

Ngồi trong căn nhà sàn gió lùa lồng lộng, ăn từng muỗng cháo nóng, nghe tiếng má rỉ rả như gió lùa qua rặng đước, thấy trong con tôm có cả một nỗi niềm. Một nỗi niềm không ai thống kê được bằng sản lượng. Một niềm hy vọng gửi gắm qua từng vụ mùa, qua mỗi lần ao vỡ, rồi gây dựng lại.

 

 

Nếu chỉ xem con tôm là đơn vị tính bằng ký, bằng đô-la xuất khẩu, thì con tôm sẽ mãi là sản phẩm. Nhưng nếu xem nó là kết tinh của công sức, tri thức, môi trường, sự liên kết, lòng tin, thì sẽ là một biểu tượng cho cả một hệ sinh thái sống động của con người miền biển.

Khi tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau hợp nhất thành tỉnh Cà Mau mới, câu chuyện “con tôm trong tay bà má” lại trở thành một lời nhắc nhở cho những người hoạch định chiến lược cần tổ chức lại ngành tôm không chỉ bằng quy hoạch ao đầm, mà bằng sự kết nối lòng người và tầm nhìn dài hạn.

Bạc Liêu từng được ví như “thủ phủ tôm”, nơi có khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên, nơi con tôm được gắn với khoa học, công nghệ, thương hiệu và hội chợ quốc tế. Cà Mau, mảnh đất dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi tôm, lại mang trong mình vẻ đẹp sinh thái đặc biệt, nơi tôm - rừng, tôm - lúa sống chan hòa giữa rừng đước mênh mông.

Sự hợp nhất không chỉ là hành chính, mà là cơ hội để con tôm công nghệ của Bạc Liêu bắt tay cùng con tôm sinh thái của Cà Mau, tạo nên con tôm trí tuệ, bền vững, có thương hiệu.

Muốn vậy, cần hình thành “cụm liên kết ngành hàng tôm”, nơi người nuôi, doanh nghiệp, nhà khoa học, chính quyền và tổ chức tài chính cùng ngồi lại. Cùng chia sẻ dữ liệu, thông tin, rủi ro và cơ hội. Không còn mạnh ai nấy làm, mà là cùng nâng giá trị và giảm chi phí.

 

 

“Cụm công nghiệp ngành tôm” là mô hình tập trung hạ tầng: nhà máy, kho lạnh, thiết bị chế biến. Mỗi chủ thể gần nhau về không gian, nhưng không hẳn gắn bó về lợi ích.

“Cụm liên kết ngành tôm” thì khác. Không cần sát vách về địa lý, nhưng gắn bó bằng niềm tin, chia sẻ lợi ích, và phối hợp chiến lược. Giống như hội quán, nơi người ta không chỉ làm ăn, mà còn lắng nghe, học hỏi, và xây dựng cộng đồng sản xuất chung.

 

 

Cụm công nghiệp giúp tập trung. Cụm liên kết giúp cộng sinh. Nếu tỉnh Cà Mau mới biết kết hợp cả hai, tổ chức không gian sản xuất hiệu quả, nhưng điều phối bằng cơ chế linh hoạt, thì con tôm có thể vượt qua được những đợt sóng ngầm của thị trường.

Từ lâu, ngành tôm được tổ chức theo chuỗi: từ con giống, thức ăn, thuốc, nuôi, chế biến, đến xuất khẩu. Chuỗi này giúp kiểm soát chất lượng, giảm thất thoát, tăng hiệu quả.

Nhưng chuỗi thì có thể đứt. Đứt vì dịch bệnh. Đứt vì rào cản thương mại. Đứt vì thông tin không liền mạch giữa các khâu, vì xung đột lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi.

Thế giới đang chuyển sang hệ sinh thái ngành hàng”. Trong đó, con tôm không đứng một mình, mà có ngân hàng đồng hành, có bảo hiểm rủi ro sinh học, có startup công nghệ hỗ trợ quản lý ao nuôi, có nền tảng số giúp truy xuất nguồn gốc, có truyền thông kể câu chuyện con tôm tử tế.

Mỗi tác nhân trong hệ sinh thái không đơn độc. Mỗi quyết định không dựa vào cảm tính, mà dựa trên dữ liệu. Mỗi rủi ro được chia sẻ, mỗi cơ hội được nhân rộng.

 

 

Cần bắt đầu bằng việc xác định hạt nhân dẫn dắt: một trung tâm giống mạnh, một nhóm doanh nghiệp đầu ngành, những starrtup công nghệ hoặc một hợp tác xã kiểu mới có năng lực điều phối.

Sau đó là hình thành Hội đồng điều phối cụm ngành hàng, nơi không ai đứng ngoài cuộc, nơi tiếng nói của người nuôi tôm được tôn trọng ngang bằng chuyên gia. Người nuôi tôm tham gia vào Hợp tác xã, Hội quán.

Tiếp theo là xây dựng nền tảng dữ liệu ngành tôm, từ điều kiện môi trường ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, từ lịch sử dịch bệnh đến truy xuất nguồn gốc. Khi có dữ liệu, sẽ có niềm tin.

Cần kết nối liên vùng - Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre - hình thành vành đai tôm bền vững” của ĐBSCL. Đồng thời, gắn với truyền thông ngành, để thế giới không chỉ biết Việt Nam xuất khẩu tôm, mà biết Việt Nam có ngành tôm tử tế, có trách nhiệm, và bền vững.

Ecuador thành lập Hội đồng ngành tôm quốc gia, làm truyền thông bài bản về “Shrimp from Ecuador”, sạch, truy xuất được, đáng tin.

Na Uy xây dựng hệ sinh thái cá hồi dựa trên tri thức và bảo hiểm rủi ro. Mỗi con cá ra thị trường là một câu chuyện đầy dữ liệu.

Bangladesh tổ chức nuôi tôm theo cụm nông hộ, từng người dân nhỏ lẻ nhưng gắn bó, đồng hành, học hỏi lẫn nhau.

Tỉnh Cà Mau mới hoàn toàn có thể học được từ những mô hình đó, nhưng cần bản sắc riêng. Bản sắc ấy nằm trong từng bà má vùng Gành Hào, trong từng cánh rừng đước, trong từng câu chuyện mùa tôm thất bát rồi lại gầy dựng.

Khi con tôm không còn là chuyện của từng ao đầm riêng lẻ, mà là của cả cộng đồng sản xuất, thì ngành tôm sẽ không chỉ có sản lượng, mà có cả giá trị lan tỏa.

Tỉnh Cà Mau mới, nếu đặt con tôm vào trung tâm của liên kết, người dân vào trung tâm ca chính sách, hệ sinh thái vào trung tâm của phát triển, thì con tôm ấy sẽ mang theo cả một niềm tin vươn ra thế giới.

Chén cháo tôm của bà má Gành Hào ngày ấy, có lẽ không ai nhớ đến vị cay mặn của nó. Nhưng có thể sẽ nhớ mãi hương vị của hy vọng, của chịu thương chịu khó, và của khát vọng đi xa hơn, bằng cách đi cùng nhau.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ - TL