Hành vi nguy hiểm và sẽ bị truy tố
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, gần đây đã xuất hiện người cho thuê khuôn mặt để thực hiện các hành vi lừa đảo chuyển tiền. Cụ thể, các nhóm tội phạm đã nuôi một số người đứng tên tài khoản, khi có giao dịch chuyển tiền cần đến sinh trắc học, người đó sẵn sàng đưa mặt vào để chuyển tiền.
Điển hình như, vào tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với 3 đối tượng: Lê Việt Hoàng (trú tại quận 4, TP Hồ Chí Minh); Vũ Quang Quỳnh (trú tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang) và Nguyễn Văn Tới (trú tại xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chuyển tiền chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này đã đứng tên lập 71 tài khoản tại các ngân hàng, cho thuê và thực hiện quét nhận dạng sinh trắc học khuôn mặt để thực hiện hành vi phạm tội, luân chuyển tổng số tiền đã chiếm đoạt của gần 1.000 bị hại trên cả nước khoảng 200 tỷ đồng. Số tiền mỗi đối tượng được hưởng lợi bất chính khoảng 80 triệu đồng.

Cảnh báo tội phạm mới - cho thuê khuôn mặt để lừa đảo chuyển tiền. Ảnh: baobacgiang.vn
Để ngăn chặn loại hình tội phạm này, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Công an để đưa ra mức phạt mới. Nếu một người bị phát hiện cho thuê khuôn mặt lừa đảo chuyển tiền sẽ bị truy tố. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để nâng mức xử phạt với hành vi lừa đảo này lên gấp từ 4 đến 5 lần so với hiện tại, tối đa lên đến 200 triệu.
Nhiều giải pháp giảm thiểu lừa đảo
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ việc làm sạch được dữ liệu, bảo đảm an toàn giao dịch của người dân, ngành ngân hàng đã triển khai Đề án 6 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025.
Kết quả ban đầu cho thấy, hiện đã có trên 200 triệu tài khoản, trong đó 113 triệu hồ sơ tài khoản đã được đối chiếu sinh trắc học. Nhóm còn lại chưa được đối chiếu và xác thực sinh trắc học, những tài khoản đó có thể là tài khoản chết hoặc tài khoản lừa đảo.
Riêng với nhóm doanh nghiệp, hiện có trên 55 triệu tài khoản doanh nghiệp/tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học. Thời gian tới, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo tài khoản chính chủ của tổ chức.
Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch chuyển tiền của doanh nghiệp thì từ 1/7/2025 sẽ dừng mọi giao dịch trực tuyến đối với tài khoản của doanh nghiệp, tổ chức nếu chưa xác thực, đối chiếu sinh trắc học của người đại diện hợp pháp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện và sắp ban hành Nghị định quy định những tài khoản tổ chức mà hoạt động như các hộ kinh doanh cá thể, trong vòng 6 tháng từ khi thành lập sẽ phải đối chiếu thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp. Với nhóm doanh nghiệp hoạt động thường xuyên sẽ có các hoạt động giám sát tín dụng.
Cùng với đó, trong thời gian tới, Ngân hang Nhà nước sẽ phối hợp cùng các ngân hàng thương mại và cơ quan chức năng xây dựng kho dữ liệu những tài khoản thường xuyên thực hiện giao dịch đáng ngờ. Từ đó, khi người dân/doanh nghiệp chuyển tiền nếu đến các tài khoản đó sẽ có cảnh báo.