| Hotline: 0983.970.780

Cần đánh giá chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới theo cơ sở khoa học

Thứ Năm 08/05/2025 , 13:34 (GMT+7)

Giảm nghèo và an sinh xã hội được Chính phủ xem là yếu tố hàng đầu để đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhưng 'không bỏ ai ở lại phía sau'.

Thứ trưởng Võ Văn Hưng chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Võ Văn Hưng chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, cần triển khai đánh giá tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trong tháng 6/2025.

“Để đảm bảo được tiến độ nêu trên, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cần xây dựng khung kế hoạch chi tiết. Cùng với đó, việc đánh giá Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây là chương trình lớn, gắn liền với nhiều lực lượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội tiếp tục được Chính phủ xác định là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với mục tiêu ‘không bỏ ai ở lại phía sau’. Do vậy, Văn phòng cần có sự điều phối và triển khai các hoạt động một cách linh hoạt”, Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của nội dung đánh giá công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của nội dung đánh giá công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Võ Văn Hưng cũng yêu cầu Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp với các cơ quan đơn vị trong việc xây dựng báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 sát với cơ sở và tình hình thực tế để bổ sung thông tin, số liệu cho báo cáo trước ngày 20/5/2025.

Về định hướng đề xuất khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2030, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng cần có định hướng rõ ràng về các chương trình, dự án giảm nghèo cụ thể, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành để xây dựng những chỉ tiêu giai đoạn tới… và cần hoàn chỉnh trong tháng 7/2025 trình Quốc hội.

“Đặc biệt, cần tập trung xây dựng các tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo đa chiều cho giai đoạn mới, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học, nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá phù hợp với đặc thù của từng vùng miền”, Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2024 còn 1,93%. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2024 còn 1,93%. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cho biết, các bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết. Tính đến ngày 25/3/2025 đã có 11 bộ, cơ quan trung ương và 62 địa phương gửi báo cáo.

Các Hội nghị chuyên đề của các cơ quan chủ dự án thành phần bắt đầu thực hiện từ tháng 4 - 5/2025. Hội nghị khoa học đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 5/2025 tại tỉnh Đắk Lắk và Lạng Sơn.

“Hiện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đang phối hợp với các cơ quan chủ dự án, tiểu dự án thành phần hoàn thiện báo cáo để giữa tháng 5/2025 sẽ có Báo cáo chính thức trình Lãnh đạo Bộ duyệt làm Tài liệu Hội nghị tổng kết vùng dự kiến tại Nghệ An và Cần Thơ”, ông Nguyễn Lê Bình cho hay.

Theo báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2024 còn 1,93%, (tỷ lệ đầu kỳ là 5,02%, bình quân giảm 1,03%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao giảm từ 1,0-1,5%/năm. Dự kiến cuối năm 2025 giảm tiếp tục giảm từ 0,8-1% đạt chỉ tiêu giai đoạn 2022 - 2025.

Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo cuối năm 2024 còn 24,86% (tỷ lệ đầu kỳ là 44,97%, bình quân giảm 6,70%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao giảm từ 4-5%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cuối năm 2024 còn 12,55% (tỷ lệ đầu kỳ là 25,91%, bình quân giảm 4,45%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao giảm từ 3,0%/năm.

Có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (đạt 35%) và 3 huyện nghèo thoát nghèo nghèo. Dự kiến đến cuối năm 2025 có 19 huyện thoát nghèo theo đăng ký của địa phương (nâng tổng số 22 huyện đạt 30%), đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao 30% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Xem thêm
Đề xuất cán bộ, công chức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cán bộ, công chức, viên chức vào diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi trong bối cảnh tinh giản biên chế.