GS.TS Vũ Triệu Mân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam (VPS) cho biết: 24 năm kể từ khi thành lập tới nay, VPS đã đều đặn tổ chức các hội thảo quốc gia về bệnh hại thực vật tại nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.
Trong nhiệm kỳ 2024-2029, VPS đã đưa ra nhiều phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ then chốt nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các vấn đề cấp bách trong ngành bảo vệ thực vật. Qua đó, phát triển những giải pháp tiên tiến, bền vững an toàn, đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

GS.TS Bùi Chí Bửu chia sẻ về phát triển giống lúa kháng bệnh đạo ôn. Ảnh: Đình Du.
GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó Chủ tịch VPS chia sẻ: Phát triển giống lúa kháng đạo ôn là giải pháp tối ưu trong chiến lược quản lý bệnh đạo ôn trong sản xuất lúa toàn thế giới. Giống lúa bản địa Việt Nam là Tẻ Tép đã trở thành nguồn vật liệu cung cấp gen kháng bệnh đạo ôn phổ rộng và bền vững. Tất cả đã hình thành một hệ gen có khả năng cho nguồn vật liệu di truyền rất quý hiếm, phục vụ chương trình lai tạo giống lúa cao sản kháng bệnh đạo ôn phổ rộng và bền vững.
Liên quan đến canxi và silic, hai nguyên tố trung lượng trên thực vật, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Nga, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Canxi là thành phần quan trọng của thành tế bào, liên kết với các pectin trong thành tế bào giúp cây cứng cáp hơn và tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi như hạn hán, độ mặn cao và sự tấn công của mầm bệnh.
Còn Silic là nguyên tố trung lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thực vật. Silic được lắng đọng trong thành tế bào giúp cây có thân vững chắc hơn, giảm nguy cơ đổ ngã và tăng cường khả năng kháng sâu bệnh. Việc xử lý phức hợp CaSi dưới dạng muối với liều lượng khoảng 1–2 g/kg đất góp phần gia tăng tính kháng của nhiều loại cây trồng đối với các mầm bệnh.
Trên cây lúa, việc bổ sung CaSi giúp cây kháng bệnh đạo ôn và bệnh đốm nâu với hiệu quả giảm bệnh trên 50%. Đối với cây đậu phộng, CaSi giúp kháng bệnh rỉ sắt, trên cây dưa leo và rau húng quế, CaSi hỗ trợ cây chống lại sự gây hại của bệnh sương mai…

BCE Việt Nam trưng bày các sản phẩm công nghệ sinh học tại hội thảo. Ảnh: Đình Du.
Được biết sau hội thảo, VPS sẽ tổ chức cho các hội viên đi tham quan thực tế trong 2 ngày 19 và 20/7 tại Vũng Tàu. Buổi tham quan thực địa cũng là dịp để các thành viên có cơ hội cùng chia sẻ, trao đổi các kiến thức, kỹ năng về xử lý hiệu quả các bệnh gây hại trên cây trồng tại Việt Nam.