Thái Nguyên phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thứ Ba 13/05/2025 , 12:53 (GMT+7)
Thái Nguyên xác định thúc đẩy đối mới sáng tạo và chuyển đổi số để hướng đến phát triển chăn nuôi xanh, chăn nuôi tuần hoàn, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường.
Thái Nguyên tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi
Mô hình máy ấp trứng gà của gia đình ông Nguyễn Văn Đường, ở thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình là điểm sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đổi mới và lan tỏa tinh thần chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo tại khu vực nông nghiệp, nông thôn Thái Nguyên.
Từ lò ấp đầu tiên, ông Đường không ngừng học hỏi, cải tiến để hoàn thiện dần quy trình sản xuất. Lò ấp trứng của ông đã trải qua tới 4 lần thay đổi lớn, từ kiểu “giàn khoai tây” thủ công đến lò “bập bênh” rồi lò ấp giàn đảo bán tự động và hiện tại là hệ thống lò ấp giàn đảo hoàn toàn tự động.
Quá trình tự động hóa không chỉ giúp tiết kiệm nhân công, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất một cách rõ rệt. Trứng không còn phải đảo bằng tay mà được lật đều bằng hệ thống máy móc. Nhiệt độ và độ ẩm cũng được điều chỉnh chính xác theo từng giai đoạn phát triển của phôi trứng.
Đến nay, với 13 lò ấp nở gia cầm, cơ sở của ông Đường không chỉ cung cấp gà giống trong tỉnh mà còn cho nhiều tỉnh thành lân cận. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông cấp ra thị trường khoảng 20 vạn gà con, với giá bán trung bình 10.000 đồng/con, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng. lò ấp trứng.
Ông NGUYỄN VĂN ĐƯỜNG - Thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên
"Chúng tôi ấp bằng cái lò ấp tự động này được cái nhàn hơn các lò ấp của Hà Tây ngày xưa. Phun nước tự động này, cấp ẩm tự động, quạt hút tự động khi nóng. Hút hơi nóng ra, phun hơi ẩm vào. Nhiệt độ đảm bảo khi mà ấp nở con giống ra thì nó đủ nhiệt và dễ nuôi, hao hụt ít"
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 1.255 trang trại chăn nuôi. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2024 đạt trên 7.700 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp của tỉnh. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2024 đạt trên 230 nghìn tấn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng một phần hoặc toàn phần công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động chăn nuôi; ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại. Các ứng dụng chăn nuôi thông minh giúp giám sát và phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe vật nuôi, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh.
Ông ĐỖ ĐÌNH TRUNG - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên
"Tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tập trung vào phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, an toàn dịch bệnh. Xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đảm bảo các điều kiện về môi trường. Tỉnh Thái Nguyên kêu gọi các công ty liên doanh, công ty gia công liên doanh phát triển gắn với bảo vệ môi trường"
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, địa phương định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong các khâu của quy trình sản xuất chăn nuôi, giết mổ động vật; xây dựng, nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất thông qua việc ứng dụng các công nghệ số hóa.
Cùng với đó, phát triển kinh tế số trong chăn nuôi nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số.