Phát thải ròng bằng 0 là cơ hội để chuyển đổi kinh tế bền vững
Thứ Năm 10/04/2025 , 19:00 (GMT+7)
Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là cơ hội để chuyển đổi kinh tế bền vững; Cần thiết phải chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Giá ớt chỉ thiên tăng đột biến, nông dân phấn khởi.
Bản tin tối 10/04/2025
Title: Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là cơ hội để chuyển đổi kinh tế bền vững
Sapo: Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là cơ hội để chuyển đổi kinh tế bền vững. Cần thiết phải chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ. Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Giá ớt chỉ thiên tăng đột biến, nông dân phấn khởi.
Tin 1: Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là cơ hội để chuyển đổi kinh tế bền vững
Đoàn Phòng thực hiện
Hôm nay, 10/4 tại Hà Nội, Diễn đàn Thị trường Carbon Việt Nam 2025 đã diễn ra với sự phối hợp của Cục Biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Thụy Sĩ, Tổ chức Tài chính Quốc tế và cơ quan báo chí Kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là xu hướng toàn cầu và cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi kinh tế theo hướng bền vững, tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư quốc tế.
Diễn đàn nhằm cung cấp thông tin, chính sách, lộ trình xây dựng thị trường carbon, giúp doanh nghiệp tư nhân chuẩn bị tham gia hiệu quả. Dịp này, báo cáo khảo sát về mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp trong các lĩnh vực lúa gạo, thực phẩm - đồ uống, chăn nuôi và quản lý chất thải cũng được công bố.
Tin 2: Cần thiết phải chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ
Thanh Nga thực hiện
Cũng trong hôm nay, ngày 10/4, tại khu du lịch sinh thái Hepa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Nhân văn Vùng cao tổ chức tọa đàm chuyên đề về lịch sử và tác động của nền nông nghiệp công nghiệp.
Hơn 30 đại biểu cùng các chuyên gia quốc tế đến từ New Zealand, Myanmar và Ấn Độ đã thảo luận về ảnh hưởng của nông nghiệp công nghiệp đến môi trường, nguồn nước, đất đai và sức khỏe con người.
Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, hữu cơ nhằm giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho nông dân và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Tin 3: Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
Thanh Thủy tổng hợp
UBND TP Hà Nội vừa trình Thường trực HĐND đề xuất xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Đối tượng hỗ trợ gồm cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Điều kiện hỗ trợ yêu cầu cơ sở sản xuất phải tuân thủ quy định pháp luật, có đăng ký kê khai, thực hiện biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn.
Nội dung nghị quyết nêu rõ mức hỗ trợ cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo đảm phù hợp thực tế và ngân sách thành phố. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ khoảng 392 tỷ đồng.
Nghị quyết sẽ được trình tại kỳ họp HĐND TP vào tháng 7/2025.
Tin 4: Giá ớt chỉ thiên tăng đột biến, nông dân phấn khởi
Thanh Thủy tổng hợp
Hiện nay, nông dân tại Quảng Nam và Quảng Ngãi đang bước vào vụ thu hoạch ớt với tâm trạng phấn khởi vì giá cao. Tại Quảng Nam, giá ớt tươi dao động từ 9.000–10.000 đồng/kg, giúp bà con có lãi từ 5–10 triệu đồng/vụ. Có hộ đạt năng suất 1–1,5 tấn/sào, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Riêng tại huyện Đại Lộc, có hơn 200 sào ớt, sản lượng trung bình 1,5 tấn/sào, giá bán hơn 10.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp đã thu mua ớt để xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần đẩy giá tăng.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, giá ớt chỉ thiên tăng đột biến, lên đến 75.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân lãi 30–40 triệu đồng/sào. Lo ngại giá có thể biến động, bà con tranh thủ thu hoạch sớm để bán được giá cao.