'Lúa chất lượng cao, phát thải thấp' là hướng đi bền vững; Kiều bào là sứ giả của nông sản Việt tại EU; Cà phê và hồ tiêu đồng loạt giảm giá; Hợp tác vì một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.
‘LÚA CHẤT LƯỢNG CAO, PHÁT THẢI THẤP’ LÀ HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG
Sáng 9/4/2025, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Đề án không chỉ góp phần nâng cao giá trị ngành lúa gạo mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững”. Ông cho biết, sau hơn một năm triển khai, Đề án đã bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, khẳng định tính đúng đắn và cần thiết, song vẫn còn nhiều khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất, liên kết thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ.
Bộ trưởng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân tiếp tục phối hợp đồng bộ, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư hạ tầng, công nghệ và xây dựng chuỗi giá trị nhằm đảm bảo hiệu quả, thu nhập bền vững cho người trồng lúa. nông sản việt
KIỀU BÀO LÀ SỨ GIẢ CỦA NÔNG SẢN VIỆT TẠI EU
Đức Việt - Viết Dũng thực hiện
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có buổi làm việc với Đại sứ Nguyễn Văn Thảo – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh tiềm năng lớn của thị trường EU đối với nông sản Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, có chứng nhận. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU đạt kỷ lục 4,21 tỷ USD. Đại sứ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Công Thương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là điện gió ngoài khơi – lĩnh vực có thế mạnh song phương. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy ủng hộ việc huy động cộng đồng doanh nghiệp kiều bào làm cầu nối thương mại, góp phần mở rộng thị trường EU. Ông nhấn mạnh mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
CÀ PHÊ VÀ HỒ TIÊU ĐỒNG LOẠT GIẢM GIÁ
Thanh Thủy tổng hợp
Hôm nay, giá cà phê và hồ tiêu giảm mạnh. Giá cà phê tại Tây Nguyên giảm từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, dao động quanh mức 118.000 – 120.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu cũng lao dốc, giảm 5.000 – 6.000 đồng/kg so với phiên trước, hiện phổ biến ở mức 148.000 – 149.000 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm.
Nguyên nhân được cho là do chính sách thuế mới của Mỹ đã có những tác động trực tiếp lên giá cà phê. Theo các chuyên gia, diễn biến tiêu cực này gây lo lắng cho cả doanh nghiệp và nông dân. Nhiều hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ đã bị hoãn hoặc hủy, trong khi người trồng đang đứng trước bài toán mở rộng hay thu hẹp diện tích canh tác.
HỢP TÁC VÌ MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Lê Hoàng Vũ thực hiện
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Bayer Việt Nam vừa ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển mô hình canh tác bền vững. Hai bên sẽ phối hợp triển khai các chương trình như Nông trại Cải tiến, cải thiện quản lý nông trại, phổ biến thực hành tốt và giải pháp nông học tùy chỉnh.
Trong năm 2025, hợp tác sẽ tập trung vào cây lúa, cà phê và sầu riêng. Đặc biệt, mô hình “Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai” sẽ được mở rộng trong Đề án 1 triệu ha. Mô hình trên cây cà phê và sầu riêng sẽ triển khai tại Tây Nguyên.
Lễ ký kết đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác công – tư, góp phần chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho nông dân, hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững.