Biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng nông sản
Thứ Tư 09/04/2025 , 18:25 (GMT+7)
Biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng nông sản; Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 70 tỷ USD; Ngành thủy sản chủ động ứng phó với mức thuế 46% từ Hoa Kỳ; Cây dầu đại thụ 800 tuổi ở Trà Vinh.
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU NGÀY CÀNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHUỖI CUNG ỨNG NÔNG SẢN
Đức Việt - Việt Dũng
Hôm nay, 9/4 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Mạng lưới toàn cầu về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, Viện quốc tế vì sự phát triển bền vững tổ chức hội thảo về chính sách thương mại hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Cục trưởng Mai Kim Liên cho biết, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động thương mại như gián đoạn chuỗi cung ứng, thiệt hại nông sản, tăng chi phí vận tải và sản xuất. Việt Nam cần rà soát chính sách thương mại hiện hành để kết nối tốt hơn với các giải pháp thích ứng, đồng thời tận dụng cơ hội tiếp cận công nghệ, tài chính xanh và tối ưu hóa lợi ích kinh tế.
Theo các chuyên gia, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại nhưng tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, hàng hóa môi trường vẫn gặp rào cản phi thuế quan. Cần chủ động nội luật hóa cam kết quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và lồng ghép thích ứng khí hậu vào thương mại nội địa.
PHẤN ĐẤU KIM NGẠCH XUẤT KHẨU NÔNG, LÂM, THỦY SẢN ĐẠT 70 TỶ USD
Thanh Thủy tổng hợp
Theo Kế hoạch hành động phát triển ngành Nông nghiệp và môi trường, dự kiến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD, phấn đấu lên tới 70 tỷ USD, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành đạt từ 4% trở lên.
Kế hoạch bao gồm 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, dựa trên quan điểm thống nhất từ tư duy đến hành động trong toàn ngành. Bộ yêu cầu triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm sẽ bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu mà Chính phủ giao.
Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh yêu cầu rõ ràng, khả thi, dễ kiểm tra và đánh giá. Việc phân công nhiệm vụ phải đảm bảo "5 rõ": rõ người thực hiện, rõ nội dung công việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm đầu ra và rõ thời hạn hoàn thành.
NGÀNH THỦY SẢN CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI MỨC THUẾ 46% TỪ HOA KỲ
Thanh Thủy tổng hợp
Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa yêu cầu các địa phương ven biển và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tăng cường chỉ đạo sản xuất thủy sản, trước việc Hoa Kỳ công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng sơ bộ 46% với Việt Nam.
Cục đề nghị địa phương theo dõi sát tình hình, tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo sản xuất ổn định trong thời gian đàm phán. Đồng thời, ngành cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giảm chi phí, kiểm soát nguồn gốc, tăng khả năng cạnh tranh và chủ động chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản.
Các đơn vị cũng cần tăng liên kết sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thu mua, tạm trữ nguyên liệu và mở rộng tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, cần kịp thời cập nhật tình hình để phối hợp với Bộ chỉ đạo phù hợp.
Quý I/2025, sản lượng thủy sản đạt 1,99 triệu tấn, tăng 2,8%; xuất khẩu đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ 2024. Năm 2024, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang hơn 170 thị trường với kim ngạch hơn 10 tỷ USD.
CÂY DẦU ĐẠI THỤ 800 TUỔI Ở TRÀ VINH
Hồ Thảo sản xuất
Tại phường 7, TP Trà Vinh, cây dầu dù cổ thụ cao khoảng 25m, hoành gốc 7m, tán rộng gần 1.000m² đang thu hút du khách bởi hình dáng kỳ lạ và giá trị cảnh quan đặc biệt. Thân cây xù xì, các thớ gỗ xoắn như dây thừng, rễ nổi trên mặt đất tạo hình thù giống rùa, cóc và nhiều loài động vật.
Theo ông Thái Huy Khánh – chủ nhân của cây, dầu dù khoảng 800 năm tuổi. Một giáo sư người Úc từng nghiên cứu và khẳng định cây có khả năng tự chữa lành khi bị thương tổn. Những cành già mục không rụng mà tự tiêu biến, tạo thành các xoắn ốc lạ mắt.
Cây hiện là điểm du lịch mới nổi của Trà Vinh thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.