Chuẩn hóa 44 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước
Thứ Năm 10/04/2025 , 12:15 (GMT+7)
Chuẩn hóa 44 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; Tuyên Quang trồng thêm 860ha mía nguyên liệu; Một cơ sở sản xuất nón lá doanh thu 15 tỷ đồng/năm; Phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi mùa nắng nóng.
Tin 1: CHUẨN HÓA 44 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN NƯỚC
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố việc chuẩn hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý của bộ. Cụ thể, có tổng cộng 44 thủ tục được chuẩn hóa, gồm 19 thủ tục ở cấp Trung ương, 23 thủ tục cấp tỉnh và 2 thủ tục cấp huyện.
Trong số các thủ tục cấp tỉnh, đáng chú ý có: tạm dừng hiệu lực hoặc trả lại giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất; đăng ký sử dụng mặt nước, đào hồ, ao, kênh, mương; lấy ý kiến về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất hoặc kết quả vận hành thử nghiệm; tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho công trình đã hoặc chưa vận hành; cấp mới, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ.
Ngoài ra, còn có thủ tục cấp phép khai thác, đăng ký khai thác nước mặt, nước biển và thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện.
Việc chuẩn hóa này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Tin 2: TUYÊN QUANG TRỒNG THÊM 860HA MÍA NGUYÊN LIỆU
Đào Thanh thực hiện
Tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ mở rộng thêm khoảng 860ha vùng nguyên liệu mía, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên hơn 3.300ha, phục vụ cho hoạt động sản xuất mía đường.
Các địa phương trong tỉnh đã, đang tập trung trồng trên diện tích mới và trồng lại trên diện tích mía phế canh. Cùng với đó, người nông dân cũng chủ động chăm sóc hơn 2.300ha mía lưu gốc.
Với chính sách thu mua mía nguyên liệu ở mức giá 1.350 đồng/kg, cùng nhiều hỗ trợ về giống, phân bón và vận chuyển, ngành mía đường Tuyên Quang đang dần phục hồi, tạo được niềm tin cho người trồng mía.
Chỉ trong vòng 3 năm qua, diện tích vùng nguyên liệu toàn tỉnh đã được mở rộng thêm hàng nghìn ha.
Tin 3: MỘT CƠ SỞ SẢN XUẤT NÓN LÁ DOANH THU 15 TỶ ĐỒNG/NĂM
Tâm Phùng - Tâm Đức thực hiện
Cơ sở sản xuất nón lá Thanh Sơn (xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) hoạt động hơn 5 năm, chuyên sản xuất và cung ứng các loại nón lá cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, cơ sở sản xuất trên 600.000 chiếc nón, đạt doanh thu hơn 15 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng.
Hiện cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, có hơn 1.000 hộ dân ở các địa phương lân cận liên kết cung ứng nguyên liệu như khung tre, lá nón và tham gia gia công thủ công.
Cơ sở cũng đã đầu tư máy khâu nón hiện đại, giúp giảm sức lao động, tăng sản lượng và nâng cao thu nhập cho người làm nghề. Đây là mô hình hiệu quả trong phát triển làng nghề truyền thống.
Tin 4: PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN VẬT NUÔI MÙA NẮNG NÓNG
Văn Vũ thực hiện
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm trong mùa nắng nóng, các địa phương ĐBSCL đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng người chăn nuôi tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng.
Theo ông Lâm Minh Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 526.000 con vật nuôi, trong đó heo chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu tập trung khiến công tác kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai kiểm tra động vật nhập tỉnh, hỗ trợ hơn 10.000 liều vacxin phòng bệnh cho người dân. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, góp phần ổn định sản xuất chăn nuôi.