Pháp tài trợ 500 triệu EURO giúp Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu
Thứ Sáu 11/04/2025 , 12:16 (GMT+7)
Pháp tài trợ 500 triệu EURO giúp Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu; Hàng chục xe tải cày nát đường dân sinh tại Hà Tĩnh; Nhiều hộ dân phải mua nước sinh hoạt với giá rất cao; Hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây sắp hoàn thành.
PHÁP TÀI TRỢ 500 TRIỆU EURO GIÚP VIỆT NAM THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Viết Dũng thực hiện
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam vừa làm việc với UBND tỉnh Thái Bình nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đại sứ Olivier Brochet đánh giá cao định hướng phát triển của tỉnh, đặc biệt trong bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu – những lĩnh vực Pháp có thế mạnh và doanh nghiệp Pháp đang quan tâm đầu tư.
Ông Hervé Conan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, cho biết AFD từng tham gia cải tạo thủy lợi sông Hồng, trong đó có hợp phần tại Thái Bình. Hiện AFD đang hỗ trợ 15 tỉnh, tài trợ khoảng 500 triệu Euro cho các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, chống lũ lụt, sạt lở, xâm nhập mặn, và quản lý tài nguyên nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng hoan nghênh AFD và doanh nghiệp Pháp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, đặc biệt trong công nghiệp xanh và bảo tồn sinh học.
HÀNG CHỤC XE TẢI CỠ LỚN CÀY NÁT ĐƯỜNG DÂN SINH
Thanh Nga sx (Nguyễn Thị Nga)
Tuyến đường vượt lũ phục vụ nhu cầu đi lại của hàng chục hộ dân thôn Tân Sơn, Tân Thủy, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang bị xuống cấp nghiêm trọng do hoạt động của mỏ đá của Công ty TNHH Ngọc Ni cày xới ngày đêm.
Mỏ đá Ngọc Ni nằm sát tuyến đường dân sinh thuộc thôn Tân Thủy, dài khoảng 3km, mặt đường rộng khoảng 7 – 8m. Quá trình khai thác đá, bình quân mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn ra vào chở đá đã làm hư hỏng nặng tuyến đường. Phần bê tông bị bóc hết lớp mặt, trơ sỏi đá; ổ trâu, ổ gà chi chít; phần lề đường bị đào bới khiến bùn đất tràn lên mặt đường. Chưa kể đá từ hoạt động khai thác, vận chuyển vương vãi trên mặt đường gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Người dân nơi đây còn bức xúc cho rằng, hoạt động nổ mìn khai thác đá của mỏ đá Ngọc Ni còn làm rung chuyển nhà ở, gây nứt nhà và mộ phần của gia đình họ nằm sát khu vực mỏ.
CÀ MAU: NHIỀU HỘ DÂN PHẢI MUA NƯỚC NGỌT VỚI GIÁ RẤT CAO
Văn Vũ thực hiện
Vùng ngọt hóa huyện U Minh (Cà Mau) đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn. Ao, hồ, kênh rạch tại địa phương đều cạn kiệt hoặc nhiễm mặn, không thể dùng cho sinh hoạt. Nhiều hộ dân phải mua nước ngọt với giá 60.000–80.000 đồng/m³, gây khó khăn, đặc biệt với người nghèo và cao tuổi. Một số trường học, trạm y tế cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước vệ sinh. Tính đến đầu tháng 4/2025, có khoảng 300 hộ dân thiếu nước. Chính quyền địa phương đang phối hợp triển khai các biện pháp khẩn cấp như cấp nước miễn phí, hỗ trợ bồn chứa và xây dựng điểm trữ nước tập trung để ứng phó với mùa khô năm nay.
HỒ CHỨA NƯỚC NGỌT LỚN NHẤT MIỀN TÂY SẮP HOÀN THÀNH
Hồ Thảo thực hiện
Hồ chứa nước ngọt Láng Thé (Trà Vinh) đã đạt 23% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2026. Hai gói thầu số 30 và 34 đang được đẩy nhanh do có hạng mục đơn giản như đường và cống thoát nước. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng, gồm hơn 1.189 tỉ từ ngân sách tỉnh và 141 tỉ từ Trung ương. Công trình giúp ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, hỗ trợ nông nghiệp bền vững và đáp ứng nhu cầu nước sạch mùa khô. Khi hoàn thành, đây sẽ là hồ chứa nước ngọt lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với sức chứa trên 10 triệu m³, đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững khu vực.