


Trong một chuyến công tác vùng trung du, khi đứng giữa mảnh đồi trọc từng trồng keo đơn canh, nghe một người nông dân kể bằng giọng bình thản: “Giờ tui không trồng cây như trước nữa. Làm đất theo kiểu cũ, chặt nhanh, thu sớm, đất ‘mỏi’ lắm rồi. Tôi bắt đầu trồng cây xen dược liệu dưới tán, bên cạnh là ao cá, cuối đồi là lớp học cộng đồng do thanh niên làng mở. Cây mới chưa thu được tiền, nhưng đất ‘sống’ lại rồi, người trong làng cũng gần nhau hơn”.
Lời kể của anh nông dân ấy khiến cứ băn khoăn mãi. Phải chăng, mỗi mảnh đất đều có tiếng nói riêng, chỉ là con người có chịu lắng nghe và thiết kế cho nó một tương lai đa chiều? Đó đâu chỉ là câu chuyện một ngọn đồi, mà là hình ảnh cô đọng cho hành trình kiến tạo không gian phát triển mới, nơi nông nghiệp không đứng một mình, môi trường không đứng một mình, mà cùng nhau tạo thành một hệ sinh thái đa giá trị, gắn với văn hóa, công nghệ và con người.

Trong nhiều thập kỷ, chúng ta quy hoạch vùng nông nghiệp, vùng lâm nghiệp, vùng công nghiệp, vùng bảo tồn… theo những đường ranh giới cứng trên bản đồ. Nhưng thế giới đang thay đổi và cách nhìn không gian cũng phải thay đổi. Không gian phát triển không chỉ là đất đai, mà là nơi hội tụ con người - sinh kế - văn hóa - công nghệ - tài nguyên - tri thức. Mỗi vùng đất, nếu được nhìn bằng tư duy tích hợp, sẽ trở thành một vùng giá trị, chứ không chỉ là vùng sản xuất. Tư duy không gian phát triển mới là tư duy của đồng hành và tích hợp, chứ không phải chia tách và quản lý.


Việt Nam là dải đất dài, mỗi vùng sinh thái là một kho báu. Nhưng chúng ta đã quen nhìn đất nước mình bằng “mắt ngành”, mà quên nhìn bằng tư duy không gian tích hợp. Các vùng sinh thái là những “tấm toan mở” cho sáng tạo tích hợp.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất “dưới mặt nước”, cần không gian nông nghiệp sinh thái tích hợp, thích ứng mặn - lũ - hạn. Cây lúa không đi một mình, mà đi cùng con tôm, con cá, du lịch trải nghiệm và học sinh đến học bài học về đất, về nước. Từ cây lúa đơn canh đến hệ sinh thái ngập nước đa chức năng, cần bổ sung quy hoạch vùng nông nghiệp - thủy sản - sinh thái - giáo dục - du lịch cộng đồng theo mô hình vành đai. Lúa - tôm - sen - cá không chỉ là sản phẩm, mà là chất liệu cho trải nghiệm học tập ngoài trời, du lịch bản địa, và truyền thông văn hóa sông nước. Một cánh đồng biết kể chuyện, biết làm du lịch, biết cung cấp thực phẩm sạch, đó là cánh đồng của tương lai.

Đông Nam bộ là vùng công nghiệp - đô thị - nông nghiệp công nghệ cao, nhưng không thể tiếp tục chia ba không gian riêng biệt. Tại sao không nghĩ đến các vành đai sản xuất - chế biến - đổi mới sáng tạo, nơi nông sản được gắn với nhà máy, trung tâm khởi nghiệp, và cả… lớp học STEM (viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học)) cho nông dân? Không gian phát triển mới cần kết nối vùng nguyên liệu, trung tâm chế biến, cụm logistics, trường học đổi mới sáng tạo. Cần hình thành các cụm liên kết ngành “nông nghiệp - công nghiệp - khoa học, công nghệ - chuyển đổi số” thay vì đầu tư rời rạc. Một vườn sầu riêng công nghệ cao sẽ hiệu quả hơn khi bên cạnh nó là trung tâm khởi nghiệp nông nghiệp, nơi sinh viên, nông dân và nhà đầu tư cùng chung một tầm nhìn.
Tây Nguyên là không gian cao nguyên trữ tình. Nơi đây có thể trở thành mô hình kiểu mẫu cho mô hình nông - lâm kết hợp, xen canh cây dược liệu bản địa, bảo tồn văn hóa cộng đồng, phát triển mô hình trồng rừng có kiểm soát, kết hợp tín chỉ carbon - sinh kế - du lịch văn hóa. Rừng không chỉ để bảo vệ mà có thể tạo ra giá trị từ thảo dược bản địa, cà phê hữu cơ, du lịch sinh thái văn hóa, giáo dục bảo tồn. Thiết kế các không gian rừng có chức năng vừa sản xuất, vừa bảo tồn, vừa học tập, kết nối người dân tộc, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp xanh. Mỗi tán rừng là phòng thí nghiệm sống, lớp học mở, và là nơi tái tạo giá trị tinh thần cho cộng đồng.

Trung du và miền núi phía Bắc - Không gian bền vững trên địa hình chia cắt. Sự chia cắt địa hình chính là điều kiện để thiết kế lại cụm liên kết miền núi và miền xuôi. Nông sản bản địa như chè, quế, mắc ca… không thể mãi chỉ ở dạng thô, mà cần được nối dài bởi các trung tâm chế biến - bảo quản - tiếp thị - logistics nhỏ gọn nhưng hiệu quả. Tư duy tích hợp cần kết nối miền núi và miền xuôi, tạo hành lang sản phẩm xuyên độ cao, từ cây chè trên núi, xuống nhà máy dưới thung lũng, rồi ra thị trường quốc tế. Mỗi bản làng có thể trở thành trung tâm sản phẩm bản địa kết hợp giáo dục du lịch, nơi truyền thống được số hóa, nghề xưa sống lại trong mô hình mới. Không gian miền núi cần được nối lại bằng niềm tin, công nghệ, và cả những người trẻ quay về quê.
Đồng bằng sông Hồng - Đô thị hóa và nông nghiệp văn minh. Đây là không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, có thể dẫn đầu trong tư duy không gian đô thị - nông nghiệp - khoa học giáo dục tích hợp, với các mô hình canh tác thông minh, không gian học tập ngoài trời, và các trung tâm đổi mới sáng tạo cấp tiểu vùng, gắn với nông dân trẻ khởi nghiệp nông nghiệp. Quy hoạch không gian mới cần tích hợp các trung tâm đô thị, trường đại học, vùng canh tác thông minh, không gian trải nghiệm nông nghiệp cho trẻ em. Mỗi làng quê có thể trở thành nơi thử nghiệm sản phẩm mới, giáo dục cộng đồng, và tạo dựng bản sắc giữa thời công nghiệp hóa. Ở nơi đang đô thị hóa, nông nghiệp và môi trường cần được tái định nghĩa như là phần hồn của sự phát triển.

Các tỉnh duyên hải - Nơi núi và biển có thể bắt tay nhau. Đây là không gian cần những trục kết nối nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp gắn với du lịch và văn hóa biển. Tại sao lại không có những “hành lang xuyên núi” kết nối cao nguyên với ngư trường, với cụm dân cư ven biển để nâng cao giá trị chuỗi nông sản và thủy sản? Miền núi trồng dược liệu, chăn nuôi sinh thái; miền biển phát triển thủy sản xanh, ở giữa là cụm chế biến - giáo dục nghề biển - văn hóa ven sông. Hình thành các “vùng trung chuyển giá trị”, nơi rừng đổ xuống biển sản phẩm sạch, nơi biển đưa lên núi dịch vụ du lịch và văn hóa biển. Việt Nam đủ dài để miền núi và miền biển không xa nhau nếu được nối bằng tư duy tích hợp.


Không gian nông nghiệp hiện đại không chỉ có sản xuất, mà còn quá nhiều giá trị tích hợp khác. Giá trị sinh thái, phục hồi đất, nước, rừng, khí hậu. Giá trị văn hóa và giáo dục, bảo tồn nghề cổ, dạy trẻ yêu thiên nhiên qua trải nghiệm thật. Giá trị khoa học - công nghệ, ứng dụng cảm biến, AI, dữ liệu môi trường, số hóa quy trình. Giá trị kinh tế tuần hoàn, phân loại rác nông nghiệp, sản xuất phân sinh học, tuần hoàn nước. Giá trị truyền thông - tiếp thị, mỗi không gian là một “thương hiệu vùng”, một câu chuyện bản địa, một sản phẩm OCOP+.


Chúng ta không thể kiến tạo không gian mới nếu cứ nhìn theo bản đồ hành chính, phân ngành, phân cấp. Chỉ khi biết lắng nghe đất, nối dài tư duy đến cả những gì chưa từng kết nối, mới có thể tạo ra vùng phát triển bền vững, tử tế, đầy bản sắc. Mỗi không gian, nếu được giao cho cộng đồng đủ tri thức và niềm tin, sẽ tự kể nên câu chuyện phát triển riêng. Và trong mỗi cánh đồng, cánh rừng, con suối… luôn có sẵn mầm sống. Việc của chúng ta là gieo lại niềm tin, tưới bằng hiểu biết và gặt bằng sự hợp tác.

Trong không gian phát triển mới, không có chỗ cho tư duy “ngành nào lo việc nấy”. Cũng không thể phát triển môi trường theo cách rào lại - cấm đoán - giám sát, mà chuyển sang phục hồi - tích hợp - đồng kiến tạo. Một không gian nông nghiệp không chỉ sản xuất. Nó có thể là nơi học sinh ra đồng học toán qua mô hình tưới nước tiết kiệm, nơi người cao tuổi kể chuyện nghề nông, nơi nông dân thử nghiệm công nghệ cảm biến, nơi hợp tác xã tiếp thị qua livestream, nơi cộng đồng trở thành người bảo vệ nguồn nước, đất, rừng, và đa dạng sinh học.
Tư duy mới ấy đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành - liên ngành - xuyên ngành. Nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, khoa học để chế biến sâu, giảm tổn thất. Nông nghiệp kết hợp với công nghệ, chuyển đổi số để kiểm soát quy trình, truy xuất, ra thị trường. Nông nghiệp kết nối với văn hóa, giáo dục để giữ lại bản sắc, gắn với du lịch, làm sống lại truyền thống nghề nông bằng hơi thở hiện đại.

Không gian phát triển là bản đồ sống động chứ không phải bản vẽ hành chính. Nếu chỉ nhìn bản đồ theo ranh giới tỉnh - xã, sẽ khó thấy được tiềm năng của một vùng đất. Nhưng nếu vẽ bản đồ bằng dòng chảy sản phẩm - dòng người - dòng tri thức - dòng kết nối, sẽ thấy một Việt Nam giàu tài nguyên văn hóa, tự nhiên và sáng tạo.
Chúng ta không đi tìm những công trình hoành tráng giữa đồng. Chúng ta đi tìm những hệ sinh thái sống, nơi người - đất - cây - nước - văn hóa cùng vận hành như một bản giao hưởng. Khi nông dân không còn đơn độc, khi rừng và biển được kết nối qua tư duy tích hợp, khi trường học và hợp tác xã cùng dùng chung một luống rau sạch… thì đó chính là lúc không gian phát triển mới thực sự được kiến tạo - không phải bằng gạch đá, mà bằng lòng tin, tri thức, và sự đồng hành.