Giữa trùng khơi nơi đầu sóng ngọn gió, có một người lính đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi gặp đại úy Quách Văn Sơn vào tháng 4/2023, khi anh đang giữ chức Cụm trưởng Cụm chiến đấu 1 tại Trường Sa.
Con đường binh nghiệp của anh không chỉ là hành trình của một cá nhân, mà còn là sự tiếp nối của truyền thống gia đình, của lòng yêu nước, và khát khao cống hiến không ngừng nghỉ.

Đại úy Quách Văn Sơn - Cụm trưởng Cụm chiến đấu 1 tại Trường Sa (tháng 4/2023). Ảnh: Khương Trung.
Từ mạch nguồn truyền thống...
Sinh ra và lớn lên tại Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Quách Văn Sơn - chàng trai người dân tộc Mường, lớn lên cùng những câu chuyện về cuộc kháng chiến hào hùng, về ông nội, ông ngoại và cha, những người từng cống hiến cả tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết trên chiến trường miền Nam, từng lăn lộn giữa rừng núi chiến khu B để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Từ thuở ấu thơ, hình ảnh người lính Cụ Hồ đã khắc sâu trong tâm trí anh. Đó không chỉ là hình ảnh của lòng dũng cảm, mà còn là biểu tượng của sự hi sinh, của tình yêu nước và ý chí kiên cường.
Mỗi lần được ngồi bên ông, nghe kể về những năm tháng hành quân, chịu đói khát, bám trụ trong rừng sâu, anh càng hiểu rằng nền độc lập hôm nay được đánh đổi bằng biết bao xương máu.
“Chính những hình ảnh đó đã gieo vào tôi một ước mơ, rằng lớn lên mình sẽ được khoác lên màu áo xanh thiêng liêng như ông, như cha, như bao thế hệ đã ngã xuống cho đất nước này trường tồn”, anh chia sẻ, ánh mắt không giấu nổi niềm tự hào.
Hành trình từ đất liền đến đảo xa
Năm 2009, sau khi trải qua thời gian học tập tại Đại học Hàng Hải, Anh Sơn quyết định rẽ sang một hướng đi khác. Anh thi và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Chính tại nơi đây, lý tưởng quân ngũ của người lính dần hình thành và lớn lên vững chãi.
Mỗi ngày đứng dưới cờ Tổ quốc, học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội, anh càng thêm hiểu rõ trách nhiệm và vinh dự của một người lính trong thời bình. Đặc biệt, vào thời điểm năm 2014, khi sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 làm dấy lên làn sóng yêu nước mạnh mẽ trong nhân dân. Anh kể: “Lúc ấy, tôi không ngần ngại viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng hải quân”.
Trước khi ra đảo, anh từng có thời gian phục vụ tại Lữ đoàn Bộ binh 1, rồi chuyển sang đơn vị hải quân. Từ môi trường huấn luyện đến thực tế chiến đấu, mỗi bước chuyển là một thử thách, nhưng cũng là dấu mốc quan trọng trong hành trình rèn luyện bản thân.
Đến năm 2021, anh chính thức tình nguyện nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, vùng đất thiêng liêng mà bất cứ người lính nào cũng luôn khao khát một lần đặt chân đến. Từ đất liền ra đảo xa, anh mang theo cả niềm tin của gia đình, niềm tự hào và lời hứa âm thầm với chính mình: “Sẽ cống hiến hết mình, như ông cha đã từng làm”.

Chỉnh lại quân trang trước khi đổi ca trực của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Khương Trung.
"Khi đặt chân ra đảo, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của hai chữ Tổ quốc"
Trước khi ra Trường Sa, đại úy Sơn từng hình dung về cuộc sống nơi đảo xa qua những bài báo, câu chuyện kể của các thế hệ đi trước. Anh biết rằng nơi ấy gian khó, thiếu thốn, nhưng cũng đầy tự hào. Và rồi, thực tế còn vượt xa cả những hình dung ấy.
“Ở đây, khi đứng giữa nơi đầu sóng ngọn gió, tôi mới cảm nhận rõ ràng hơn giá trị thiêng liêng của đất nước. Niềm tự hào dân tộc như trỗi dậy mãnh liệt từ bên trong. Ở nơi đây tôi mới hiểu hết ý nghĩa của hai chữ Tổ quốc. Đó là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu và cống hiến mỗi ngày”, anh tâm sự.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra, bảo vệ đảo, anh cùng các đồng đội làm bạn với cơn gió mặn mòi, với nỗi nhớ đất liền, với cả những tình cảm quân dân trong mỗi chuyến đón đoàn từ đất liền ra thăm đảo. Những lúc này, tình đồng chí, tình đồng đội càng trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.
Đại úy Sơn chia sẻ, sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước và Quân đội cũng là nguồn động viên lớn lao đối với cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Những dịp lễ, Tết, dù không được ở bên gia đình, nhưng qua những phần quà, lời động viên từ hậu phương, người lính Trường Sa luôn cảm thấy ấm lòng, yên tâm vững tay súng.
“Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm từ trên xuống. Ngoài các chế độ theo quy định, còn có sự động viên tinh thần rất lớn từ lãnh đạo đơn vị, từ nhân dân cả nước. Gia đình tôi cũng được thăm hỏi, tặng quà vào dịp Tết, điều đó khiến tôi cảm thấy như mình không bao giờ đơn độc ở nơi đầu sóng ngọn gió này”.
Lý tưởng sống giản dị - niềm tự hào bền bỉ
Khi được hỏi về mong muốn tương lai, đại úy Quách Văn Sơn chỉ mỉm cười: “Mong ước lớn nhất của tôi là được tiếp tục cống hiến hết mình cho quân đội, cho Tổ quốc, đặc biệt là khi tôi còn trẻ, còn đủ sức để dấn thân".
Dù chưa lập gia đình, nhưng trong anh luôn "cháy âm ỉ" một khát khao: mai này, có con, anh sẽ truyền lại cho con tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc như ông cha đã truyền cho mình.
Từ những câu chuyện nhỏ giữa đời thường, từ những giấc mơ tuổi trẻ đã thành hiện thực ngoài đảo xa, màu áo xanh lính biển của đại úy Quách Văn Sơn hôm nay không chỉ là biểu tượng của trách nhiệm, mà còn là minh chứng sống động cho một tấm lòng son sắt với Tổ quốc.
Anh là minh chứng cho sức mạnh của truyền thống, cho lý tưởng sống cao đẹp được tiếp nối qua từng thế hệ. Mỗi dấu chân của anh nơi biển đảo là một lời khẳng định không lời: Tổ quốc mãi là thiêng liêng, và người lính, dù ở bất cứ nơi đâu, luôn là điểm tựa vững vàng cho non sông gấm vóc.
“Tôi sẽ không ép buộc con, nhưng sẽ gieo cho con niềm tin, lòng yêu nước, để nếu con có theo nghề của bố, của ông cha thì đó là sự tự nguyện và xuất phát từ trái tim. Khi bước vào quân ngũ, đặc biệt là khi được đặt chân ra đảo, người ta mới cảm nhận được hết sự thiêng liêng của màu áo lính", đại úy Sơn chia sẻ.