Sâu bệnh hại trên chanh dây và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ Năm, 04/07/2024 , 14:15 (GMT+7)

Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp sẽ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng chanh dây, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ngày 2-3/7/2024, tại Gia Lai, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Trung tâm Công nghệ thực phẩm và phân bón châu Á - Thái Bình Dương (FFTC-ASPAC) tổ chức hội thảo quốc tế “Tăng cường quản lý chất lượng cho chuỗi giá trị chanh dây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Nhiều tham luận quan trọng về phát triển chanh dây của khu vực đã được trình bày, hỏi đáp tại hội thảo. Báo NNVN dịch, biên soạn, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Dưới đây là bài thuyết trình của TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc thuyết trình tại hội thảo "Tăng cường quản lý chất lượng cho chuỗi giá trị chanh dây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" ngày 2/7 tại Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Tiềm năng của cây chanh dây

Chanh dây (chanh leo) thuộc chi Passiflora edulis, họ lạc tiên, là loại trái cây giàu dinh dưỡng, giàu chất chống oxy hóa, chất khoáng, vitamin và chất xơ. Cây chanh dây lần đầu tiên được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Trước năm 2015 chanh dây chủ yếu tập trung phát triển tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông. Từ năm 2015 đến nay thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chế biến xuất khẩu chanh dây được mở rộng, tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích giai đoạn 2015-2022 đạt 31,1%/năm (tương ứng 1.000 ha/năm). 

Chanh dây hiện có diện tích trồng lên tới 9.500ha với sản lượng đạt 188.900 tấn, nằm trong nhóm 18 loại quả có sản lượng trên 100.000 tấn mỗi năm của Việt Nam (theo số liệu Cục Trồng trọt năm 2023). 

Tây Nguyên là vùng chanh dây chủ lực của cả nước với khoảng 8.200 ha năm 2022 (hơn 86%). Trong đó Gia Lai hiện là tỉnh có diện tích chanh dây lớn nhất với hơn 4.263 ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn năm 2022 (hiện cũng đang là địa phương thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến tiêu thụ chanh dây lớn nhất cả nước); tiếp đến gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. 

Trung du miền núi phía Bắc là vùng chanh dây lớn thứ 2 với hơn 1.000ha (hơn 11%), chủ yếu tập trung tại tỉnh Sơn La (Cục Trồng trọt, 2023). Giống chanh dây chủ yếu hiện nay là giống quả tím Đài nông 1 (LPH04), chiếm hơn 95% diện tích trồng. Gần đây, hai giống mới do Công ty Nafoods Group lai tạo (Nafoods 1 và Quế Phong 1) đã được đưa vào lưu hành, bổ sung cơ cấu giống trong sản xuất.

Năm 2022, chanh dây ở Việt Nam có diện tích lên tới 9.500ha, tuy nhiên hiện tại diện tích có xu hướng giảm vì áp lực dịch bệnh.

Việt Nam đã trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới, nằm trong top 10 nước cung ứng, sau các quốc gia như Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. Từ tháng 7 năm 2022, chanh dây Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng sản xuất. Cùng năm đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây chanh dây.

Như vậy, ngành hàng chanh dây không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế thông qua việc xuất khẩu, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững, việc quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp và ứng phó với các dịch hại trên chanh dây cần được chú trọng và đầu tư hơn nữa.

Tình hình sản xuất cây giống chất lượng, sạch bệnh

Một số địa phương đã chú trọng đến công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng chanh dây như các tỉnh Gia Lai, Nghệ An, Đắk Lắk. Tại Gia Lai, tính đến giữa tháng 9/2022, Sở NN-PTNT đã công nhận 100 cây đầu dòng và 14 vườn chanh dây đầu dòng. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành hệ thống sản xuất giống chanh dây ba cấp trong nhà lưới tiên tiến, sạch bệnh với quy mô hàng triệu cây giống mỗi năm (do các công ty như Nafoods, Thông Đỏ... thực hiện).

Tuy nhiên, sâu bệnh hại là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất bền vững chanh dây tại Việt Nam

Bệnh virus là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất bền vững chanh dây.

Các đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây chanh dây

Nhóm bệnh hại do virus 

Hiện nay đã ghi nhận được 6 loài virus  gây hại trên cây chanh dây gồm: 

East Asian Passiflora virus - EAPV; Passiflora mottle virus - PaMoV; Telosma mosaic virus – TelMV; Papaya leaf curl Guangdong virus - PaLCuGdV; Euphorbia leaf curl virus - EuLCV; Cucumber mosaic virus - CMV.

Trong 6 loài virus gây hại trên chanh dây, có 3 loài thuộc potyvirus bao gồm East Asian Passiflora virus (EAPV), Passiflora mottle virus (PaMoV) và Telosma mosaic virus (TelMV) là nguyên nhân gây hiện tượng cứng quả, với nhiều dạng biểu hiện triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào loài virus gây hại và khả năng nhiễm một hay nhiều loài virus trên cùng mẫu bệnh. 

  • Trên ngọn: Gây hiện tượng quăn và chùn ngọn. 
  • Trên lá: Gây khảm vàng trên lá non; lá già, lá nhăn nheo, phồng rộp. 
  • Trên quả: Gây quả nhỏ, vỏ quả hóa bần, quả biến dạng, vỏ quả chuyển màu từ màu xanh sang màu trắng. 

Kết quả điều tra từ 2018 và giám định 132 mẫu chanh dây bị bệnh virus ở các vùng tại Tây Nguyên (Gia Lai, Đắc Nông) và Sơn La cho thấy, bệnh cứng trái tại Việt Nam chủ yếu do PaMoV gây ra (58%), sau đó là EAPV (26%), hỗn hợp PaMoV/EAPV (14%) và rất hiếm gặp TelMV (2%).

Nhóm bệnh hại do nấm 

Bệnh đốm nâu (Alternaria alternate; Alternaria passiflorae): Bệnh gây hại trên lá và quả tạo thành những đốm tròn có màu nâu đỏ, bệnh nặng làm rách lá và thối, rụng quả. 

Bệnh thối thân, thối quả (Phytophthora nicotianae): Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, bệnh làm thối quả, rụng quả, thối lá, thối thân, thối rễ, bệnh nặng có thể dẫn đến chất cây.

Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides): Bệnh gây hại trên lá, thân cành và quả, vết bệnh màu nâu nhạt đến đậm, hình hơi tròn hoặc không định hình, bệnh làm rụng hoa, lá, quả. Bệnh nặng có thể gây chết ngọn cây.

Bệnh thối gốc, phình thân (giai đoạn vô tính Fusarium solani, giai đoạn hữu tính Nectria haematococca): Bệnh làm phần gốc thân bị phình to, nứt toác theo chiều dọc thân, khi nặng chuyển màu đen và bị thối mục hoàn toàn, cây chanh dây bị héo và chết. 

Nhóm côn trùng chích hút, nhện và ruồi hại

Rệp muội (Aphis gossypii, Myzus persicae): Chích hút làm lá bị cong và xoăn, cây sinh trưởng kém, lá bị vàng héo, quả nhỏ và dễ bị cháy xám. Rệp muội là môi giới truyền một số virus trên chanh dây (virus-EAPV, virus-TelMV, virus-PaMoV, virus-CMV).

Bọ phấn trắng - rầy phấn trắng (Bemisia tabaci): Gây hại ở ngọn non và các lá non làm cho lá vàng. Bọ phấn là môi giới truyền một số virus trên chanh dây (virus-PaLCuGdV virus-EuLCV).

Bọ trĩ (Thysanoptera sp.): Gây xoăn và biến dạng lá, hoa và quả.

Bọ xít: Bọ xít gai (Cletus punctiger Dallas.), bọ xít xanh (Nezera viridula L.), bọ xít càng to (Leptoglossus australis Fabricius.)…,: Chích hút vào lá, hoa, đọt non và quả non làm cho quả lốm đốm, nếu gây hại nặng làm rụng quả. 

Nhện nhỏ: Có 2 loại gây hại chính trên chanh dây là nhện đỏ (Tetranychus sp.) và nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus B.) Gây hại trên lá và bề mặt quả, chích hút làm cho lá vàng và cong, mật độ cao làm khô và rụng lá, vỏ quả mất màu, quả có thể bị biến dạng, chậm phát triển. 

Ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis Hendel và Bactrocera correcta Bezzi). Ruồi gây hại làm cho trái non bị nhăn nheo, rụng sớm. Trên quả đã lớn xung quanh vết hại hơi lõm xuống, vị trí vết hại vỏ quả cứng màu xám trắng, chính giữa vết hại có chấm màu đen. Vết thương do ruồi đục sẽ làm giảm giá trị thương phẩm của quả.

Như vậy, việc quản lý và kiểm soát các dịch hại trên chanh dây là rất quan trọng để đảm bảo sản xuất bền vững và hiệu quả. Việc nghiên cứu và phát triển các giống cây sạch bệnh, kháng bệnh, cùng với các biện pháp canh tác tiên tiến, sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do bệnh virus gây ra, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng chanh dây tại Việt Nam.

Huấn luyện cây con trong nhà lưới cách ly trước khi đem trồng mới (20 - 25 ngày).

Quản lý tổng hợp sâu bệnh trên chanh dây tại Việt Nam

Biện pháp giống

Sử dụng cây giống của những cơ sở sản xuất giống trong và ngoài nước có uy tín, chất lượng tốt. Các cây giống phải đảm bảo chứng nhận sạch virus và không nhiễm các nấm bệnh truyền qua đất như Fusarium, Phytophthora

Biện pháp canh tác

Đất trồng

- Thu dọn sạch sẽ cỏ dại, tàn dư thực vật, nhổ bỏ các cây là ký chủ của virus và môi giới truyền bệnh trên khu vực dự định trồng chanh dây.

- Xử lý mối, tuyến trùng và các sâu hại dưới đất trước khi trồng. 

- Khử trùng đất bằng vôi bột với lượng 0,5 kg/hố trước khi trồng ít nhất 15-20 ngày.

Mật độ: Tùy điều kiện đất đai, tập quán canh tác và điều kiện khí hậu từng vùng lựa chọn mật độ thích hợp, mật độ trồng từ 800-1.000 cây/ ha (4mx3m, 3mx3m).

Trồng nổi, trồng trên luống cao thoát nước tốt để hạn chế lây lan bệnh từ đất.

Yêu cầu sử dụng giống sạch bệnh, trồng cây trên mô đất cao hoặc trên luống thoát nước tốt, sử dụng các chế phẩm sinh học.

Vệ sinh đồng ruộng

- Thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm, thu gom và tiêu hủy triệt để các bộ phận của cây bị nhiễm sâu, bệnh hại, loại bỏ và thay thế các cây có biểu hiện của bệnh virus như xoăn, vàng lá và ngọn.

- Hàng năm, khử trùng vườn bằng vôi bột với lượng 500kg/ha (chia làm 2 lần), rắc toàn bộ vườn hoặc rắc vào các rãnh thoát nước để khử trùng nguồn bệnh và nâng cao độ pH của đất.

Kỹ thuật cắt tỉa

- Sau thu hoạch cắt toàn bộ các cành trên mặt giàn đã cho trái. Để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Khi chồi mới nhú ra từ 2 – 3cm cần phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh để bảo vệ các chồi non.

- Phải khử trùng dụng cụ cắt tỉa bằng nước javen 1% hoặc cồn trước khi chuyển sang cắt tỉa cây khác. Phải thu dọn sạch sẽ cành, lá, quả sau khi cắt tỉa ra khỏi vườn, không để hoặc ủ cành vào gốc cây.

Kỹ thuật trùm lưới bảo vệ cây tránh môi truyền bệnh virus

Trùm lưới bảo vệ cây ngoài đồng ruộng

- Hoàn thành việc trùm lồng lưới tại mỗi vị trí trồng cây trước khi xuống giống.

- Sử dụng lưới nhựa, kích thước mắt lưới từ 90 – 120 ô/cm2 kích thước lồng lưới: Dài 2,5m x rộng 0,7m, có cửa để dễ dàng đóng, mở khi cần.

- Sử dụng 1 cọc tre cao 3m cắm giữa hố trồng để cho cây leo lên giàn. Dùng 4 cọc tre cao 2,5m dày 2 – 3cm cắm ở 4 góc, cách nhau 50cm để căng lồng lưới. Trùm lồng lưới bên ngoài cọc tre, kéo mép lưới xuống sát mặt đất để căng lồng lưới, lấp đất phủ kín chân lưới, dán kín các cửa của lồng lưới. Buộc cố định nóc của lồng lưới lên sát với mặt giàn trồng chanh dây. Tháo bỏ lồng lưới khi ngọn cây chạm tới đỉnh của lồng lưới.

Trùm lưới bảo vệ cây con tập trung trước khi trồng

- Cây con phải được chuyển ra trồng ở bầu to, kích thước bầu tối thiểu 20cmx30cm. Khu vực trùm lưới phải thoáng, mát, không bị che bóng, loại bỏ sạch cỏ dại, và các cây là ký chủ của rầy, rệp, bọ phấn. Trước khi đưa cây vào cần phun thuốc phòng trừ rầy, rệp, bọ phấn ở trong và xung quanh khu vực trùm lưới.

- Sử dụng lưới nhựa, kích thước mắt lưới từ 90 – 120 ô/cm2, có cửa để dễ dàng đóng, mở khi cần. Tùy theo số lượng cây để thiết kế lưới trùm cho phù hợp, chiều cao của lưới tối thiểu trên 2m. 

- Chỉ bảo vệ cây con tập trung từ 30 – 45 ngày trước trồng hoặc khi cây đạt chiều cao từ 1,2 – 1,4m phải đem ra trồng ngoài đồng ruộng.

Các kỹ thuật khác như tưới, tiêu nước, bón phân, làm cỏ... áp dụng theo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh dây của từng địa phương.

Bón phân hữu cơ và chế phẩm sinh học sau mỗi đợt thu hoạch.

Biện pháp sinh học

Sử dụng chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đối kháng như nấm Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces, vi khuẩn Bacillus, thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất saponin, ankaloid, nấm ký sinh côn trùng Metarhizium… và các vi sinh vật có ích khác để phòng trừ nấm và tuyến trùng gây hại trong đất. 

Các chế phẩm sinh học có thể bón kết hợp với các đợt bón phân, hoặc rắc chế phẩm (trong vùng rễ) rồi phủ lớp đất lên. Trong mùa khô có thể hòa chế phẩm sinh học trong nước để tưới.

Thời kỳ trước và sau mùa mưa nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma nồng độ 0,5% tưới vào gốc từ 3-4 lần/vụ, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày. 

Biện pháp hóa học

Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, chỉ dùng các thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Đối với nhóm bệnh hại do nấm (bệnh đốm nâu, thối thân thối quả, bệnh thối gốc - phình thân, bệnh thán thư)

Khi bệnh mới xuất hiện, sử dụng thuốc có các hoạt chất như Tebuconazole, Mancozeb, Propineb,  Metalaxyl,  Dimethomorph, Difenoconazole, Azoxystrobin, Chlorothalonil, Fosetyl Aluminium,  Copper oxychloride,  Hexaconazole… để phòng trừ. Chú ý phun vào những đợt cây ra chồi mới hoặc vào đầu mùa mưa. Nếu thời tiết thuận lợi, bệnh phát sinh gây hại nặng, cần phun lại lần 2 cách lần 1 khoảng 7-10 ngày. Nên sử dụng thuốc luân phiên để tránh hiện tượng kháng thuốc.  

Xử lý các gốc chanh dây chớm bị bệnh phình thân và các cây xung quanh vùng bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất như Phosphonate, Fosetyl-aluminium, Mancozeb, Metalaxyl. Xử lý 1 hoặc 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa bằng phương pháp tưới, sục gốc, hoặc quét lên vết bệnh. 

Đối với nhóm bệnh virus và côn trùng môi giới (rệp muội, bọ phấn, bọ trĩ)

Treo bẫy vàng để dự tính dự báo sớm sự xuất hiện của môi giới truyền bệnh virus,  thường xuyên kiểm tra vườn để phòng trừ kịp thời

Phun phòng trừ một số đối tượng là môi giới truyền virus như các loại rệp, bọ phấn bằng các thuốc có chứa hoạt chất như: Spirotetramat, Abamectin, Emamectin benzoate, Matrine… ngay từ khi cây mới trồng, giai đoạn sau trồng cho tới khi cây lên giàn.

Khi cây ra các đợt lộc non hoặc sau các đợt cắt tỉa khi cây bắt đầu ra lộc, phải sử dụng các thuốc hóa học để phun phòng trừ côn trùng chích hút.

Đối với nhóm nhện hại

Sử dụng luân phiên các thuốc có chứa hoạt chất như Abamectin Abamectin+Petroleum oil 39,7%, propargite, dầu khoáng,…, phun ướt đều bề mặt lá và các bộ phận khác trên cây. Sau 3-5 ngày nếu thấy vẫn còn nhện cần phun nhắc lại lần 2. 

Đối với ruồi đục quả

Dùng bẫy dính màu vàng hoặc bẫy dẫn dụ có hoạt chất Methyl Eugenol treo bên ngoài vườn, để dự báo sự xuất hiện của ruồi. Khi có ruồi vào bẫy, phun bả protein (ENTO - PROTEIN 150DD). Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên phun bả protein đồng loạt trên diện rộng để tăng hiệu quả diệt ruồi.

Hiệu quả của mô hình ứng dụng các biện pháp tổng hợp:

  • Sau 6 tháng, không ghi nhận bệnh virus trong mô hình.
  • Hiệu quả kinh tế tăng trên 20%.
  • Quy trình về quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chanh dây đã và đang được tập huấn, chuyển giao cho các đơn vị và doanh nghiệp có nhu cầu.

Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên sẽ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng chanh dây, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành trồng trọt chanh dây tại Việt Nam. Trong đó, người trồng chanh dây cần có được nâng cao năng lực quản lý các sâu bệnh hại khác đồng thời quản lý vườn cây bằng các giải pháp quản lý đất, nước tưới và phân bón.

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc Quỳnh Chi (biên dịch)
Tin khác
Từ Ngày thống nhất đất nước, nghĩ về một nền nông nghiệp thống nhất
Từ Ngày thống nhất đất nước, nghĩ về một nền nông nghiệp thống nhất

Thống nhất đất nước - dựng xây nông nghiệp, để mỗi mùa vụ xanh là mỗi bước tiến của một quốc gia hạnh phúc.

Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả

Nuôi kiến vàng giúp vườn cây có múi giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, tiết kiệm chi phí nhưng ít nhà vườn áp dụng.

Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng
Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng

YÊN BÁI Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại.

Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa
Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa

Tại ĐBSCL, các địa phương đã thả hàng trăm triệu con ong ký sinh cùng các thiên địch khác để khống chế dịch sâu đầu đen hại dừa.

NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ
NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ

Hà Tĩnh sẽ đưa các giống chè mới chất lượng tốt và khả năng chịu hạn vào sản xuất như PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…

Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL
Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL

Sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón vùi phân là giải pháp cơ giới hóa khâu xuống giống hiệu quả, thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng
Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng

Trước mối nguy thầm lặng của tuyến trùng và bệnh vàng lá thối rễ do Fusarium sp. gây ra, hàng trăm nhà khoa học đã cùng thảo luận các biện pháp phòng trừ bệnh hại nguy hiểm này.

'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng
'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng

TS. Hà Minh Thanh - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật - cung cấp thông tin về một số triệu chứng bệnh do nấm Fusarium và tuyến trùng gây ra trên cây trồng.

Hướng dẫn trồng rau ăn lá thủy canh
Hướng dẫn trồng rau ăn lá thủy canh

So với trồng rau trên đất, trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm như tối ưu không gian sản xuất, tiết kiệm nước, ít tốn công chăm sóc, hạn chế sâu bệnh, dễ dàng kiểm soát về an toàn thực phẩm… Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam hướng dẫn bà con một cách chi tiết kỹ thuật trồng rau ăn lá theo phương thức này.

Hướng dẫn trồng chuối đảm bảo yêu cầu xuất khẩu
Hướng dẫn trồng chuối đảm bảo yêu cầu xuất khẩu

Chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta. Hiện chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước, sản lượng ước tính 2 triệu tấn/năm. Việt Nam được đánh giá là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển loại trái cây này. Các kỹ sư, kỹ thuật viên của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) - công ty trồng và xuất khẩu chuối hàng đầu Việt Nam hướng dẫn quy trình trồng chuối đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Hướng dẫn nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể
Hướng dẫn nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể

Ông Đặng Xuân Tiến, quản lý dự án nuôi trồng rong sụn, Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể, phương thức thu hoạch và sơ chế bảo quản rong sụn tốt nhất.

Hướng dẫn trồng tam thất hoang
Hướng dẫn trồng tam thất hoang

Tam thất hoang là một loại thảo dược quý giá, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Tam thất hoang cùng chi với sâm Ngọc Linh, có hoạt chất Saponin giá trị không kém sâm Ngọc Linh. Tam thất được coi là 'vàng trắng' trong ngành Lâm nghiệp. Video: TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, hướng dẫn cách trồng cây tam thất hoang dưới tán rừng, cách thức thu hoạch, sơ chế, bảo quản củ tam thất đảm bảo chất lượng.