Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Đôi dòng về văn hóa thảo luận

Nhân cuộc trao đổi quanh cuốn sách 'Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam'

Nhân cuộc trao đổi quanh cuốn sách 'Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam'

Với tư cách là người yêu thích ngôn ngữ học, tôi chỉ muốn nói đôi dòng về một bài phản biện có nhiều điểm đáng phải trao đổi.

Tôi là người phỏng vấn tiến sĩ Andrea Hoa Pham về cuốn sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam của bà. Bài phỏng vấn ấy sau đó đã được tác giả Hồ Trung Tú trao đổi bằng một bài viết cũng đăng trên cùng chuyên mục Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt của báo Nông nghiệp Việt Nam.

Nếu lần lượt chỉ ra từng điểm thì sẽ rất dài. Bởi vậy ở đây tôi chỉ xin đưa ra hai ví dụ ở bài của tác giả Hồ Trung Tú.

Xin trích Hồ Trung Tú:

“Theo chị nói thì “Ở Quảng Nam đầu thế kỷ thứ 16, người Chăm lớp bị giết, lớp bỏ chạy về Chiêm Thành, ai còn sót lại chắc hẳn phải dè dặt che giấu thân phận, và có lẽ sống quây quần khép kín trong cộng đồng của họ. Người Chiêm dân cư vốn đã thưa thớt, sau những cuộc tàn sát ấy thì lại càng ít đi. Cộng thêm những lệnh cấm đoán, con số ít ỏi còn lại đó liệu có mấy phần cơ hội để cộng cư thân mật? Trong hoàn cảnh đó, việc tiếp xúc với người Việt thường xuyên và cần thiết đến mức nào mà đến nỗi có thể thay đổi hẳn bộ mặt của giọng nói người Việt ở Quảng Nam? (tr 241). Tức người Thanh Nghệ vào rất đông, chiếm tuyệt đại đa số dân cư Quảng Nam lúc đó; vậy cho tôi hỏi: Đang yên, đang lành sao tự dưng những người Thanh Nghệ đó biến đổi giọng nói thành giọng Quảng Nam? Tôi chắc chắn chị sẽ không trả lời được câu hỏi này, trong khi sách tôi đã nói nhiều về chuyện này, chị có thể xem lại mặc dù nó không dùng công cụ ngôn ngữ như chị yêu cầu”.

Phải nói ngay rằng, trên quan điểm học thuật, tôi hoàn toàn chưa đưa ra quan điểm về việc ai đúng ai sai trong vấn đề “nguồn gốc giọng Quảng Nam”. Có chăng, với tôi, về mặt phương pháp luận, Andrea Hoa Pham là người đã tìm thấy một số bằng chứng cho giả thuyết mà bà nêu ra. Và như thế, bà đáp ứng được luật chơi của khoa học, còn kết luận đó là đúng hay sai, tôi không lạm bàn.

Ở đây bàn chuyện khác, như đã nói.

Thứ nhất, về trích dẫn và từ đó đi đến kết luận mà tác giả Hồ Trung Tú bắt đầu bằng chữ “tức”, theo tôi là một trích dẫn chưa đầy đủ và thiếu tinh thần trung dung trong việc diễn dịch. Trích và kết luận như thế sẽ làm người đọc hiểu lầm là tác giả Andrea Hoa Pham nhận định rằng người Đại Việt vào thì tàn sát hết dân Chàm, và vì thế mà không có tiếp xúc nữa!

Nhưng, trong sách của mình Andrea Hoa Pham không nói như thế. Xin đọc: "Như vậy là chỉ vỏn vẹn trong tám thế kỷ, từ thế kỷ thứ 11 đến năm 1832, Champa, một vương quốc hùng mạnh được thành lập từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, hoàn toàn bị sáp nhập vào Đại Việt. Như vết dầu loang, cư dân Đại Việt của các vua Lê, và sau này cư dân Đàng Trong của các chúa Nguyễn đã đi sâu dần vào Nam. HỌ SỐNG CÙNG VỚI DI DÂN TRUNG HOA VÀ NHỮNG NGƯỜI CHÀM VÀ NGƯỜI CHÂN LẠP KHÔNG BỎ CHẠY sau khi những nơi đó thuộc về Đại Việt của vua Lê trên danh nghĩa, nhưng thực tế thuộc quyền cai trị của các chúa Nguyễn” (trang 114).

Nó khác hẳn với trích dẫn của tác giả Hồ Trung Tú phải không? Vậy ai đã sai? Phải chăng tác giả cuốn Có 500 năm như thế trích không đúng, hay là Andrea Hoa Pham thiếu nhất quán? Không. Trước câu mà tác giả Hồ Trung Tú trích là ý này: "quan hệ của Đại Việt với Chiêm Thành có lúc êm ả, hòa hoãn, có lúc không tin cậy". Tóm lại cái mà tác giả Hồ Trung Tú trích chỉ là một ví dụ minh họa cho luận cứ “có lúc” bất ổn trong quan hệ giữa 2 bên, chứ hoàn toàn không phải một kết luận của Andrea Hoa Pham.

Việc trích và dẫn dắt như cách tác giả Hồ Trung Tú đã làm là gây hiểu lầm, dù rất vi tế nhưng đại kỵ trong khoa học và trong trao đổi quan điểm nói chung.

 

Thứ hai, tác giả Hồ Trung Tú đặt câu hỏi: “Vậy cho tôi hỏi: Đang yên, đang lành sao tự dưng những người Thanh Nghệ đó biến đổi giọng nói thành giọng Quảng Nam?”. Tiếc thay, sở dĩ có câu hỏi này là bởi Hồ Trung Tú đã dựa trên một loạt tiền đề sai, vì không thật sự hiểu điều mà Andrea Hoa Pham đang chứng minh.

Andrea Hoa Pham cho rằng những người Thanh - Nghệ vào vùng đất Quảng Nam thì mang theo giọng nói của họ, và bà đã tìm thấy một số nét/đặc trưng của giọng Quảng Nam hiện còn lưu giữ/sót lại ở một số địa phương xa xôi thuộc Thanh - Nghệ bây giờ; và những nét/đặc trưng ấy là bằng chứng cho giả thuyết bà đã nêu ra.

Vậy vì sao Hồ Trung Tú lại nghĩ thành “biến đổi giọng nói”? Vì ông nhầm cái giọng Thanh - Nghệ được Andrea Hoa Pham nói đến trong sách là giọng mà người Thanh - Nghệ đang nói một cách phổ biến bây giờ (trong khi phải hiểu cho đúng rằng nó là cái giọng Nghệ - Tĩnh ở Kẻ Chay và giọng Thanh Hóa ở Làng Thạc).

Vì tác giả Andrea Hoa Pham tìm thấy ở mấy cái thổ ngữ này giọng nói gần giống như giọng của người Quảng Nam ngày nay, đặc biệt là một số âm “không lẫn vào đâu được” và cũng chưa tìm thấy ở đâu khác trừ Kẻ Chay (Hà Tĩnh), Làng Thạc (Thanh Hóa). Những bằng chứng này chính là “sợi dây” để bà liên kết lại trong câu trả lời về nguồn gốc.

Những cách hiểu như kiểu trên của Hồ Trung Tú – giọng Quảng Nam bê nguyên xi các thổ ngữ Thanh - Nghệ vào – như vậy là một cách hiểu máy móc, đơn giản và không đầy đủ luận điểm chứng minh trong cả cuốn sách. Tác giả Hồ Trung Tú chỉ bám vào một vế, đó là nhận định “Giọng Quảng Nam được hình thành trên cái nền là giọng Thanh Hóa, có thu nạp một số yếu tố của giọng Hà Tĩnh”, nhưng lại bỏ qua phần thứ hai của luận điểm, đó là các nguyên liệu này còn phải qua “sự vận hành bên trong của ngôn ngữ". Trích trang 277 “Giọng nói của các di dân buổi đầu đã hòa hợp với nhau, tác động lẫn nhau dựa vào các quy luật bên trong của ngôn ngữ”. Các quy luật này và các vận động này được tác giả giải thích, trình bày rất kỹ ở những chương cốt dành cho người có background về ngôn ngữ học. Nếu không hiểu được điều này (cả 2 vế) thì sẽ không sao hiểu được luận điểm của cuốn sách.

Tóm lại là không có chuyện đùng một cái giọng Thanh - Nghệ (mà ngày nay chúng ta đang nghe) bỗng nhiên vô Quảng Nam thì biến thành giọng Quảng Nam như cách tác giả Hồ Trung Tú đã hiểu và từ đó mà đặt một câu hỏi lệch hẳn khỏi bản chất của vấn đề. Chúng tôi nghĩ, sở dĩ có sự nhầm lẫn cơ bản này là bởi đã không đọc hết, đọc kỹ cuốn sách và có cả những thiếu sót kiến thức trong phương pháp làm việc của ngành Ngữ âm - âm vị học, Ngôn ngữ học lịch sử và tình trạng biến âm lịch sử của ngôn ngữ mà Ngôn ngữ học đại cương đã dạy.

Và cũng bởi một sự hiểu sai như thế cho nên đúng là “chắc chắn chị sẽ không trả lời được câu hỏi này”, và thực ra là không ai trả lời cho đúng được với một câu hỏi sai, nếu không sửa lại câu hỏi ấy cho đúng!

Tóm lại, trong trao đổi quan điểm thì cần đảm bảo được mấy yêu cầu cơ bản: trích dẫn trung thực, hiểu đúng nội dung, và tránh tấn công cá nhân.

Thứ ba, điều cuối cùng muốn nói là, tôi luôn ủng hộ việc trao đổi và tranh luận. Đối với các vấn đề chuyên môn sâu thì tốt nhất nên thảo luận trên các tạp chí chuyên ngành, có phản biện kín trước khi đăng. Khi ấy, giới chuyên môn mới có thể tham dự để chứng kiến và làm trọng tài được.

Riêng đối với các nghi vấn của tác giả Hồ Trung Tú về đạo đức khoa học của bà Andrea Hoa Pham thì nên “lập hồ sơ” về những sai sót, vi phạm, và cả đạo văn (nếu có), và công bố tất cả những bằng chứng ấy trên báo chí, thậm chí ra tòa. Vì một nền khoa học tiến bộ và sự phát triển của văn hóa thảo luận, việc ấy rất nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Ngoài ra, những chỉ trích bóng gió hay nhắm vào cá nhân khi chưa có các dẫn chứng xác thực đều là điều có hại, có hại cho cả đôi bên mà cộng đồng độc giả cũng hoàn toàn không được hưởng lợi gì ngoài việc bị kéo vào những cãi cọ cảm tính bất tận.

Bản thân tôi cũng tránh xa những cái vũng lầy như thế bởi, mượn lời Lê Đạt mà nói, Khoa học vốn con nhà tử tế, nghe thấy to tiếng thì liền lánh đi mất rồi.

Thái Hạo

Tin khác

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 20/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 19/06/2025
Cây liễu trước gió thôn tôi

Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/06/2025
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/06/2025
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/05/2025
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2025
100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2025
'Mưa hạ ở Sài Gòn' vọng vào nhau tiếng trong veo

'Mưa hạ ở Sài Gòn' vọng vào nhau tiếng trong veo

‘Mưa hạ ở Sài Gòn’ là tên gọi tập thơ chứa đựng nhiều bâng khuâng với cuộc đời, của tác giả Tố Hoài ở độ tuổi bát thập đã trải qua không ít thăng trầm.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/05/2025