Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nhà văn Nguyên Ngọc: Âm thầm Nguyễn Trọng Oánh

Nhà văn Nguyên Ngọc: Âm thầm Nguyễn Trọng Oánh

Ngay cái kiểu chúng tôi quen rồi thân với nhau đã khá là 'Nguyễn Trọng Oánh': không ồn ào, vồ vập, đến với nhau rất chậm...

 

Nguyễn Trọng Oánh là kiểu người như vậy: một người bắt đầu lầm lũi, âm thầm, “vô danh”.

Ngay cái kiểu chúng tôi quen rồi thân với nhau đã khá là “Nguyễn Trọng Oánh”: không ồn ào, vồ vập, đến với nhau rất chậm, nhưng rồi qua năm tháng, hơn nửa thế kỷ rồi đấy - trời ơi thế mà gần trọn đời người rồi - qua thử thách càng hiểu, càng gần, càng thân nhau hơn. Một người “đồng chí” đích thực, theo cái nghĩa rất xưa của từ này, thời Cần Vương hay là thời gì đó, cũng chí hướng không lay chuyển.

Tôi muốn nói rõ điều này: Thời Văn nghệ quân đội, lớp thế hệ chúng tôi, khi bắt đầu chống Mỹ, ngoài Nguyễn Thi và tôi vốn là dân miền Nam nay trở về chiến trường là chuyện đương nhiên, Nguyễn Trọng Oánh là người miền Bắc chính cống đầu tiên duy nhất xung phong vào Nam, và anh đi rất sâu, rất lâu, đằm mình đến cùng, hết mình, hy sinh tất cả - tôi không nói to tiếng quá đâu - trong cuộc chiến đấu tử sinh ấy.

Hồi ấy, thỉnh thoảng, lâu lắm, tôi đang ngồi làm việc, nghe có tiếng gõ cửa khe khẽ. Mở cửa: Oánh. Cái xe đạp tàng tàng, vứt ngay Bờ Hồ không khóa chẳng ma nào thèm lấy. Bộ quân phục tàng tàng. Cái mũ cối tàng tàng, không có sao: Anh thuộc diện đang sắp bị cho về hưu. Oánh dân xứ Nghệ, lại là cái xứ Nghệ Nghi Lộc, giọng nói nặng trịch, hết sức khó nghe, lại chỉ nói thì thào – tính Oánh vẫn thế, bây giờ sức yếu lắm rồi, càng thì thào hơn.

 

Tôi đi miền Nam 13 năm, gia tài quý nhất lúc ra đi chỉ có một lô sách, trong đó có những quyển rất hiếm (toàn tập Balzac 40 quyển in từ cuối thế kỷ 19 mua được ở hiệu sách cũ dành riêng cho hội viên Hội Nhà văn Liên Xô, nhờ sự giúp đỡ rất nhiệt tình của anh bạn Marian Ktachev), tôi đóng lại thành hai thùng gỗ, nhờ anh Hà Trì giữ hộ với một lời “di chúc”: Nếu mình còn trở về thì trả lại cho mình, mình không trở về thì coi như sung công cho thư viện Văn nghệ Quân đội.

Mười ba năm sau tôi trở về, không ngờ Hà Trì còn giữ được nguyên vẹn (bộ Balzac bị tản lạc là về sau này). Một hôm tôi lẩn thẩn ngồi giở lại đống sách cũ, tình cờ trong một quyển sách rất dày (hình như là cuốn "Journal d’un écrivain" của Dostoievski) tìm thấy cái giấy mời đám cưới của Nguyễn Trọng Oánh. Trời, chỉ cái giấy mời cưới ấy thôi đã đủ làm sống lại cả một thời! Mẩu giấy nhỏ bằng ba ngón tay. Mà không phải chỉ đám cưới Nguyễn Trọng Oánh. Mời cả hai đám cưới một lúc: Nguyễn Trọng Oánh và Ngọc Tự: đám cưới tập thể. Địa điểm: Hội trường Hội Lạc Thiện, tức là cái chỗ cho thuê xe đòn đám ma và quản lý nghĩa trang, bây giờ vẫn còn ở đường Phùng Hưng ấy! Không biết sao ngày ấy anh em Văn nghệ quân đội chúng tôi lại tổ chức đám cưới tập thể ở cái nơi kỳ quặc oái ăm thế, không thể hiểu nổi.

Thời ở Văn nghệ quân đội Oánh chỉ làm thơ. Theo tôi, thơ Oánh là thơ hay. Hình như đến nay vẫn chưa bao giờ in thành tập. Phảng phất cái không khí hào hùng bi tráng một thời sĩ phu nào đó. Một chất ông đồ xứ Nghệ, giấu kín cái bay bướm ngang tàng trong sự súc tích nhiều lúc đến quá nghiêm ngặt, kiệm từ, kiệm lời. Đọc thật kỹ mới thấm, và phải đọc một mình, trong đêm khuya (ngày xưa thì phải thêm một lò hương trầm nữa). Còn nghe Oánh đọc thì… rất kỳ. Giọng Nghi Lộc khó nghe nhất nước. Anh Mai Văn Hiến họa sĩ thời bấy giờ sống chung với chúng tôi ở 4 Lý Nam Đế thường đùa: “Nghe ông Oánh ngâm thơ cứ hình dung một anh chàng đang đi, nửa người cứ ngã ngửa về phía sau, chực ngã ngửa ra ấy. Cứ muốn chạy tới đỡ ngay cho ông ấy…”.

Cũng lạ: vậy mà ba người thân nhau thời ấy ở 4 Lý Nam Đế lại là Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Trọng Oánh và tôi. Thân một cách lặng lẽ. Sao thế nhỉ. Tôi thì lang bạt và sôi nổi cực đoan. Nguyễn Ngọc Tấn thì đau khổ quằn quại. Oánh lại trầm tĩnh, ít lời.

Kỳ thực, trong Oánh giấu kín một sự kiên định quyết liệt – sau này tôi mới nhận dần ra. Anh cũng là một dạng “cực đoan” dữ dội.

Ngày Nguyễn Ngọc Tấn và tôi đi vào chiến trường, có hai người bắt tay chúng tôi mà ứa nước mắt. Ông Mạn, ông già công vụ tuyệt vời có một không hai của cơ quan chúng tôi. (Nghe nói hồi B52 đánh Hà Nội ác liệt nhất, anh em đi sơ tán hết, chỉ còn mỗi ông Mạn trụ lại giữ nhà 4 Lý Nam Đế.) Ngày tôi ở chiến trường trở ra, 13 năm sau, ông lại cầm tay tôi, hỏi:

- Còn thằng Tấn đâu?

Lần này thì ông khóc òa.

Người thứ hai là Oánh. Oánh nói, vẫn cái giọng Nghi Lộc nặng trịch và thì thầm ấy:

– Mày đi trước, mấy năm nữa tao sẽ vào…

Oánh giữ đúng lời hứa.

 

Tôi đi 1962. Tháng 10 năm 1966 Oánh vào. Anh vào B3, tức chiến trường Tây Nguyên. Bấy giờ B3 còn trực thuộc B1 tức là chiến trường Khu 5 chúng tôi. Anh ở B3 mấy tháng, viết một bài thơ dài “Khúc hát một dòng sông”, sau này được dùng làm cốt cho kịch bản một phim tài liệu hay, được giải Bạc Liên hoan Phim quốc gia, lấy toàn bộ trường ca của Oánh làm lời bình nhưng không hề ghi tên tác giả. Oánh viết trường ca vẫn cái giọng trầm hùng phảng phất một thời sĩ phu ấy. Nhưng người ta chỉ nói đến phim và đạo diễn, khá sôi nổi một thời, không ai biết đến người đã tạo nên cái hồn tráng ca của phim.

Và anh bỏ thơ, nhảy sang viết văn xuôi. Tôi cho rằng chẳng phải ngẫu nhiên đâu. Vì chỉ có văn xuôi, văn xuôi trần trụi mới mong ghi cho kịp tất cả cái thực tế mênh mông, ngồn ngộn, mới mẻ mà chúng tôi ngày ấy như chợt tỉnh ra, nhận ra ở chiến trường: Nhân Dân. Nhân dân lầm lũi. Nhân dân vô danh. Nhân dân bất tận. Người thực sự làm chiến tranh. Người gánh chịu tất cả chiến tranh. Nạn nhân tận cùng và anh hùng vô danh và vô tận của chiến tranh.

Oánh viết vội viết vàng, chưa ra cái gì cả. Tất cả đều như một cuộc chuẩn bị gấp gáp, khẩn trương, chăm chỉ… cho một cái gì đó về sau này, khi mọi sự đã xong, đã chấm dứt…, tất nhiên nếu đến ngày đó may ra mình còn sống sót. Vốn người đã khô héo, anh càng gầy rộc đi, xơ xác, nhiễm đủ thứ mầm bệnh, mặc kệ! Chất độc hóa học, những cơn căng thẳng đến có thể đứt bung hết thần kinh, một trăm lần thoát chết, chẳng do cái gì hết, chỉ do số may…

Mậu Thân 1968, Nguyễn Thi hy sinh. Oánh phải thay Thi, phụ trách “cái” Văn nghệ Quân Giải phóng Miền. Nên nhớ thời đen tối nhất của chiến tranh miền Nam là thời sau Mậu Thân. Bị chúng nó đánh chạy dạt sang tận Campuchia. Đói, chết, rách nát, tan rã, tháo chạy (có anh tháo chạy ra tận miền Bắc), gượng lên, gục xuống, lại gượng lên… Chính những ngày ấy Oánh lộn lại Củ Chi, cái Củ Chi mà sau này Oánh gọi là "Đất trắng". "Đất trắng" cũng chưa đủ đâu. Đã thành bề mặt của mặt trăng. Những miệng núi lửa sâu hoắm, ban ngày nóng bỏng, ban đêm lạnh tanh. Và cát bụi. Oánh lao vào Củ Chi với một trung đoàn cảm tử quyết ghì trụ lại để cho đại quân có thể rút ra. Cả trung đoàn hy sinh gần hết, chỉ còn lại 16 người, nên khi viết "Đất trắng" Oánh gọi đó là Trung đoàn 16.

Oánh đi, trụ bám, đánh giặc, ghi chép, ghi chép, đi. Có lúc như một kẻ mộng du. Băng qua cái chết… Cho đến hết chiến tranh.

Đối với Oánh, từ sau 1975, là một cuộc “chiến tranh” mới. Thật thế. Anh vật lộn với nghèo đói, với bệnh tật, với gia cảnh đã đến mức khốn cùng, với bao nhiêu thứ khác nữa của thế sự, của nhân tình mà tôi biết tâm trí anh luôn giày vò.

Và anh viết.

Bộ sách hai tập "Đất trắng" của Nguyễn Trọng Oánh (1981-1983) là tiểu thuyết đầu tiên ở ta mô tả bộ mặt thực của chiến tranh như tôi, một người lính, tôi từng được biết ở chiến trường. Oánh bắt tay viết "Đất trắng" năm 1979, cùng năm với bản "Đề dẫn" của tôi. Chắc trùng hợp không hề ngẫu nhiên. Với "Đất trắng", văn học viết về chiến tranh ở ta bước sang một bước khác.

Trong văn học ta, cái dòng chảy chiến tranh-anh hùng ca bắt đầu từ sau 1945-46, không dừng lại ở mốc 1975. Nó còn tiếp tục chảy theo quán tính cho đến mấy năm đầu 80, cho đến “Đất trắng”. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về một chính ủy sư đoàn đi đầu hàng địch trong những ngày quần nhau ác liệt trên đất Củ Chi.

Nguyễn Trọng Oánh không phải là người tài hoa. Trong nghề văn, tôi thường nghĩ, anh thuộc loại người “lấy công làm lãi”. Lấy sự công phu, sự kiên nhẫn, sự trung thực với cuộc sống, lấy trách nhiệm của một người cầm bút quyết không để bị lôi cuốn bởi sự dối lừa của một thứ lãng mạn đèm đẹp dễ dãi, làm chỗ mạnh của mình. Anh đã sống như vậy suốt chiến tranh chống Mỹ, và sau đó cũng viết đúng như vậy. Có phần nào đó, anh là một người lao động trung thực hơn là một nghệ sĩ bay bướm.

Nhưng có lẽ đó chính là cái văn học ta đang cần, đúng vào lúc đó, để dứt khoát cắt đứt đi với “cái thời lãng mạn ấy” (chữ của Nguyễn Khải), để dứt khoát tỉnh táo, cả lạnh lùng nữa, nhìn thẳng vào sự thật (dẫu đó mới chỉ là sự thật của chiến tranh đã qua).

 

Chiến tranh là như vậy đấy. Cái thời lãng mạn ấy ta từng say sưa hát vang: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”. Chẳng nên phủ nhận tâm trạng hào hùng một thời tráng ca. Tâm trạng ấy là có thật, là một hiện thực. Nhưng còn một hiện thực khác, hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh. Chiến tranh là vậy đấy, là đất trắng, là nhầy nhụa, là hỗn độn, là vô lý, là nghịch cảnh, là phi nhân, là tàn bạo, là cảnh con người căng hết mình lên, lắm khi đến tuyệt vọng, đến muốn đứt tung hết, để cố níu lấy cứu lấy giữ lấy một chút, từng chút cái tính người cho con người, cho chính mình.

Nguyễn Trọng Oánh, lần đầu tiên, đã nói được với chúng ta một cuộc chiến tranh có thực của con người có thực như vậy, cái giá khủng khiếp của chiến tranh và chiến thắng.

Cuốn sách khó đọc, khô khan, không ít chỗ vụng về. Cũng như chiến tranh là khó lắm, khó sống, khô khan, nặng nề.

Tôi không cho rằng "Đất trắng" là cuốn tiểu thuyết thật hay. Nhưng đó là một cuốn sách Đặt mốc.

Có lẽ không chỉ cho văn học viết về chiến tranh. Chừng nào đó cho văn học nói chung.

Về sau nhiều người sẽ vượt qua "Đất trắng". Rất có thể nó sẽ bị quên đi. Nhưng Nguyễn Trọng Oánh là người đầu tiên. Và sớm.

Mãi gần 10 năm sau Nguyễn Khải mới nói se sẽ: “Cái thời lãng mạn ấy”.

Nguyễn Trọng Oánh là kiểu người cầm bút “lấy công làm lãi”, tôi đã nói rồi. Anh lại là kiểu người âm thầm, vô danh, tôi cũng đã nói rồi.

Nhưng còn một điều phải nói nữa: làm được một việc như vậy, đòi hỏi một nhân cách.

Những năm sau này, cái chất cơ bản ấy ở anh càng rõ hơn.

Có những nhà văn thời nào cũng là “thời thượng”. Nguyễn Trọng Oánh không thuộc loại đó. Anh là một cây thông, nhỏ thôi, lẩn lút, nhưng đứng thẳng. Một người cầm bút trung thực.

Không nhiều lắm đâu, những người như vậy.

Oánh mất năm 1993.

Vừa rồi tôi mở Wikipedia tiếng Việt, tìm mục từ "Nguyễn Trọng Oánh".

Trang bỏ trắng.

Không một dòng…

Nhà văn Nguyên Ngọc

Tin khác

Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 20/04/2025
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/04/2025
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 06/04/2025
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 01/04/2025
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/03/2025
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 20/03/2025
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/03/2025
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 08/03/2025
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/03/2025
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/03/2025
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 23/02/2025
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/02/2025