Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nhà văn Bảo Ninh: Tuổi già, niềm vui, nỗi buồn

Nhà văn Bảo Ninh: Tuổi già, niềm vui, nỗi buồn

Mặc dù nói những bê bối hiện thời trong ngành giáo dục chỉ là hiện tượng tiêu cực nhất thời, nhưng cũng có lúc mẹ tôi bảo những tiêu cực ấy không khác nào là nạn phá rừng trong văn hóa và giáo dục, rồi sẽ di hại đến muôn đời.

Tết Nhâm Dần 2022 mẹ tôi vào tuổi 99. Đã trên ngưỡng “xưa nay hiếm” tới ba thập niên mẹ tôi sức khỏe vẫn vững. Vẫn tự mình đi lại không cần xe lăn hay người đỡ, mẹ tôi giữ được sự chủ động và riêng tư trong nếp sinh hoạt hằng ngày. Sức nghe và sức nhìn thì thực sự là như của người đang tuổi sáu mươi. Nhà ở trên tầng cao chung cư không tránh khỏi gò bó tù túng, mẹ tôi rất chăm nghe đài, xem truyền hình và đọc báo. Đủ hết, các nhật báo Nhân Dân, Quân Đội, Lao Động, Công An, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi Trẻ… Nhờ vậy sự đời thế cuộc ra sao mẹ tôi biết khá rành, chí ít là hơn hẳn tôi. Buổi tối, mẹ thuật cho cả nhà nghe tin tức trong ngày trong tuần thâu nhận được qua truyền thông Nhà nước và cả qua truyền thông đồn thổi của hàng xóm láng giềng. Đấy là một trong những niềm vui nho nhỏ và giải khuây ít ỏi của tuổi già mẹ tôi.

Tuy nhiên đấy là trước đây, mấy năm gần đây thì khác. Mặc dù vẫn chịu khó theo dõi đài báo nhưng mẹ tôi thôi hẳn những buổi tối vui chuyện thời sự với con cháu. Lựa lời hỏi mẹ vì sao, mẹ bảo vì dạo này tin tức buồn lòng lắm, chẳng muốn kể lại làm các con mất vui. Nhất là bây giờ lứa cháu và cả lứa chắt nữa của mẹ đều tuổi thiếu niên với vị thành niên, nên cần tránh để chúng nghe đến, biết đến những hiện tượng tiêu cực ở ngoài đời. Tới tận bây giờ đã thời nào rồi nhưng mẹ tôi vẫn nói thế, “hiện tượng tiêu cực”, cụm từ mà dạo xưa chúng ta thường sử dụng, nhất khi viết văn viết báo, để nhằm giảm nhẹ mức độ trầm trọng của những tệ nạn đang nảy sinh, đang lan ra trong mọi mặt đời sống. Và như là để trấn an tôi, khi đụng nói đến người “tiêu cực” việc “tiêu cực”, mẹ tôi nói thêm: Đó chỉ là thiểu số, chỉ là con sâu làm rầu nồi canh.

Có thể đúng là như thế thật, trong thực trạng của nói chung đời sống đương thời tiêu cực chỉ là hiện tượng, không đáng kể gì so với những sự tích cực, vậy nhưng lại cũng có một thực tế rằng mặc dù luôn luôn là thiểu số song cái thiểu số không đáng kể ấy không chịu thuyên giảm theo thời gian mà trái lại, năm nay tăng hơn năm ngoái, năm ngoái hơn năm kia, năm kìa và nhiều hơn hẳn những năm xưa.

Không trực tiếp tận mắt nhìn thấy hằng ngày song mẹ tôi vẫn nhận thấy rõ ràng cái thực tế đáng buồn ấy hiển hiện hằng ngày trên màn hình và giấy trắng mực đen trên mặt báo. Mà với người cao tuổi sự đời không dễ quên đi, không qua quýt lướt trôi như đối với người còn trẻ. Lọt vào tâm trí người già, tin tức về những tệ nạn trong đời sống xã hội của các thế hệ hậu sinh luôn tích đọng, đè nặng, day dứt.

Mẹ tôi thì đã 99 tuổi, trước hưu trí từng bốn chục năm dạy học, thành thử những năm gần đây, nhất là từ khi công cuộc chống tham nhũng được đẩy mạnh, bà thường trong tâm trạng buồn phiền bởi thỉnh thoảng lại phải nhìn thấy nghe thấy trên đài trên báo danh tính và cả ảnh nữa của những con người bà từng quen biết mà nay đã tha hóa thành “con sâu”. Có sâu là đồng nghiệp lứa sau của bà, có sâu vốn là học trò, có sâu là con, là cháu của những người bạn đã qua đời từ lâu. Đủ tầm cỡ cấp chức, đủ loại củi khô củi tươi, cành non gốc gộc. Đủ kiểu phạm tội, đủ dạng vụ án, án nhỏ án lớn, kể cả đại án. Việt Á chẳng hạn, hay chuyến bay giải cứu, mẹ tôi cũng bắt gặp mặt mũi người quen. Thấy mẹ vì thế mà quá đỗi khổ tâm tôi những muốn khuyên mẹ bỏ qua tin tức hằng ngày, bớt nghe bớt đọc, nhưng làm sao có thể bưng tai bịt mắt phòng thủ thụ động như thế được. Cũng tựa như trước tình trạng không khí bị ô nhiễm không lẽ phải nhịn thở!?

Khiến mẹ tôi khổ tâm hơn cả là tin tức về những nhem nhuốc, những bê bối trong ngành giáo dục. Mẹ tôi chỉ nói đấy là những “điều tiếng”, tuy nhiên là những điều tiếng mà trong suốt bốn chục năm nghề giáo bà chưa từng nghe, từng thấy, từng biết đến bao giờ. Có những vụ việc mà theo bà là trần đời có một. Gian lận bằng cấp, gian lận thi cử ở diện rộng, bạo lực học đường, phụ huynh đánh đập cô giáo, học trò mày tao chí tớ với thầy..., những sự thể như thế không biết còn có xảy ra ở thời kỳ nào khác nữa không, chứ suốt trong thời mẹ đang đi dạy thì tuyệt nhiên không hề. Mẹ tôi khẳng định thế.

Dạy học từ năm 1946, từ bắt đầu nền giáo dục Dân chủ Cộng hòa, trải qua hai cuộc kháng chiến cho tới đầu Đổi Mới, mẹ tôi có đủ thời gian và kinh nghiệm để quả quyết như vậy. Mẹ cũng thường hay so sánh tầm cao đạo đức và trí tuệ của lãnh đạo ngành ở thời của bà với thời nay. Thật là cả một trời một vực.

Mặc dù nói những bê bối hiện thời trong ngành giáo dục chỉ là hiện tượng tiêu cực nhất thời, nhưng cũng có lúc mẹ tôi bảo những tiêu cực ấy không khác nào là nạn phá rừng trong văn hóa và giáo dục, rồi sẽ di hại đến muôn đời. Và mẹ tôi không hiểu nổi tại làm sao mà lại có tình trạng xuống cấp ấy. Vì đâu nên nông nỗi này, nông nỗi này là vì đâu?

Gần cuối năm, mẹ tôi được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Dĩ nhiên đấy là vinh dự và là niềm vui lớn vô cùng của mẹ. Nhưng cũng ngay trong thời gian này mẹ tôi đọc thấy trên báo một chuyện khiến bà cứ buồn lặng đi. Vì mẹ không nói nên tôi không biết là chuyện gì, cho tới khi bà đưa tôi coi tờ báo. Ấy là sự việc "một giáo viên nam bẻ tay giáo viên nữ ngay trước mặt hàng chục học sinh tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế gây bức xúc… ”. Về cái sự các nhà giáo bẻ tay nhau, xô đẩy cưỡng chế nhau này tôi có nghe nói và dĩ nhiên cũng khá bức xúc bởi dẫu gì đây đâu phải chuyện thường ngày ở huyện, song nghe vậy biết vậy thôi, quên nhanh. Ai dè cái vụ việc đó, xảy ra ở một ngôi trường tít tắp trong Huế lại làm mẹ tôi đau lòng đến thế.

Tối ấy mẹ tôi chuyện với tôi tới khuya. Nhưng hầu như không đả động gì đến cái tin đọc thấy trên báo, cả tối mẹ tôi chỉ kể cho tôi những kỷ niệm của mẹ về trường Đồng Khánh Huế, ngôi trường mẹ nội trú theo học từ sơ học tới hết đệ tứ, thi Diploma, năm 1945. Chuyện về ngôi trường này thời Pháp thuộc (thời nay là trường Hai Bà Trưng) mẹ vẫn thường kể tôi nghe, song chưa lần nào với nỗi bồi hồi và niềm hoài cảm sâu xa nặng lòng như tối ấy. Đều là những kỷ niệm đẹp đẽ, sáng trong, tốt lành về đời sống học đường, về các bạn học, về các thầy giáo cô giáo (gồm cả các giáo viên người Pháp) mà giọng kể của mẹ đầy ưu tư, buồn bã. Mãi tới trước lúc hai mẹ con ngừng chuyện, mẹ mới đôi lời nói đụng đến thời nay, sự việc vừa xảy ra ở trường Hai Bà Trưng, và mẹ hỏi tôi có hiểu vì sao cơ sự lại đến nỗi như thế.

Vì đâu nên nông nỗi ấy? Tôi biết trả lời thế nào đây câu hỏi của mẹ. Mà chừng như đấy không phải câu hỏi mà là lời trách móc, mẹ tôi trách móc tôi. Cho dù tôi chẳng là gì cả, tôi không phải là kẻ gây ra vụ việc cụ thể ấy, tôi cũng không phải là một tham quan, tôi không tham ô tham nhũng, không ăn cắp công quĩ, không ăn cướp của dân, không ăn tàn phá hại chặt cây phá rừng trong giáo dục và văn hóa.

Tối hôm ấy là lần cuối mẹ tôi nói chuyện lâu như thế với tôi. Một tuần sau mẹ tôi mất. Không đau ốm, cả không cảm cúm, lặng lẽ mẹ tôi xuôi tay.

Nhà văn Bảo Ninh

Tin khác

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 30/06/2025
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 20/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 19/06/2025
Cây liễu trước gió thôn tôi

Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/06/2025
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/06/2025
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/05/2025
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2025
100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

100 năm Ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi

Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến 'Đất rừng phương Nam'. Thế nhưng, nhà văn của Nam Bộ ấy còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều những tác phẩm bất hủ khác.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2025