Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Mưa dầm, ngồi kể chuyện trà

Mưa dầm, ngồi kể chuyện trà

Thời gian sống ở Tây Lạc Viên là những ngày tháng đặc biệt nhất với tôi. Ở đây, tôi đọc lại Walden của Henry David Thoreau, chìm đắm trong những trải nghiệm sâu thẳm nhất.

Năm 2016 tôi chuyển chỗ ở lần nữa, sau khi quyết định nghỉ dạy học, về vườn làm nông dân. Đó là một khu vườn ở ngoại ô, thưa vắng nhà, có cả cao su, hồ tiêu, cây trái và một rừng trúc hoang sơ đẹp như mộng. Trong khu vườn ấy còn có hai chiếc ao, một ao đáy đá ong, nước trong xanh có thể vo gạo, rửa rau; ao còn lại thì bùn sâu, lội xuống ngập quá đùi. Dưới cái ao thứ 2 này là súng, những bông súng to lớn, tối đến là bung nở như hàng trăm chiếc đèn hoa đăng, lung linh dưới trăng sao.

Tôi trồng thêm sen, có cả thảy 3 giống, sen ta và “sen tây”, sen hồng và sen trắng, cánh đơn và cánh kép. Chẳng mấy chốc, sen đã mọc kín mặt ao, hoa lừng lững mọc lên, kiêu hãnh nở tràn. Tôi bắc một cây cầu vươn ra gần giữa ao, làm sạp để ngồi, dưới tán sung sum suê xanh mướt.

Những búp sen đua nhau nở sát chân cầu, từ chiều hôm trước tôi mang trà ra bỏ vào lòng sen, dùng lá sen gói lại, để qua đêm. Sáng mai thức dậy thật sớm, vói tay hái lên và đun nước ngay trên cầu ao, pha trà giữa sương mờ giăng mắc. Tôi đặt tên cho khu vườn ấy là Tây Lạc Viên. Nay nhiều bài viết của tôi thời đó vẫn còn mấy chữ “Tây Lạc Viên” sau khi ký tên, chính là địa chỉ ở nơi này.

Thời gian sống ở Tây Lạc Viên có lẽ là những ngày tháng đặc biệt nhất với tôi. Ở đây, tôi đọc lại Walden của Henry David Thoreau không biết bao nhiêu lần, chìm đắm trong những trải nghiệm sâu thẳm nhất của cuộc sống một mình, hoàn toàn tự do và yên tĩnh. Cũng thật lạ, sau 2 năm tôi “ra khỏi rừng” và trở lại với công việc đi dạy một lần nữa...

Trước khi về Tây Lạc Viên, tôi đã mê trà. Tôi có các loại khay trà gồm tre và gỗ, gốm với hình dáng lớn nhỏ, có các loại trà cụ với lỉnh kỉnh ấm đất, nào là Long Đán, Tây Thi, Châu Bàn, Thủy Bình, Thạch Biều, Báo Xuân...; với trà nào là Tân Cương, Hồng trà, Ô long, Phổ nhĩ... Cung cách uống trà cũng thật cầu kỳ, lắm lối. Tôi đọc những loại sách như “Trà kinh” của Lục Vũ, để thâm nhập sâu vào “trà đạo”. Lai vãng khắp các trà thất ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội mỗi khi có dịp... Tóm lại, thiên hạ bày biện gì với trà thì tôi có cái đó. Và nhất là cái cuộc sống “một mình sống trong rừng” với trường chay đạm bạc, ngày ngày nghe kinh, thiền tập..., thì không phải ai cũng bày ra được.

Nhưng rồi tôi bỏ, không chơi nữa.

 

Khi lắng nghe mình đủ sâu, hiểu được bản thân và cuộc sống nhiều hơn, tôi đi đến chỗ dần đơn giản hết mọi sự. Vui với những gì gần gũi, tự nhiên, không cầu kỳ. Vui với chó mèo, rau vườn, hoa trái, với tiếng chim mỗi sáng, với ếch nhái trong hồ. Hoa sen vẫn nở bên lúc lỉu cây trái và mùi nguyệt quế thơm đêm. Những chiếc ấm đất dần được để gọn lại, trong một góc phòng, chỉ còn chiếc Tây Thi bầu bạn suốt những năm tháng sau này, bao nhiêu thứ trà cụ và động tác pha chế, cách nâng ly trà, cách thưởng hương các thứ, đều xếp lại. “Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền”.

Đến nay, sau khi về Bắc, tôi vẫn giữ thói quen uống trà. Bây giờ mỗi ngày đều uống, ngoài trà ra hầu như không uống bất cứ thức gì khác. Tuy ấm đất đã thất tán nhiều, nhưng hiện vẫn còn khoảng mươi chiếc, tò vò chui cả vào lòng ấm, vào miệng vòi mà làm tổ. Tôi chỉ dùng một chiếc Tokoname Nhật Bản, đơn giản vì nó tiện: mỏng nhưng đanh, miệng rộng dễ thay trà; cán dài, rót theo kiểu nghiêng sang bên vừa thuận tay, vừa thông dòng bén giọt, màu sắc lại tươi tắn...

Nhiều năm nay, tôi đã không còn trói mình trong những “thủ tục” và sự câu thúc nữa. Cho phép bản thân “lười biếng”, thả mình trong một đời sống giản đơn, từ ăn uống đến sinh hoạt thường nhật. Xét đến cùng, mọi “giới luật” và oai nghi là để đưa con người đến được với tự do, chứ không phải để xiềng xích và giam cầm nó.

Có thể nói không quá rằng, tôi từng trải qua một giai đoạn “trà đạo”, “trà thiền” tới mức nghiêm mật và rất “đúng bài”. Đó là một trải nghiệm đẹp, sâu lắng, sẽ còn đọng mãi trong nội tâm mình. Nhưng tôi đã chọn bước ra, để sống một đời sống khác, thoải mái hơn, tự do hơn, nhẹ nhàng hơn.

Đó chỉ là cái đời sống cá nhân của chính tôi. Mỗi người hãy cứ giữ lấy lối sống nào đã làm cho mình thấy cuộc đời đẹp nhất, ý nghĩa nhất, ngay cả khi nó kỳ dị và lập dị đến đâu đi chăng nữa. Như theo đuổi trà chẳng hạn, cũng là một lựa chọn thú vị. Riêng tôi, xin “giã từ vũ khí”.

Tôi thích tinh thần Tây phương, như Thoreau của Mỹ. Ông bỏ vào rừng, ngâm mình trong hồ Walden, chìm đắm vào ánh bình minh, đếm từng bước chân trên con đường cô độc... Tôi nghĩ, có một nước Mỹ khác mà nhiều người chưa biết, đó là nước Mỹ của Thoreau, ở đó có một góc đời sống thẳm sâu không thua kém gì Đông phương với những Thiền, những Đạo. Nhưng Thoreau đã không chọn cách cưỡi trâu đi vào trong núi sâu và biến mất vô tăm tích như Lão tử. Sau khi đã im lặng để cho “chim làm tổ trên đầu”, Thoreau trở ra như một luồng ánh sáng dữ dội có thể xuyên qua mọi bóng đen, viết “Bất tuân dân sự” trứ danh, bên cạnh “Một mình sống trong rừng” đã trở thành kinh điển. Có một Dionysus say mê, cuồng nộ, đắm đuối với đời sống bên cạnh một Apollo lý tính và mẫu mực và đầy ánh sáng.

Ranh giới giữa cao cả và thấp thỏi đôi khi rất mong manh, khó phân định; sang và hèn, lớn và nhỏ, sâu và cạn, tĩnh và động, thiêng và tục... cũng thế, mong manh như áo mỏng.

“Lấy niềm vui làm mục đích sống”, đó là quan niệm của tôi. Một niềm vui mang đến từ sự gắn kết với mọi người, với thiên nhiên và đời sống này; một niềm vui sinh khởi từ sự tự chủ nội tâm, để biết hỉ nộ ái ố rất người mà không đánh mất mình trong những sai sử của mê lầm đắm nhiễm; không tự lừa mình trong những tín điều du dương mà êm tai tự phụ...

THÁI HẠO

Tin khác

Quả sấu tròn

Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 10/07/2025
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/07/2025
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 30/06/2025
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 20/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 19/06/2025
Cây liễu trước gió thôn tôi

Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/06/2025
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/06/2025
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/06/2025
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/05/2025