Làm nông

Làm nông 'trọn gói' với hợp tác xã: 'Kết duyên nhanh, bén rễ sâu' với lúa hữu cơ

Vũ Đình Thung - Thứ Ba, 20/08/2024 , 14:20 (GMT+7)

Qua 5 năm sản xuất lúa hữu cơ, hiện nông dân trong Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín đã thuần thục phương pháp canh tác khác biệt này nhờ được ‘cầm tay chỉ việc’.

Từ bỏ kiểu canh tác truyền thống

Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) là 1 trong những đơn vị hoạt động có hiệu quả trong hệ thống hợp tác xã ở Bình Định. Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín đang hoạt động 10 loại hình dịch vụ, gồm: Sản xuất gạo hữu cơ; cung ứng vật tư nông nghiệp; thủy nông nội đồng; liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống; sơ chế, tiêu thụ gạo; thu gom rác thải sinh hoạt; cung cấp nước sinh hoạt cho dân; mua bán xăng dầu; quản lý điện nông thôn và sản xuất gạch ngói.

Trong đó, nổi trội nhất là hoạt động sản xuất lúa hữu cơ. Hiện nay, gạo hữu cơ Ân Tín được người tiêu dùng trong huyện Hoài Ân tiêu thụ mạnh với giá 30.000 đồng/kg, về đến thành phố Quy Nhơn sẽ có giá thấp nhất là 32.000 đồng/kg.

Theo Giám đốc Bùi Long Xuân, từ năm 2019,  đơn vị này đã khởi động gieo sạ thí điểm lúa hữu cơ. Từ đó đến nay, hợp tác xã luôn duy trì mỗi năm canh tác 5,5ha lúa hữu cơ/2 vụ, chủ yếu với giống Đài Thơm 8. “Sản xuất lúa hữu cơ nông dân phải từ bỏ tập quán canh tác xưa cũ, bởi lúa hữu cơ đòi hỏi phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt”, ông Bùi Long Xuân chia sẻ.

Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín gieo mạ trên khay để sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Xuân, gieo sạ lúa thông thường thì đơn giản, chỉ ngâm giống rồi gieo sạ. Còn sản xuất lúa hữu cơ thì sau khi ngâm giống phải gieo mạ trên khay. Đất gieo mạ phải 70% là đất và 30% là mùn cưa, đất phải được xử lý bằng nấm đối kháng Trichoderma để diệt mầm bệnh 1 tháng trước khi gieo mạ. Sau khi giống được ngâm nảy mầm sẽ đưa lên giá thể phơi nắng 1 ngày rồi mới gieo mạ trên khay. Những khay giống được đưa vào nhà lưới, tưới nước thường xuyên giữ ẩm từ 15 - 20 ngày mới đưa ra ruộng cấy bằng máy.

Theo ông Nguyễn Văn Xuân, cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín, chăm sóc lúa hữu cơ cũng khác biệt so với chăm sóc lúa được canh tác theo truyền thống. Nếu cây lúa bị sâu bệnh tấn công, nông dân chỉ được sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ, chứ không được dùng các loại thuốc BVTV hóa học.

Nếu ruộng phát sinh cỏ, nông dân phải nhổ bằng tay chứ không được sử dụng thuốc hóa học. Ruộng có ốc bươu vàng nông dân cũng phải lặn lội bắt bằng tay từng con, nói chung là trên đồng lúa hữu cơ không được sử dụng bất cứ một loại thuốc BVTV hóa học nào. Phân bón lúa cũng là phân hữu cơ như phân bò, phân gà.

“Một khác biệt nữa là vùng ruộng sản xuất lúa hữu cơ phải cách xa ruộng sản xuất thông thường của bà con. Nước tưới cũng phải chọn nguồn nước đầu nguồn, không đi qua vùng ruộng sản xuất thông thường để lúa hữu cơ không bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV hóa học của những thửa ruộng xung quanh”, ông Nguyễn Văn Xuân chia sẻ.

Chăm sóc lúa hữu cơ khác biệt so với chăm sóc lúa theo phương pháp canh tác truyền thống. Ảnh: V.Đ.T.

Cầm tay chỉ việc

Xưa nay, nông dân Ân Tín cứ theo thói quen canh tác lúa theo kiểu truyền thống, muốn họ tuân thủ theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ, trước tiên, Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín phải soạn quy trình sản xuất, sau đó phổ biến đến nông dân thông qua hội thảo, tập huấn.

Không chỉ vậy, cán bộ kỹ thuật hợp tác xã còn phải hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân theo kiểu “cầm tay chỉ việc” tại thực tế đồng ruộng. Ngoài ra, cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi hoạt động sản xuất từng khâu để điều chỉnh dần dần giúp nông dân từ bỏ thói quen canh tác cũ, tiếp thu phương thức canh tác mới.

“Qua 10 vụ sản xuất, hiện nay nông dân đã nắm chắc quy trình sản xuất lúa hữu cơ, cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã không còn phải nhắc nhở thường xuyên về quy trình mà họ vẫn thực hiện đúng, đủ”, ông Bùi Long Xuân chia sẻ.

Hiện nay, mỗi năm Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín cung ứng ra thị trường 13 tấn gạo hữu cơ mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Ân Tín”. Không chỉ vậy, trong quá trình hoạt động, hợp tác xã còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tuân thủ phương thức tưới tiết kiệm để thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Ông Trần Văn Long, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín, người tham gia sản xuất lúa hữu cơ suốt 5 năm nay, cho biết: “Sản xuất gạo hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải thông qua việc giảm sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, phân bón vô cơ và điều tiết nước hợp lý. Hơn nữa, gạo hữu cơ có giá cao hơn gạo thông thường khá nhiều, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân”.

Hiện nay, gạo hữu cơ Ân Tín được người tiêu dùng trong huyện Hoài Ân tiêu thụ mạnh với giá 30.000 đồng/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, hiện nay, trên địa bàn huyện này đã có 17ha ruộng sản xuất theo hướng hữu cơ với 7 hợp tác xã nông nghiệp tham gia; trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín là đơn vị tiên phong. Việc tăng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn nằm trong kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Hoài Ân giai đoạn 2021 - 2025.

Trong năm 2023, huyện Hoài Ân thực hiện cấp mã số vùng cho nhiều diện tích lúa hữu cơ để phục vụ tiêu thụ thị trường nội địa; đồng thời đăng ký xây dựng nhãn hiệu “Gạo hữu cơ” Hoài Ân. Ngành chức năng địa phương này cũng đã xây dựng chuỗi liên kết để tạo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại kêu gọi đầu tư.

“Ngành chức năng huyện Hoài Ân đang nỗ lực tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ của Hoài Ân thông qua kênh tiêu thụ của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân, một đơn vị chuyên liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân và tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử của tỉnh”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay.       

Vũ Đình Thung
Tin khác
Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp
Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp

Nhiều quốc gia châu Phi đồng thuận trong việc xem OCOP là giải pháp khả thi giúp khắc phục các thách thức trong sản xuất, từ đó mở rộng chuỗi giá trị bền vững.

Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam
Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Việt Nam cam kết đồng hành cùng các quốc gia châu Phi, châu Á phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

FAO giới thiệu phương pháp đổi mới '5 tăng - 5 giảm - 3 tối ưu'
FAO giới thiệu phương pháp đổi mới '5 tăng - 5 giảm - 3 tối ưu'

FAO nâng cao năng lực chuyển đổi số thông qua các sáng kiến cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu cho mục tiêu sản xuất bền vững, tiêu dùng hiệu quả.

Việt Nam là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp châu Á - châu Phi
Việt Nam là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp châu Á - châu Phi

Theo Trưởng Đại diện các khu vực của FAO, Diễn đàn cấp cao OCOP là dịp để các quốc gia châu Á, châu Phi trao đổi kinh nghiệm, nâng giá trị sản vật địa phương.

FAO hiện đại hóa nghề nuôi ong tại Rwanda và Việt Nam qua sáng kiến OCOP
FAO hiện đại hóa nghề nuôi ong tại Rwanda và Việt Nam qua sáng kiến OCOP

Sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế) đang hỗ trợ sinh kế cho nghề nuôi ong lấy mật Rwanda và Việt Nam.

Thay đổi tên, địa chỉ từ ngày 1/7, doanh nghiệp cần làm gì với Lệnh 248?
Thay đổi tên, địa chỉ từ ngày 1/7, doanh nghiệp cần làm gì với Lệnh 248?

Việc thay đổi tên, địa chỉ... do mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 1/7 khiến doanh nghiệp lúng túng trong cập nhật thông tin theo Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS giải đáp vấn đề này.

Các hiệp hội nông sản Mỹ chọn Việt Nam làm thị trường chiến lược
Các hiệp hội nông sản Mỹ chọn Việt Nam làm thị trường chiến lược

Với nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp, hiệp hội Hoa Kỳ muốn củng cố vị thế ở Đông Nam Á.

Lô gạo phát thải thấp đầu tiên ‘xuất ngoại’ có giá 820 USD/tấn
Lô gạo phát thải thấp đầu tiên ‘xuất ngoại’ có giá 820 USD/tấn

500 tấn gạo phát thải thấp được Công ty Trung An xuất sang Nhật Bản có giá 820 USD/tấn. Đây là mức giá tốt, giúp nông dân có động lực đẩy mạnh sản xuất.

Sơn La có chính sách thông thoáng cho cây mắc ca
Sơn La có chính sách thông thoáng cho cây mắc ca

Sơn La định hướng dành quỹ đất khoảng 16.000 ha cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển cây mắc ca.

Nông sản Việt Nam trưng bày miễn phí ở chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh
Nông sản Việt Nam trưng bày miễn phí ở chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh

Một gian hàng miễn phí trong hai năm tại chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh sẽ được dành cho nông sản Việt Nam.

Thái Bình: Mở cửa tiến ra biển, kết nối để bứt phá
Thái Bình: Mở cửa tiến ra biển, kết nối để bứt phá

Thái Bình được định vị là một "cửa ngõ ra biển mới" và một cực tăng trưởng đầy hứa hẹn.

Kết nối, giới thiệu công nghệ nông nghiệp Israel tới Việt Nam
Kết nối, giới thiệu công nghệ nông nghiệp Israel tới Việt Nam

Đại sứ Lý Đức Trung kỳ vọng Israel sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu và cùng chia sẻ lợi ích chung.