DG SANTE nêu điều kiện để Việt Nam xuất khẩu phở bò sang EU

Bảo Thắng - Thứ Bảy, 11/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

Những sản phẩm tổng hợp như phở bò chịu sự điều chỉnh của quy định mới (EC) 2022/2292, đòi hỏi công khai, minh bạch nhiều thông tin về xuất xứ, cơ sở chế biến.

Buổi làm việc giữa DG SANTE và các cơ quan quản lý của Việt Nam, với đầu mối là Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ câu chuyện phở bò

Phở là món ăn truyền thống của Việt Nam được đông đảo bạn bè quốc tế yêu thích. Từ nhiều năm nay, phở đóng gói dạng khô đã được xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, so với việc thưởng thức trực tiếp, phở đóng gói chưa mang lại được độ tươi, ngon, đúng hương vị.

Đặc biệt quan tâm đến món phở bò, ông Renzo Moro, chuyên gia vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật Đại sứ quán Italia đặt câu hỏi, rằng khi nào bạn bè của ông tại châu Âu có thể thưởng thức một bát phở mang hương vị Việt Nam, với đầy đủ thịt bò, gia vị. Bởi từ ngày 15/12/2022, Quy định (EC) 2022/2292 có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định mới về sản phẩm tổng hợp (ComP), mà phở bò là một trong những đối tượng phải chịu kiểm soát.

"Trước khi có Quy định (EC) 2022/2292, những sản phẩm như phở bò Việt Nam phân chia theo tỷ lệ sản phẩm có nguồn gốc động vật (PPAO). Tuy nhiên, điều này đã thay đổi", ông Moro nêu vấn đề.

Những quy định liên quan tới vệ sinh, an toàn thực phẩm tại EU do Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban Châu Âu (DG SANTE) trực tiếp tham mưu và ban hành. Đây cũng là cơ quan đưa ra những đánh giá, cũng như thực hiện các biện pháp giám sát nhằm đảm bảo thực phẩm tại châu Âu bền vững và an toàn.

Bà Sylvie Coulon, chuyên gia cao cấp của DG SANTE thông tin, trong quy định mới (EC) 2022/2292 về sản phẩm ComP, bất kỳ nguồn thực phẩm nào chỉ cần chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật đều phải chịu điều chỉnh, do nguy cơ gia tăng dịch bệnh từ sản phẩm có nguồn gốc động vật.

EU phân biệt sản phẩm tổng hợp (ComP) và sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật (PPAO) như sau: Sản phẩm ComP là thực phẩm có chứa cả sản phẩm có nguồn gốc thực vật và sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật.

Trong đó, sản phẩm không có nguồn gốc thực vật, hoặc có nhưng không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm có nguồn gốc động vật, hoặc sản phẩm có nguồn gốc động vật nhưng chưa qua chế biến thì đều không được coi là sản phẩm ComP. 

Bà Sylvie Coulon, chuyên gia cao cấp của DG SANTE. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngoài phở bò Việt Nam, bà Coulon lấy ví dụ về cá hồi tươi xiên, gà tươi xiên tiêu, sushi. Tất cả đều không được coi là sản phẩm ComP.

"Muốn biết một sản phẩm có được xếp là sản phẩm ComP hay không, chúng ta cần lần lượt trả lời 4 câu hỏi. Sản phẩm có nguồn gốc động vật không? Thành phần có nguồn gốc động vật đã qua chế biến chưa? Sản phẩm có nguồn gốc thực vật không? Thành phần có nguồn gốc thực vật có thay đổi đặc tính của thành phần có nguồn gốc động vật không", bà chia sẻ.

Với sản phẩm tổng hợp, Quy định (EC) 2022/2292 lại chia thành 3 cấp độ. Theo mức độ rủi ro từ thấp đến cao là: Sản phẩm chỉ chứa thịt đã chế biến và có thời gian bảo quản dài; Sản phẩm chứa thịt đã chế biến và sữa non; Sản phẩm chứa thịt, thủy sản đã chế biến, sữa hoặc có nguồn gốc từ trứng.

Quay trở lại với câu chuyện phở bò, hiện Việt Nam mới đáp ứng được các tiêu chuẩn theo Quy định (EC) 853/2004, trong đó giới hạn thành phần chỉ bao gồm thịt đã qua chế biến và không bao gồm các thành phần khác. Do đó, trong điều kiện hiện tại Việt Nam chưa thể xuất khẩu phở bò truyền thống sang châu Âu.

Không đồn đoán, cần hiểu chắc, nắm rõ quy định

"Làm thế nào để các bạn có thể xuất khẩu được phở bò?", bà Coulon tiếp tục nêu ra câu hỏi. Theo đại diện DG SANTE, nhờ việc đã ban hành và có kế hoạch, quy trình giám sát tốt các sản phẩm thủy sản, mật ong nên Việt Nam được EU xếp vào Danh mục 405, nghĩa là cho phép xuất khẩu những sản phẩm ComP vào khối này.

Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm gì, nguồn nguyên liệu lấy từ đâu và cơ sở chế biến cần đảm bảo những tiêu chuẩn gì hiện là vấn đề.

Phở là món ăn truyền thống của Việt Nam, được đông đảo bạn bè quốc tế yêu thích. Ảnh: TL.

Quy định (EC) 2022/2292 chỉ ra nhiều quy định mà một thực phẩm được nhập khẩu vào EU cần tuân thủ. Cụ thể, mọi nguyên liệu có nguồn gốc động vật trong thành phần của sản phẩm ComP đều phải được chế biến từ những cơ sở được EU phê duyệt và đặt tại các quốc gia được phép xuất khẩu sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật vào EU.

Về cơ sở chế biến, nếu đã được EU phê duyệt theo các quy định trước đó về chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (PPAO) và không có công đoạn chế biến thêm, hoặc chỉ xử lý thêm thành phần PPAO như một phần của quy trình cuối cùng (chẳng hạn nấu bánh làm từ trứng), thì chỉ việc đăng ký trên hệ thống.

Nếu quy trình xử lý thành phần PPAO độc lập với quy trình xử lý sản phẩm tổng hợp (ComP) cuối cùng, chẳng hạn chế biến sữa thành sữa bột để làm kem, hoặc chế biến các sản phẩm PPAO chưa qua chế biến, cơ sở phải nộp hồ sơ và chờ EU thẩm định, phê duyệt.

Trên bình diện quốc gia, các nước được EU chia thành từng phụ lục, trong đó quy định rõ nước nào được phép xuất khẩu những sản phẩm gì sang EU. Ví dụ, Việt Nam nằm trong Danh mục 405 thì được phép xuất khẩu thủy sản, thịt đã qua chế biến vào EU, nhưng không được xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ trứng.

Ngược lại, Thái Lan vừa trong Danh mục 405, vừa trong Danh mục 404, nên được phép xuất khẩu những sản phẩm như của Việt Nam, cộng thêm sản phẩm ComP có thành phần làm từ trứng.

"Muốn xuất khẩu sản phẩm ComP vào EU, doanh nghiệp phải hội tụ đủ 3 yếu tố nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, cơ sở được EU chứng nhận và nằm trong quốc gia được phép xuất khẩu sản phẩm đó. Chỉ cần một yếu tố không đạt, chẳng hạn doanh nghiệp không thuộc danh mục quốc gia được phép xuất khẩu, thì kể cả nhập khẩu nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cũng không được phép đưa hàng vào EU", bà Coulon nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cơ quan đồng chủ trì hội nghị với DG SANTE. Ảnh: Bảo Thắng.

Thông qua Hội nghị “Phổ biến các quy định nhập khẩu nông sản thực phẩm nguồn gốc động thực vật vào thị trường EU” mà DG SANTE phối hợp đồng tổ chức với Văn phòng SPS Việt Nam, phái đoàn EU khuyến nghị doanh nghiệp, trước khi định sản xuất sản phẩm tổng hợp để xuất khẩu vào EU, cần kiểm tra và chắc chắn mọi quy định, điều kiện có tuân thủ đúng hay không. 

“Các bạn không nên đồn đoán mà cần tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn để nắm chắc các quy định. Nếu cần, có thể liên hệ DG SANTE để tránh tình trạng hàng hóa bị trả lại hoặc tiêu hủy ở cửa khẩu”, đại diện DG SANTE đưa ra lời khuyên tới hơn 300 điểm cầu kết nối trực tuyến, là các Sở NN-PTNT, Sở Công thương, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng liên quan.

Cũng theo bà Coulon, những quy định mới về sản phẩm ComP được nhiều quốc gia quan tâm, bởi đây là nhóm có giá trị cao, có thể quảng bá thương hiệu, hình ảnh một quốc gia. Nhưng do tính phức tạp của (EC) 2022/2292 nên EU cam kết hỗ trợ mọi quốc gia thành viên WTO trong việc triển khai.

Minh bạch hơn nữa thông tin

Với những "cường quốc" xuất khẩu nông sản, thực phẩm như Việt Nam, chuyên gia Sylvie Coulon cho rằng cần minh bạch hơn nữa thông tin liên quan tới đánh giá và biện pháp xử lý, giảm thiểu rủi ro sản phẩm có nguồn gốc động vật.

3 nhóm sản phẩm tổng hợp (ComP), được EU chia theo mức độ rủi ro, được khối này đã quy định chi tiết tại Phụ lục III và V của Quy định (EU) 2020/2235. 

Nhìn chung, các sản phẩm ComP được kiểm soát chặt chẽ theo quy định tại cửa khẩu, để hạn chế dịch bệnh. Tùy từng sản phẩm và quốc gia xuất khẩu, EU sẽ yêu cầu các thủ tục đi kèm, chẳng hạn giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Phái đoàn EU trong buổi phổ biến quy định tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại buổi họp, bà Coulon đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm xuất khẩu sang EU, đặc biệt là sản phẩm mì ăn liền. Đây là cơ sở để EU xem xét, biểu quyết và quyết định tăng hoặc giảm tần suất hoặc đưa ra khỏi danh sách kiểm soát khẩn cấp. 

Căn cứ vào việc tuân thủ tốt những quy định của EU đối với sản phẩm mì ăn liền, phía EU dự kiến đưa sản phẩm này ra khỏi danh sách tại Phụ lục I được cập nhật vào tháng 7 tới. Nếu không có gì thay đổi, DG SANTE sẽ đề xuất việc mì ăn liền Việt Nam sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu 20% khi nhập khẩu vào EU.

Đại diện DG SANTE cũng cho rằng, tín hiệu lạc quan từ mì ăn liền nói riêng, và các sản phẩm bún, miến, phở... đóng gói nói chung là tiền đề để một ngày không xa, người dân châu Âu được thưởng thức phở bò truyền thống của Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của quốc gia nhập khẩu là điều kiện bắt buộc để nông sản, thực phẩm Việt Nam đi xa hơn trên trường quốc tế.

"Những khuyến cáo và đánh giá của DG SANTE là hết sức quan trọng. Hy vọng, với sự phối hợp chặt chẽ từ phía bạn, nông sản, thực phẩm Việt ngày càng chất lượng và minh bạch thông tin, góp phần đưa Việt Nam trở thành bếp ăn thế giới", ông Hòa chia sẻ.

Bảo Thắng
Tin khác
Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp
Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp

Nhiều quốc gia châu Phi đồng thuận trong việc xem OCOP là giải pháp khả thi giúp khắc phục các thách thức trong sản xuất, từ đó mở rộng chuỗi giá trị bền vững.

Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam
Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Việt Nam cam kết đồng hành cùng các quốc gia châu Phi, châu Á phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

FAO giới thiệu phương pháp đổi mới '5 tăng - 5 giảm - 3 tối ưu'
FAO giới thiệu phương pháp đổi mới '5 tăng - 5 giảm - 3 tối ưu'

FAO nâng cao năng lực chuyển đổi số thông qua các sáng kiến cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu cho mục tiêu sản xuất bền vững, tiêu dùng hiệu quả.

Việt Nam là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp châu Á - châu Phi
Việt Nam là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp châu Á - châu Phi

Theo Trưởng Đại diện các khu vực của FAO, Diễn đàn cấp cao OCOP là dịp để các quốc gia châu Á, châu Phi trao đổi kinh nghiệm, nâng giá trị sản vật địa phương.

FAO hiện đại hóa nghề nuôi ong tại Rwanda và Việt Nam qua sáng kiến OCOP
FAO hiện đại hóa nghề nuôi ong tại Rwanda và Việt Nam qua sáng kiến OCOP

Sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế) đang hỗ trợ sinh kế cho nghề nuôi ong lấy mật Rwanda và Việt Nam.

Thay đổi tên, địa chỉ từ ngày 1/7, doanh nghiệp cần làm gì với Lệnh 248?
Thay đổi tên, địa chỉ từ ngày 1/7, doanh nghiệp cần làm gì với Lệnh 248?

Việc thay đổi tên, địa chỉ... do mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 1/7 khiến doanh nghiệp lúng túng trong cập nhật thông tin theo Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS giải đáp vấn đề này.

Các hiệp hội nông sản Mỹ chọn Việt Nam làm thị trường chiến lược
Các hiệp hội nông sản Mỹ chọn Việt Nam làm thị trường chiến lược

Với nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp, hiệp hội Hoa Kỳ muốn củng cố vị thế ở Đông Nam Á.

Lô gạo phát thải thấp đầu tiên ‘xuất ngoại’ có giá 820 USD/tấn
Lô gạo phát thải thấp đầu tiên ‘xuất ngoại’ có giá 820 USD/tấn

500 tấn gạo phát thải thấp được Công ty Trung An xuất sang Nhật Bản có giá 820 USD/tấn. Đây là mức giá tốt, giúp nông dân có động lực đẩy mạnh sản xuất.

Sơn La có chính sách thông thoáng cho cây mắc ca
Sơn La có chính sách thông thoáng cho cây mắc ca

Sơn La định hướng dành quỹ đất khoảng 16.000 ha cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển cây mắc ca.

Nông sản Việt Nam trưng bày miễn phí ở chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh
Nông sản Việt Nam trưng bày miễn phí ở chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh

Một gian hàng miễn phí trong hai năm tại chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh sẽ được dành cho nông sản Việt Nam.

Thái Bình: Mở cửa tiến ra biển, kết nối để bứt phá
Thái Bình: Mở cửa tiến ra biển, kết nối để bứt phá

Thái Bình được định vị là một "cửa ngõ ra biển mới" và một cực tăng trưởng đầy hứa hẹn.

Kết nối, giới thiệu công nghệ nông nghiệp Israel tới Việt Nam
Kết nối, giới thiệu công nghệ nông nghiệp Israel tới Việt Nam

Đại sứ Lý Đức Trung kỳ vọng Israel sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu và cùng chia sẻ lợi ích chung.