Hội thảo được Mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền phối hợp cùng Viện Y Dược Việt, với sự hỗ trợ của Công ty Không vì lợi nhuận Choice tổ chức, nhằm mục tiêu tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững trong y học cổ truyền mà không gây tổn hại đến động vật hoang dã và hệ sinh thái.

Quang cảnh buổi hội thảo “Y học cổ truyền và Bảo tồn Động vật hoang dã - Hướng đi từ Dược liệu thay thế”. Ảnh: Thục Vy.
Theo ban tổ chức, từ lâu các thành phần có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD) đã được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh lý trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm này ngày càng tăng, điều này đang đẩy nhiều loài ĐVHD đến nguy cơ tuyệt chủng.
Số liệu về tình trạng tuyệt chủng của các loài ĐVHD hay được sử dụng trong y học cổ truyền cho thấy, hơn 1 triệu cá thể tê tê bị giết hại trong giai đoạn năm 2000 - 2014 (TRAFFIC). Tất cả 8 loài tê tê trên thế giới hiện nay đều đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng (IUCN). Tại châu Á, số lượng tê tê đã giảm hơn 80% trong 20 năm qua do bị săn bắt để lấy vảy và thịt. (IUCN)
Đối với hổ, diện tích phân bố của loài này đã bị thu hẹp đến 93% chỉ trong 1 thế kỷ (IUCN). Theo ước tính, có khoảng 7000 - 8000 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở trên khắp châu Á (TRAFFIC). Tính đến tháng 11/2021, chỉ còn khoảng 3900 cá thể hổ hoang dã trên toàn thế giới, sụt giảm đáng kể so với 100.000 cá thể một thế kỷ trước (WWF).
Tình hình cũng không khá hơn đối với loài tê giác khi Sách Đỏ IUCN xếp 3 trong 5 loài tê giác còn lại (tê giác đen, tê giác Sumatra và tê giác Java) vào diện loài cực kỳ nguy cấp (IUCN). Từ đầu thế kỷ 20, số lượng tê giác hoang dã trên toàn cầu đã giảm mạnh từ 500.000 cá thể xuống còn chưa tới 28.000 con (IRF).
Tương tự, hơn 12.000 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong các trang trại lấy mật ở châu Á (WAP, 2018). Tính đến tháng 8/2024, vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân tại Hà Nội (ENV)…

PGS - TS. Nguyễn Phương Dung, Viện trưởng Viện Y Dược Việt chia sẻ về tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐCHD. Ảnh: Thục Vy.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Phương Dung, Viện trưởng Viện Y Dược Việt cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD cao. Nguyên nhân do tâm lý sính hàng quý hiếm, tin vào công dụng chữa bệnh; thiếu nhận thức về nguy cơ pháp lý và sức khỏe; lợi nhuận cao từ việc săn bắt, buôn bán ĐVHD.
“Thực tế, công dụng chữa bệnh được chế biến từ ĐVHD như: tê tê, hổ, tê giác, gấu chưa thấy đâu, nhưng đã tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các loài này. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, các loài ĐVHD mang trong mình nhiều mầm bệnh nguy hiểm, có thể lây nhiễm sang con người. Việc sử dụng thịt ĐVHD hoặc nuôi nhốt chúng có thể làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người”, bà Phương Dung chia sẻ.
Theo bà Phương Dung, để ngăn chặn hành vi tận diệt và săn lùng các loài ĐVHD làm thức ăn và làm thuốc, cần tăng cường việc thực thi pháp luật; khuyến khích sử dụng các nguyên liệu thảo dược thay thế cho các sản phẩm từ động vật; giúp người dân phát triển các mô hình nông nghiệp và chăn nuôi bền vững để giảm phụ thuộc vào việc săn bắt ĐVHD…

BS Đoàn Văn Minh, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thục Vy.
Đồng quan điểm, BS Đoàn Văn Minh - Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế chia sẻ, cùng với việc tham gia Mạng lưới bảo vệ ĐVHD trong y học cổ truyền, chúng tôi định hướng trong năm 2025 sẽ xây dựng chương trình giảng dạy y khoa liên tục, bao gồm ít nhất 4 chuyên đề đào tạo chuyên môn về bảo vệ ĐVHD trong y học cổ truyền, 12 tiết học. Bên cạnh đó, sẽ phát triển tài liệu giảng dạy và tài liệu tham khảo liên quan dành cho khóa đào tạo y khoa liên tục đối với các lương y, y sĩ và bác sĩ y học cổ truyền; cung cấp tài liệu về hướng dẫn sử dụng các loại thuốc thay thế ĐVHD trong điều trị bệnh.
ThS - KS. Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm TP Huế nhấn mạnh: “Việc tiêu thụ ĐVHD trái phép không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là mối đe dọa âm thầm đối với sức khỏe cộng đồng. Các loài động vật này có thể mang theo những mầm bệnh nguy hiểm, góp phần tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống của con người. Vì vậy, cần có những biện pháp mạnh để ngừng ngay hành vi này và bảo vệ sức khỏe toàn xã hội”.

ThS - KS. Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm TP Huế nhấn mạnh về việc vi phạm pháp luật mối đe dọa âm thầm đối với sức khỏe cộng đồng của việc tiêu thụ trái phép ĐVHD. Ảnh: Thục Vy.
Các diễn giả là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y học cổ truyền, đại diện cơ quan ban ngành, công ty cũng thảo luận về giải pháp thay thế dược liệu có nguồn gốc từ ĐVHD, hướng tới một nền y học bền vững, nhân văn và phù hợp hơn với xu thế hiện tại.