
Sầu riêng Việt Nam đối mặt thách thức trước ngày tái ký Nghị định thư
Ngành sầu riêng nước ta đang đối mặt với sức ép lớn khi Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ hết hiệu lực vào tháng 7 tới.
Bảo Thắng | 18:38 13/05/2025
Sầu riêng Việt Nam đối mặt thách thức trước ngày tái ký nghị định thư
Thưa quý vị, khoảng hai tháng nữa, nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc – ký vào tháng 7/2022 – sẽ hết hiệu lực. Trong bối cảnh chuẩn bị tái ký, ngành sầu riêng nước ta đang chịu sức ép lớn khi nước bạn nâng cao hàng loạt yêu cầu kiểm dịch, báo hiệu một giai đoạn siết chặt hơn, khắt khe hơn trong quản lý chất lượng.
Vào năm ngoái, sầu riêng là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt hơn 3,2 tỷ USD, chủ yếu nhờ thị trường Trung Quốc – nơi tiêu thụ tới 90% sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, bước sang đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này bắt đầu chững lại. Giá tại vườn lao dốc, thời gian thông quan kéo dài, nhiều lô hàng bị kiểm tra 100% và có nguy cơ bị trả về.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Trung Quốc vừa ban hành quy định mới, yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận không sử dụng vàng ô và cadimi – hai chất phụ gia không ăn được – trong quá trình bảo quản, đóng gói sầu riêng. Đây là bước kiểm soát chưa từng có trong nghị định thư trước đây. Những thay đổi đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp của nước ta lúng túng, bởi khâu chế biến, sơ chế hiện vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống truy xuất rõ ràng.

Quan trọng hơn, động thái này không chỉ áp dụng riêng với Việt Nam. Trước đó, Trung Quốc đã thí điểm bổ sung điều khoản phụ gia trong nghị định thư kiểm dịch mới với Campuchia, cho thấy xu hướng siết chặt an toàn thực phẩm sẽ được thể chế hóa trong các hiệp định song phương sắp tới, bao gồm cả khi tái ký với Việt Nam.
Trước nguy cơ mất thị phần, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát và cập nhật lại toàn bộ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời phối hợp doanh nghiệp chuẩn hóa chuỗi sản xuất – từ canh tác đến sơ chế – đảm bảo không sử dụng hóa chất, phụ gia trái quy định.
Bộ cũng khuyến nghị đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh để tránh phụ thuộc vào hàng tươi và giảm rủi ro từ kiểm dịch. Ngoài ra, cần có chính sách tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật cho các vùng trồng đạt chuẩn, giúp nông dân và doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu ngày càng cao từ phía Trung Quốc.
Việc tái ký nghị định thư vào tháng 7 tới sẽ không còn là thủ tục hành chính, mà là cột mốc chiến lược. Nếu không kịp thời điều chỉnh, ngành sầu riêng Việt Nam sẽ đối mặt nguy cơ tụt lại ngay trên chính thị trường đã từng bùng nổ mạnh mẽ nhất.
Sầu riêng Việt Nam đối mặt thách thức trước ngày tái ký Nghị định thư
Ngành sầu riêng nước ta đang đối mặt với sức ép lớn khi Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ hết hiệu lực vào tháng 7 tới.
Bảo Thắng
Tin liên quan
Các chương trình
3 cụm công nghiệp ở Bắc Ninh tiếp tục giám sát về môi trường; Việt Nam là một trong 30 quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới.
Tạo ‘luồng xanh’ cho tiêu thụ vải thiều; Thúc đẩy bảo tồn nguồn gen phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững; Khẩn trương khắc phục diện tích lúa đổ ngã do mưa lớn.