Arsene Wenger của Malaysia
Là một cựu cầu thủ và từng khoác áo đội tuyển Malaysia trong thập niên 80, Krishnasamy Rajagopal sớm theo nghiệp HLV ngay sau khi treo giày. Ông dẫn dắt các CLB trong nước như PKNS, Selangor và Kelantan, trước khi được LĐBĐ Malaysia (FAM) bổ nhiệm làm HLV đội U19 nước này vào năm 2004. Trong khoảng 15 năm đầu sự nghiệp, thành tích của chiến lược gia sinh năm 1956 không có gì nổi trội.
![]() |
HLV Rajagopal (hàng trên, ngoài cùng bên trái) mừng chức vô địch AFF Cup 2010 |
Bước ngoặt đến với Rajagopal vào năm năm 2009, khi đội U19 Malaysia (còn có tên là Harimau Muda) vô địch giải hạng nhì Malaysia. Vào thập niên 2000, bóng đá Malaysia ưu tiên phát triển cầu thủ trẻ cũng như sử dụng thầy nội. Sau khi thi đấu không thành công dưới sự dẫn dắt của HLV người Anh, Allan Harris và HLV người Hungary, Bertalan Bicskei, FAM chuyển hẳn sang trọng dụng các HLV bản địa. Rajagopal, vì thế, được xem là hình mẫu lý tưởng cho xứ tháp đôi Petronas phát triển bóng đá. Ông chứng tỏ được sự mát tay khi giúp các cầu thủ trẻ Harimau Muda đánh bại nhiều CLB đàn anh để vô địch. Kinh nghiệm từ thuở còn mặc quần đùi áo số cũng là một điểm cộng giúp “lão nông” này được FAM bổ nhiệm vào tháng 7/2009. Rajagopal được toàn quyền quyết định ở cả ĐTQG lẫn đội U23.
Nhiệm vụ đầu tiên của Rajagopal là SEA Games 25 diễn ra tại Lào tháng 12/2009. Malaysia, dù không được đánh giá cao, đã lần lượt đánh bại ứng viên số một Thái Lan ở bán kết, và Việt Nam ở chung kết. Đây là tấm HCV đầu tiên của Malaysia ở SEA Games sau 20 năm, và nó giúp danh tiếng của Rajagopal lên rất cao.
Dựa trên nền tảng là các cầu thủ từng dự SEA Games 25, “King Raja” tự tin bước vào AFF Cup 2010, dù đội hình mất tới 10 trụ cột vì nhiều lý do khác nhau. Tại vòng bảng, Malaysia vượt qua Thái Lan, trước khi hạ ĐKVĐ Việt Nam ở bán kết. Điểm nhấn quan trọng của Malaysia đến ở trận lượt đi, khi hàng thủ của “Những chú hổ” gồm toàn các cầu thủ dưới 23 tuổi, đã chơi tuyệt hay. Cộng với phản xạ xuất thần của người gác đền trẻ Khairul Fahmi, nay là trụ cột của đội tuyển Malaysia, thầy trò Rajagopal thắng 2-0 ở bán kết, rồi giương cao chức vô địch AFF Cup đầu tiên.
Chiến công hiển hách này biến Rajagopal thành người được hâm mộ bậc nhất Malaysia. Người ta gọi ông là “Arsene Wenger” bởi vẻ ngoài khắc khổ và tính kiệm lời mỗi khi phát biểu. Từ chỗ bị xem là giải pháp tình thế, HLV đầu bạc thành người hùng của Malaysia.
Suýt làm HLV của Việt Nam
Thành công lớn, ngay trong hai giải đấu khu vực đầu tiên, có vẻ khiến Rajagopal rơi vào tâm lý tự mãn. Sau khi bảo vệ thành công tấm HCV ở SEA Games 26, Malaysia sa sút không phanh ở AFF Cup 2012. Họ chật vật vượt qua vòng bảng, rồi thua Thái Lan ở bán kết. Vẫn là những cái tên làm nên danh tiếng cho Rajagopal như Norshahrul Talaha, Sariq Rahim, Ashari Shamsudin, Ahmad Fakri, Badrol Bakhtiar nhưng Malaysia bế tắc và thiếu ý tưởng khi chơi bóng. Điểm mạnh nhất của gã phù thuỷ đầu bạc là khả năng chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công cũng hoàn toàn biến mất.
![]() |
HLV Rajapopal hiện dẫn dắt một CLB trong nước ở Malaysia |
Tại các giải đấu cấp châu lục là vòng loại World Cup 2014 và Asian Cup 2015, Malaysia chơi tệ hại và đều bị loại sớm. Trước áp lực lớn từ dư luận, ông rời ghế HLV đội tuyển vào cuối năm 2013, sau khi thất bại trong việc giành HCV ở SEA Games 27.
Rơi vào nốt trầm sự nghiệp nhưng Rajagopal vẫn giữ nguyên sự cá tính. Năm 2014, thời điểm VFF tìm người thay HLV Hoàng Văn Phúc nắm đội tuyển, “lão nông” người Malaysia tự ứng cử. Ông được coi là ứng viên sáng giá bậc nhất, bên cạnh huyền thoại người Pháp, Marcel Desailly. Tuy nhiên, cuối cùng VFF đã bổ nhiệm Toshiya Miura.
Sau 2 năm nghỉ ngơi, Rajagopal trở lại với bóng đá khi nhận lời dẫn dắt CLB trong nước Sarawak, rồi sau đó là đội bóng cũ PKNS. Vị thuyền trưởng 62 tuổi giữ công việc đó tới tận bây giờ, dù không còn được truyền thông khu vực quan tâm nhiều như cách đây 8 năm.
Rajagopal nằm trong số ít HLV xuất thân từ khu vực Đông Nam Á đạt thành tích cao tại AFF Cup. Ông từng khuyên lãnh đạo FAM trao nhiều cơ hội hơn cho các đồng nghiệp trẻ tuổi thể hiện, và đó được xem là lý do những Dollah Salleh, Ong Kim Swee và nay là Tan Cheng Hoe dẫn dắt đội tuyển Malaysia. Nhà vô địch AFF Cup 2010 có câu nói nổi tiếng: “Các LĐBĐ cần tạo niềm tin cho HLV nội bởi trình độ của họ giờ không thua kém gì so với HLV ngoại. Điều quan trọng nhất khi dẫn dắt đội tuyển, là ai hiểu cầu thủ hơn. Về điểm này, rõ ràng HLV bản địa chiếm lợi thế rõ ràng".