Trung tâm Báo chí TP.HCM vừa phối hợp cùng Sở Du lịch TP.HCM tổ chức chuyến hành trình về nguồn tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM) cho đoàn đại biểu các cơ quan báo chí Trung ương và TP.HCM.
Chuyến đi là một trong những hoạt động trọng tâm hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 56 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2025) và tiến tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Chương trình nhằm tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ đặc công đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất đất nước; đồng thời khơi gợi niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong đội ngũ những người làm báo hôm nay.

Đoàn đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Ảnh: Hồng Phúc.
Trong không gian linh thiêng của chiến khu xưa, đoàn đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài chiến sĩ đặc công Rừng Sác, lặng lẽ dành phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Những kỷ vật, hình ảnh, mô hình tái hiện hầm trú ẩn, nhà bếp dã chiến và các trận đánh tiêu biểu tại khu di tích đã làm sống dậy một phần lịch sử hào hùng nhưng đầy mất mát, hy sinh.
Thiếu tá Ngô Đức Thịnh, cựu chiến binh Tiểu đoàn 6 - Bộ Tư lệnh Đặc công chia sẻ, Tiểu đoàn 6 vào từ năm 1971 và cùng các đơn vị tiến từ mũi Xuân Lộc vào giải phóng miền Nam trong mùa Xuân 1975. “Gặp lại nhau sau hơn 50 năm, người còn, người mất, nhưng những anh em chúng tôi vẫn bồi hồi nhớ về đồng đội đã ngã xuống nơi mặt trận miền Nam”, Thiếu tá Ngô Đức Thịnh bồi hồi nhớ lại .

Thiếu tá Ngô Đức Thịnh (ngoài cùng bên phải) cựu chiến binh Tiểu đoàn 6 - Bộ Tư lệnh Đặc công chia sẻ với phóng viên tại chuyến hành trình về nguồn. Ảnh: Hồng Phúc
Trong hành trình trở về ký ức, những người làm báo – những “chiến sĩ trên mặt trận thông tin” không giấu được niềm xúc động. Nhà báo Thành Luân, báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, mặc dù đã nhiều lần trở lại chiến khu Rừng Sác, song mỗi lần trở lại là mỗi cảm xúc đặc biệt. "Cả cha và ông của tôi đều tham gia các cuộc kháng chiến cứu nước, nên tôi cảm nhận rõ rệt được cảm xúc, niềm tự hào của thân nhân liệt sĩ, gia đình có công trong những dịp hướng tới 50 năm thống nhất đất nước. Đối với tôi, đó không chỉ là niềm tự hào về truyền thống gia đình, còn là niềm tự hào về nghề báo, những chiến sĩ trên mặt trận thông tin", nhà báo Thành Luân cho hay.
Cũng theo nhà báo Thành Luân, trong thời bình, những phóng viên, nhà báo càng phải góp phần hơn nữa vào sự tôn vinh, tri ân đối với các thế hệ đi trước, những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. "Ngay tại Khu di tích lịch sử này đã có 915 liệt sĩ đã hy sinh và đến nay vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Thân xác các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất. Chúng ta phải có trách nhiệm để lan tỏa lòng yêu nước, giáo dục niềm tự hào, giữ lửa truyền thống cho các thế hệ mai sau", nhà báo Thành Luân nhấn mạnh.

Đoàn xem phim tư liệu và nghe thuyết minh về lịch sử chiến sĩ đặc công Rừng Sác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Hồng Phúc.
Với nhà báo Vũ Trọng Thịnh (báo Tiền Phong), chuyến đi không chỉ là hành trình nghề nghiệp mà còn là sự tri ân sâu sắc. Tôi đã báo cáo cơ quan ngay khi biết tin đoàn về nguồn. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, những chiến sĩ đặc công như ở Rừng Sác đã góp phần to lớn vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Hành trình về nguồn không chỉ để ghi nhớ quá khứ mà còn là dịp bồi đắp lý tưởng, hun đúc tinh thần yêu nước và trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ làm báo hôm nay. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn và tiếp nối ngọn lửa từ những trang sử vàng của dân tộc", nhà báo Vũ Trọng Thịnh chia sẻ.
Bên cạnh chuyến đi tại Rừng Sác, trong dịp này TP.HCM cũng tổ chức nhiều đoàn về nguồn tại huyện Củ Chi với các chủ đề “Củ Chi – Đất thép thành đồng”, “Từ Mậu Thân đến mùa xuân đại thắng”... tiếp tục chuỗi hoạt động tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng hướng đến các sự kiện lớn của đất nước.