

Hằn sâu trong suy nghĩ của tôi, chiến tranh đã mang đi hết những gì tươi tốt nhất của vùng đất Rừng Sác - Cần Giờ. Vì vậy, mỗi lần nhắc đến địa danh này ngoài sự tự hào, cảm phục về những chiến công hiển hách của các chiến sỹ là sự xót xa cho những giá trị sinh thái mà chiến tranh đã tàn phá. Hiện hữu trong sự hình dung của tôi là hình ảnh Rừng Sác của sự kiệt quệ, những mái nhà xơ xác những người sống ảm đạm trên một nền chiến khu hoang tàn…
Ấy vậy mà trong một ngày hè oi ả, nhân dịp Bộ TN&MT tổ chức Chiến Làm cho thế giới sạch hơn tôi đã được đặt chân đến vùng đất này. Thật ngỡ ngàng, trước mắt tôi là một Rừng Sác yên tĩnh, ôm trọn lấy tôi, xoa dịu những căng thẳng và mệt mỏi bươn chải đời thường. Sống trong sự chật chội đến ngột ngạt của chốn thành đô tôi như vỡ òa trước thiên nhiên kỳ thú nơi đây. Trước bầu không khí trong lành không thể nào cưỡng lại, tôi nhắm mắt hít hà mùi nồng nồng của cây đước, cây mắm, mà ngỡ như đang lạc vào thiên đường xanh ngắt….
Rừng Sác - “vùng đất chết” giờ đây đã hồi sinh. Ngồi trên đầu mũi ca nô, đi giữa rừng đước mênh mông, tôi như cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những cây đước xanh đã tồn tại hàng trăm năm qua với nhiều thân cây rễ chằng chịt, cao vút, tán lá phủ xanh kín mặt sông. Khó lòng mà nghĩ được rằng khi xưa nơi đây hơn 2 vạn héc ta rừng đã bị hàng nghìn lít chất độc và hàng vạn tấn bom của giặc hủy diệt.
Cả Rừng Sác là một thảm thực vật bạt ngàn, nhưng chỉ gồm những loài cây rễ bám được vào đất bở, chịu đựng trước những thay đổi xoay chiều của trời đất: ngập nước - cạn khô - nước ngọt - nước mặn - nước chua - kiềm - nóng... Tất cả phần sinh vật sống phối hợp với phần "không sống": đất khoáng, nước - thành một hệ sinh thái ở thế quân bình luôn luôn trẻ, nhờ chuyển động nhịp nhàng với thủy triều.
Có thể nói đây là một vùng hội tụ của sông rạch, diện tích bề mặt sông rạch chiếm tới 1/4 diện tích Rừng Sác. Chim muông Rừng Sác có nhiều dạng, có giống xuất hiện theo mùa, có giống lấy nơi đây làm quê hương như: bồ nông, cò quắm, sếu diệc, ó, hải âu, ưng, vẹt, chàng bè, bìm bịp, cú quạ, hồng hộc, le le... Theo các nhà khoa học Rừng Sác là tổ hợp thảo mộc nhiệt đới rất đặc biệt gồm 60 loài. Mỗi loại cây ở Rừng Sác chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc chiến với biển, trong đó, cây đước giữ vai trò củng cố trận địa, nó giữ lại những gì cần thiết mà nước đã đem lại cho đất. Sau 43 năm phục hồi và phát triển, hệ thực vật rừng tự nhiên đã lên tới 12.000ha cùng với 20.000ha rừng trồng, Rừng Sác nói riêng cà Cần Giờ nói chung đã trở thành “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu cho TP. Sài Gòn.
Trong khu cảnh thiên nhiên tuyệt vời ấy, giữa những hàng cây mắm, đước, bần chằng chịt là pho tượng đài cao vợi giữa rừng, ghi rõ “Nơi đây, đã có 860 chiến sỹ đặc công hy sinh” như nhắc nhở những người còn sống hãy trân quý những gì cha ông đã gìn giữ.
Thế giới công nhận
Chiến khu Rừng Sác hôm nay đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân dân Nam Bộ. Hệ sinh thái đã được phục hồi với 220 loài thực vật bậc cao, trên 700 loài hệ động vật thủy sinh không xương sống; có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam… Chính những nỗ lực trong bảo vệ, phát triển, phục hồi Rừng Sác nói riêng và Cần Giờ nói chung, ngày 21/1/2000 UNESCO đã quyết định công nhận Cần Giờ là “Khu Dự trữ sinh quyển thế giới”. Ngoài ra, đây còn được đánh giá là khu du lịch trọng điểm quốc gia của Việt Nam và được bình chọn là 1 trong 5 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của chương trình “TP. HCM - 100 điều thú vị”. Nơi đây dần trở thành điểm vui chơi cuối tuần, tìm hiểu văn hóa - lịch sử hấp dẫn của TP. HCM.
Trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm và thử thách, rừng Sác - Cần Giờ đã mang một vóc dáng mới. Nhắc đến rừng Sác hôm nay, người ta không chỉ nhắc đến một rừng Sác anh hùng, một rừng Sác đau thương, một Rừng Sác huyền thoại mà thay vào đó là một Rừng Sác tươi xanh với những hoạt động du lịch của hệ sinh thái rừng ngập mặn và những hệ thống giao thông, điện lưới được đầu tư hiện đại. Đi tới đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng đước, những vuông tôm, những thửa ruộng muối trắng xóa lấp lánh dưới ánh mặt trời. Người dân từ các xã Lý Nhơn, Bình Khánh... đã dần dần thoát khỏi đói nghèo, với 97% số hộ dân đã có điện, 100% tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở... Vui nhất bây giờ là đường về Cần Giờ. Thành phố bao năm kiên trì mở thông đường bộ về tới thị trấn Cần Thạnh. Con đường bốn làn xe chạy dài giữa rừng mắm rừng đước, rừng tràm…
Có được thành quả này là nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền, công sức của hàng triệu người con Sài Gòn từ các quận, huyện trên thành phố đổ về, trong đó lực lượng thanh niên xung phong là nòng cốt, đem sức trẻ cống hiến để tái tạo lại màu xanh cho rừng. Và để giữ cho hệ sinh thái rừng không bị xâm hại, hiện nay có 142 hộ gia đình không quản khó khăn, tình nguyện sống trong vùng lõi để giữ rừng và khoanh nuôi thủy hải sản dưới tán rừng. Ban Quản lý rừng cũng tập huấn thường xuyên, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, tăng cường tần suất phối hợp tuần tra, để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Giờ đây, chính từ cánh rừng tưởng chừng đã chết đã mở hướng phát triển du lịch sinh thái cho Cần Giờ với hơn 20 dự án khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí, thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan.
Cuộc sống yên bình đang ngự trị trên vùng đất từng là chiến trường ác liệt. Hơn 3 vạn hécta rừng đã hồi sinh… Cơ hội đang mở ra cho Cần Giờ khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối với trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận.