| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 24/05/2025 - 15:26

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Kiểm soát sầu riêng từ gốc, tránh tình trạng bị trả hàng

Thứ Bảy 24/05/2025 - 15:19

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu kiểm soát chất lượng sầu riêng từ gốc, tránh tái diễn hàng loạt lô hàng bị trả về.

Sáng 24/5, trong chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã đến thăm vùng trồng sầu riêng mã số 0072 của Công ty Thiện Tâm (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc).

Nói chuyện với lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta cần siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng từ gốc, đảm bảo tiêu chuẩn ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói, tránh tình trạng bị trả hàng như thời gian qua”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy mong muốn các hợp tác xã cùng tạo ra chuỗi liên kết để sản xuất sầu riêng bền vững. Ảnh: Phạm Hoài.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy mong muốn các hợp tác xã cùng tạo ra chuỗi liên kết để sản xuất sầu riêng bền vững. Ảnh: Phạm Hoài.

Đa dạng hoá thị trường

Theo Bộ trưởng, dù ngành sầu riêng đang tăng trưởng mạnh cả về diện tích và sản lượng, song vẫn còn tình trạng một số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mã số và truy xuất nguồn gốc.

Nhiều lô hàng bị đối tác trả về đã gây thiệt hại kinh tế, làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng lớn đến thương hiệu nông sản Việt Nam. “Việc phát triển nóng khiến áp lực kiểm soát chất lượng ngày càng lớn. Do vậy chúng ta cần thay đổi từ tư duy sản xuất đến quản lý xuất khẩu”, Bộ trưởng nói.

Hiện phía Trung Quốc đã cấp thêm 829 mã số vùng trồng và 151 mã số cơ sở đóng gói cho Việt Nam, đây là một tín hiệu tích cực cho mùa vụ năm nay. Tuy nhiên, để giữ vững thị trường, Bộ đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo rà soát toàn bộ quy trình cấp mã số, đồng thời phân quyền hơn nữa cho địa phương kiểm tra, giám sát chất lượng sầu riêng từ ngày 1/7.

“Chúng tôi hỗ trợ địa phương xây dựng chính sách, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm để nâng cao trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng”, Bộ trưởng khẳng định. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ lo ngại trước thực tế 90% sản lượng sầu riêng xuất khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc nên tiềm ẩn rủi ro.

Bộ đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Đông, Nam Mỹ, đồng thời khuyến khích phát triển sản phẩm chế biến để giảm áp lực tiêu thụ quả tươi chính vụ. Liên quan đến tồn dư chất cấm như Cadimi, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với doanh nghiệp đầu tư trung tâm kiểm nghiệm.

Nguyên nhân ban đầu được xác định đến từ đất và quy trình sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng chuẩn. Quy trình sản xuất bền vững cũng đã được ban hành nhằm kiểm soát từ vùng trồng đến cửa khẩu. Bộ cũng đang phối hợp ngành công an xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm và gian lận xuất xứ. Công điện 71 của Thủ tướng yêu cầu siết chặt quy trình cấp mã số, xử lý hành vi dùng chung mã hoặc khai gian nguồn gốc.

Đồng thời, Bộ trưởng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị, giảm áp lực mùa vụ và ổn định đầu ra. Hiện hai bên Việt Nam - Trung Quốc cũng đang thống nhất quy trình kiểm định, kiểm tra chất lượng để tăng tính minh bạch trong xuất khẩu sầu riêng.

Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, ngoài nội lực của các đơn vị, cần có sự đầu tư công mang tính tập trung vào những lĩnh vực then chốt, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng. Ảnh: Phạm Hoài.

Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, ngoài nội lực của các đơn vị, cần có sự đầu tư công mang tính tập trung vào những lĩnh vực then chốt, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng. Ảnh: Phạm Hoài.

Tạo chuỗi liên kết

Theo đại diện một số doanh nghiệp có vùng trồng sầu riêng cũng như các hợp tác xã, để sầu riêng Việt Nam cạnh tranh cùng các nước và đảm bảo xuất khẩu bền vững, cần thay đổi tư duy canh tác theo hướng hữu cơ bền vững.

Trao đổi và chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tại vùng trồng sầu riêng thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắc cho rằng, để nâng cao chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm sầu riêng trên địa bàn, hợp tác xã đã triển khai việc truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử.

“Hiện nay, hợp tác xã đã thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần quét mã QR trên quả sầu riêng, Google maps sẽ dẫn đến khu vườn cụ thể, tức vị trí của nông hộ sản xuất. Mỗi tem đều gắn với mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói nhằm nâng cao uy tín, đảm bảo chất lượng và tạo độ tin cậy cho sản phẩm sầu riêng của huyện", ông Thắng nói.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng nêu một số khó khăn trong quá trình hỗ trợ nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc. “Doanh nghiệp có thể lựa chọn hộ dân nào làm tốt để đầu tư hỗ trợ, còn hợp tác xã thì không làm được như vậy. Ngoài ra, khi sầu riêng không gặp thuận lợi thì doanh nghiệp có thể từ chối mua sản phẩm đã ký kết. Nhưng hợp tác xã đã cam kết bao tiêu thì bắt buộc phải thực hiện”, ông Thắng phân tích.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ, động viên bà con nông dân cùng phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng bền vững. Ảnh: Phạm Hoài.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ, động viên bà con nông dân cùng phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng bền vững. Ảnh: Phạm Hoài.

Từ thực tế đó, ông Thắng đề xuất tỉnh và Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể cũng như chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thực chất hơn trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng. Đề xuất thành lập trung tâm kiểm nghiệm chất lượng sầu riêng tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk cho rằng, để kiểm soát tốt chất lượng sầu riêng, cần sớm thành lập các trung tâm kiểm nghiệm ngay tại địa phương có vùng trồng.

“Không nhất thiết các trung tâm kiểm nghiệm phải do nhà nước đầu tư. Có thể kêu gọi xã hội hóa, doanh nghiệp hoặc các tổ chức tham gia đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể hay cơ chế hỗ trợ rõ ràng, nên các bên chưa mạnh dạn tham gia”, ông Hà nêu thực trạng.

Về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và doanh nghiệp trong khâu sơ chế, chế biến, ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, ngoài nội lực của các đơn vị, cần có sự đầu tư công mang tính tập trung vào những lĩnh vực then chốt, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo ông Văn, hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã có nhà máy cấp đông được đưa vào vận hành để nâng cao hiệu quả chế biến, giảm sự lệ thuộc vào thị trường trái tươi. Ngoài ra, một số nhà máy chế biến quy mô lớn cũng đã được đầu tư, góp phần tạo đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Với diện tích hơn 38.800 ha, Đắk Lắk hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng. Sản lượng loại trái cây này tại tỉnh dự kiến đạt 380.000 - 400.000 tấn trong năm 2025, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar và TP Buôn Ma Thuột.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/kiem-soat-sau-rieng-tu-goc-tranh-tinh-trang-bi-tra-hang-d754809.html