Khắc phục xong hậu quả bão số 3, thủ phủ gia cầm sẵn sàng tái đàn
Thứ Năm 19/09/2024 , 13:39 (GMT+7)Dù gà chết, chuồng sập vì bão số 3 (siêu bão Yagi) nhưng người chăn nuôi ở Chí Linh, Hải Dương cơ bản khắc phục xong, sẵn sàng tái đàn cho dịp Tết sắp tới.

Bên cạnh các sản phẩm trồng trọt như lúa, cây ăn quả, rau vụ đông.. ngành nông nghiệp Hải Dương cũng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tỷ trọng chăn nuôi hiện chiếm xấp xỉ 30% giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh, trong đó TP Chí Linh là nơi có đàn gia súc, gia cầm số lượng lớn, có thể xem là "thủ phủ" chăn nuôi của Hải Dương.

Nằm trên đường đi của siêu bão Yagi vừa qua, người chăn nuôi ở Chí Linh chịu thiệt hại lớn về vật nuôi cũng như cơ sở vật chất. Nhiều chuồng, trại bị gió bão tốc mái, đổ gãy, sập khiến vật nuôi bị đè chết. Theo thống kê trên toàn tỉnh Hải Dương, bão số 3 khiến khoảng hơn 2.500 gia súc và gần 1 triệu gia cầm bị chết.

Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh, ở thôn Tân Lập, xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh có một chuồng bị sập và nhiều chuồng bị tốc mái do bão số 3 trong khi có nhiều ngàn con gà đang sắp đến kỳ xuất chuồng. Sau khi bão đi qua, xử lý hết số gà chết, bà Oanh và gia đình đã di chuyển số gà còn sống đến các chuồng còn nguyên vẹn để dọn dẹp, xử lý, khắc phục thiệt hại.

Hiện nay, ngoài việc lợp lại mái, xây lại chuồng, công tác vệ sinh, tiêu độc, thử trùng cũng được người chăn nuôi ở Chí Linh phối hợp với các cơ quan chức năng rốt ráo thực hiện. Theo bà Oanh, việc sửa chữa, vệ sinh chuồng trại càng hoàn thành sớm càng có thời gian để tái đàn, sẵn sàng cho các dịp lễ Tết vào cuối năm.

May mắn hơn nhiều hộ chăn nuôi khác trong vùng, trại gà nhà bà Oanh (ảnh) không bị chết nhiều, nhưng hư hỏng khá nặng. Để có hàng bán trong dịp cuối năm, gia đình bà đã cơ bản hoàn thành công tác vệ sinh, khử trùng chuồng trại, chuẩn bị đưa đàn gà mới về nuôi. "Gia đình tôi xác định phải hoàn thành trong vòng 10-15 ngày nữa để vào gà thì mới kịp cho Tết", chủ trại gà hơn 4.000 con chia sẻ.

Những ngày này, các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp của Hải Dương đang tích cực hỗ trợ bà con chăn nuôi của Chí Linh vệ sinh, khử trùng chuồng trại để sớm tái đàn. Theo bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, các khuyến nông viên đã và đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền địa phương chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình khôi phục sản xuất.

Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương (đội mũ) cùng khuyến nông viên đến tận khu vực chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng ở Chí Linh hướng dẫn nông dân cách khắc phục hậu quả. Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật, các cơ quan chuyên môn như Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Dương cũng hỗ trợ bà con vật tư, thuốc khử trùng để vệ sinh chuồng trại.

Bà Diệp Thị Thư, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Chí Linh cho biết, sau bão, đơn vị đã cắt cử các cán bộ đến các khu vực chịu thiệt hại để cùng người chăn nuôi khắc phục hậu quả. Hiện nay, việc khắc phục, vệ sinh đã cơ bản hoàn thành, vật nuôi còn sống cũng được cứu chữa, chăm sóc tốt. "Mục tiêu của chúng tôi là sớm xây dựng lại các vùng chăn nuôi an toàn sinh học để bà con sớm tái đàn, kịp phục vụ nhu cầu tiêu thụ cho Tết và các lễ hội tháng Giêng năm sau", bà Thư chia sẻ thêm.

Theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc khắc phục hậu quả bão lũ với đàn gia cầm được chia thành 3 giai đoạn. Đầu tiên là xử lý môi trường chăn nuôi như thu gom, xử lý rác thải, xác gia cầm sau đó dọn dẹp, vệ sinh, sửa chữa và tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, dung dịch sát khuẩn. Giai đoạn 2 là tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm bằng thức ăn, bổ sung vitamin và sau đó là tiêm vacxin phòng bệnh.

Giai đoạn 3 của quá trình khắc phục hậu quả là tái đàn và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lưu ý chỉ tái đàn sau khi chuồng trại đã được gia cố xong, trang thiết bị, dụng cụ đã đầy đủ và khu vực chăn nuôi đã đảm bảo an toàn sinh học. Về giống tái đàn, cần được mua ở những cơ sở uy tín, được tiêm phòng đầy đủ. Sau đó phải đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống cũng như duy trì công tác vệ sinh, thú y cho đàn vật nuôi.
tin liên quan

Tiểu sử quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 17/7/2025 điều động ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Hơn 1.700 người cùng nhiều phương tiện diễn tập chữa cháy, cứu hộ cứu nạn
Huế Buổi diễn tập huy động hơn 1.700 người tham gia, qua đó nâng cao nhận thức và kỹ năng về chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thăm, hỗ trợ nhà ở tại Trạm Tấu, Hạnh Phúc
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thăm, trao kinh phí xây nhà cho hộ nghèo xã Trạm Tấu, xã Hạnh Phúc (Lào Cai), hỗ trợ 20 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 1,2 tỷ đồng.

Cận cảnh dây chuyền đóng hộp giấy rau quả trị giá 4 triệu USD của Doveco
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Đồng Giao (Doveco) vừa khánh thành dây chuyền hộp giấy cho hoa quả đầu tiên tại Việt Nam, trị giá 4 triệu USD.

Danh sách Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường của 34 tỉnh, thành phố
Báo Nông nghiệp và Môi trường xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả danh sách các Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường của 34 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hãi hùng phế phẩm động vật đổ tràn lan giữa lòng thành phố Vinh
Phế phẩm động vật như đầu trâu, đầu bò, nội tạng… chất đống tại một điểm tập kết của thành phố Vinh, ruồi nhặng ken đặc cả một vùng.