



Sau sầu riêng, đâu là mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu vượt mốc tỷ USD?


Đến nay, sầu riêng là loại trái cây duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc tỷ USD. Năm 2024, mặt hàng này đã mang về khoảng 3,3 tỷ USD, theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu năm 2025, sầu riêng đã vấp phải loạt rào cản kỹ thuật từ thị trường Trung Quốc liên quan đến yêu cầu kiểm soát dư lượng Cadimi và “vàng O”. Đối với một đất nước có truyền thống và thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam, việc chỉ có một loại trái cây duy nhất vượt mốc tỷ USD là một sự trăn trở, đau đáu đối với những người có trách nhiệm và tâm huyết với ngành. Câu hỏi đặt ra là: loại trái cây nào có thể tiếp nối sầu riêng gia nhập nhóm tỷ USD? Các ngành hàng cần làm gì để đạt được mục tiêu này?
Trên bảng xếp hạng những loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam năm 2024, xếp sau sầu riêng là thanh long với 435 triệu USD và chuối với 378,1 triệu USD (theo worldstopexports.com). Nhìn sang những mặt hàng có tiềm năng khác, chúng ta còn có dứa, dừa, xoài, chanh leo – vốn là những loại trái cây có nhu cầu tiêu thụ cao trên thị trường thế giới. Các loại nông sản nói trên đều có triển vọng để không chỉ đạt mốc tỷ USD mà còn có thể đưa Việt Nam tham gia nhóm dẫn đầu ở từng ngành hàng. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có sự nhìn nhận thẳng thắn và thấu đáo về hiện trạng của chính mình trong bức tranh vừa tổng thể vừa chi tiết của ngành hàng trên quy mô toàn cầu, từ đó chỉ ra được đâu là những giá trị khác biệt mà Việt Nam có thể mang đến cho ngành hàng và người tiêu dùng, so với các quốc gia cạnh tranh.
Bài viết này phân tích về hiện trạng và giải pháp để đưa ngành chuối Cavendish sớm đạt mục tiêu tỷ USD và tham gia vào nhóm dẫn dắt ngành hàng toàn cầu. Một khi chuối thành công thì các ngành hàng khác cũng có thể thành công với công thức tương tự, qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của nông nghiệp Việt Nam.
Bức tranh ngành chuối Việt Nam - Triển vọng và dư địa tăng trưởng


Việt Nam hiện có khoảng 154.000 ha trồng chuối già Cavendish, chiếm khoảng 6,16% tổng diện tích chuối Cavendish toàn cầu với khoảng 2,5 triệu ha (FAO). Theo chuyên trang worldstopexports.com, giá trị xuất khẩu chuối của Việt Nam năm 2024 đạt 378,1 triệu USD, tương đương 2,5% tổng giá trị ngành chuối toàn cầu với 15,3 tỷ USD. Hiện Việt Nam đứng thứ chín trong danh sách các quốc gia xuất khẩu chuối trên thế giới, trong khi ba nước dẫn đầu lần lượt là Ecuador (3,9 tỷ USD, chiếm 25,2%), Philippines (1,23 tỷ USD, chiếm 8,1%) và Columbia (xấp xỉ 1,23 tỷ USD, chiếm 8%). So với năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành chuối năm 2024 của Việt Nam tăng 21,8%, xếp thứ tư trong số các quốc gia xuất khẩu chuối có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trên thế giới sau Ấn Độ, Columbia và Mexico.
Nhìn chung, giá trị ngành chuối Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, dù vẫn còn tình trạng mất cân đối về tỉ trọng diện tích canh tác và giá trị xuất khẩu so với số liệu toàn cầu (6,16% so với 2,5%). Mặc dù vậy, chính sự mất cân đối này cho thấy ngành chuối còn nhiều dư địa để tăng trưởng về mặt giá trị nếu có thể khai thác hiệu quả diện tích canh tác, kèm theo các lợi thế khác về thổ nhưỡng, vị trí địa lý, lực lượng lao động và đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Nói cách khác, Việt Nam có các “điều kiện cần” để gia tăng sản lượng, năng suất, chất lượng, giá trị và thị phần trên trị trường chuối thế giới, nơi dự kiến sẽ đạt 21,7 tỷ USD vào năm 2030 (theo Market-research.com).
Mặc dù vậy, mục tiêu vượt mốc tỷ USD (tức tăng trưởng 2,65 lần so với 2024) và trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu ngành hàng vẫn là một thử thách đầy tham vọng nếu được đặt trong một tương lai gần (trước năm 2030 chẳng hạn). Khi đó, ngoài những “điều kiện cần” nói trên, ngành chuối Việt Nam sẽ cần những “điều kiện đủ” để tiến xa và nhanh hơn. “Điều kiện đủ” ở đây chính là năng lực giải quyết được những thách thức, đồng thời, tạo ra những giá trị khác biệt hóa cho ngành hàng và người tiêu dùng trên quy mô toàn cầu.
Thách thức ngành chuối toàn cầu gọi tên dịch bệnh Panama


Để một quốc gia vươn lên dẫn đầu một ngành hàng trên quy mô toàn cầu, quốc gia đó phải chứng minh đủ năng lực giải quyết được những thách thức khó nhất – thậm chí là hiểm họa đang đe dọa toàn ngành.
Với chuối, thách thức đó mang tên bệnh héo rũ Panama, gây ra bởi Fusarium oxysporum f. sp. cubense – Tropical 4 (gọi tắt là TR4), một loại nấm trong đất mà trên thế giới hiện chưa có bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay biện pháp canh tác nào được ghi nhận là có hiệu quả, trong khi bào tử nấm bệnh có thể tồn lưu trong đất vài chục năm. Đến nay, TR4 đã lây lan khắp các quốc gia trồng chuối, bao gồm Ecuador, Philippines, Columbia, Trung Quốc, Đài Loan… Thiệt hại do TR4 gây ra cho ngành chuối toàn cầu lên đến hàng tỷ USD mỗi năm vì mất mùa, chi phí xử lý vùng trồng nhiễm bệnh và thiệt hại do tái canh không thành công.

Tại Việt Nam, TR4 đã lây lan rộng khắp các vùng trồng lớn từ Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên đến các tỉnh phía Bắc. Tình hình càng trở nên khó kiểm soát khi đa số vùng trồng chuối hiện nay có quy mô canh tác nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn giống sạch bệnh và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững.
Giữa vùng xoáy dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam lại đang sở hữu một cơ hội hiếm có để trở thành một trong những quốc gia có thể giải quyết được thách thức này có hiệu quả nhất, đến từ nỗ lực nghiên cứu và phát triển giống chuối chống chịu bệnh TR4.
Đột phá từ nghiên cứu, phát triển giống chuối chống chịu bệnh TR4


Các nghiên cứu về chọn tạo giống chuối Cavendish có khả năng chống chịu bệnh TR4 vốn không mới trên thế giới. Từ hàng chục năm trước, Viện Nghiên cứu chuối Đài Loan (TBRI) đã cho ra đời giống chuối mang tên Formosana, được xem là giống chuối Cavendish đầu tiên trên thế giới có khả năng chống chịu TR4. Từ giống chuối Formosana, các nước trồng lớn chuối như Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel... đã tiếp tục chọn tạo và phát triển thêm nhiều “phiên bản” khác như 218, 219, 148… với tỉ lệ chịu bệnh có thể đến 90%, tùy mức độ nhiễm bệnh và cách thức cải tạo đất bệnh tại các vùng trồng. Tuy nhiên, hiện tượng Maturity Stain (một kiểu rối loạn sinh lý tạo ra vết ố trên bề mặt trái chuối trưởng thành) cùng trọng lượng buồng chuối bị thoái hóa sớm thực sự là rào cản để giống Formosana và các phiên bản cải tiến được chấp nhận rộng rãi bởi ngành chuối thế giới, vốn yêu cầu khắt khe về chất lượng.


Tại Việt Nam, một trong những nghiên cứu có hiệu quả đột phá trong chọn tạo giống chuối có khả năng chống chịu bệnh TR4 và độc lập về nguồn gốc với giống Formosana đến từ nhóm nghiên cứu của Unifarm. Giống chống chịu bệnh mang tên Uni126 được chọn tạo và trồng khảo nghiệm lần đầu tiên vào năm 2018 tại Dầu Tiếng, Bình Dương, đồng thời được cải tiến liên tục trước khi trồng đại trà trên quy mô 1.000 ha của doanh nghiệp. Tỷ lệ chống chịu bệnh hiện nay của giống ổn định từ 95% đến 98%, trong khi các chỉ tiêu về trọng lượng buồng, phẩm chất trái chuối và đặc biệt là hiện tượng Maturity Stain đều có ưu điểm và khác biệt so với các giống chuối chống chịu bệnh khác trên thế giới, theo đánh giá của Dole (tập đoàn số một thế giới về chuối) và một số đơn vị nghiên cứu về giống chuối trên thế giới.
Giống chuối Uni126, một khi được bảo hộ và cấp phép lưu hành để có thể chuyển giao rộng rãi cho người nông dân trồng chuối, ngay lập tức sẽ trở thành một lợi thế mang tính chiến lược của ngành chuối Việt Nam. Với diện tích canh tác 154.000 ha, ngành chuối Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vượt mốc một tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới, khi giá trị xuất khẩu bình quân tăng từ mức 2.455 USD/ha/năm (năm 2024) lên 6.500 USD/ha/năm. Trên thực tế, mức này vẫn còn khiêm tốn nếu so với năng lực của các doanh nghiệp lớn trong nước - nơi giá trị xuất khẩu đã vượt qua mức 20.000 USD/ha/năm. Khi rút ngắn được khoảng cách đó, mục tiêu vươn lên nhóm dẫn đầu ngành chuối toàn cầu sẽ không còn là điều xa vời.
Có thể nói, thông qua việc giải quyết một thách thức sống còn của ngành hàng, chuối Việt Nam đã tạo ra được một giá trị khác biệt cho ngành chuối toàn cầu để đứng trước cơ hội thực hiện được mục tiêu kép là vượt mốc tỷ USD và tham gia nhóm dẫn đầu ngành hàng chuối trên thế giới.
Quan trọng hơn, thành công của một doanh nghiệp chắc chắn sẽ là niềm cảm hứng và động lực cho những doanh nghiệp khác tại Việt Nam trong lĩnh nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực giống, nhằm tạo ra được những thành tựu đột phá mới để cùng nhau góp sức vào sự phát triển và vị thế của nông nghiệp Việt Nam.


Giá trị khác biệt cho người tiêu dùng


Chuối là một trong những loại trái cây phổ biến nhất thế giới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng thường xuyên. Nhờ chứa hàm lượng kali cao, chất xơ hòa tan, vitamin B6 và đặc biệt là tinh bột kháng (RS2), chuối có khả năng hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa huyết áp, kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ béo phì. Vai trò của chuối không chỉ dừng lại ở giá trị dinh dưỡng, mà ngày càng gắn liền với lối sống lành mạnh và chế độ ăn vì sức khỏe cộng đồng.
Tuy vậy, ngành chuối toàn cầu vẫn đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến sức khỏe. Tại nhiều vùng trồng trên thế giới, việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học vẫn đang xảy ra khiến cho đất đai thoái hóa, nguồn nước bị ô nhiễm, hệ sinh thái mất cân bằng, gây rủi ro trực tiếp về sức khỏe cho cả người nông dân và người tiêu dùng. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, ngành chuối thế giới dù có nhiều tiềm năng để phát triển, vẫn có thể tạo ra những hệ quả tiêu cực cho con người và môi trường.
Một lần nữa, ở đâu có thách thức, ở đó có cơ hội. Ngành chuối Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục niềm tin của người tiêu dùng bằng cách chủ động hình thành các vùng hợp tác liên kết sản xuất trên quy mô lớn, áp dụng giống chống chịu bệnh, quy trình canh tác chuẩn mực và xây dựng chuỗi cung ứng xanh từ nông trại đến bàn ăn. Mục tiêu của chiến lược này là chuyển đổi từ mô hình canh tác phụ thuộc hóa chất sang nông nghiệp sinh học và tuần hoàn, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ đất, nước và sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, cùng với người nông dân, nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang đầu tư mạnh mẽ để thực hiện chiến lược chuyển đổi từ hóa học sang sinh học, lấy sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường bền vững làm trọng tâm. Đây cũng chính là hai yếu tố đang ngày càng trở thành tiêu chuẩn cốt lõi trong chính sách nhập khẩu và tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ lớn.
Khi đó, giá trị khác biệt mà ngành chuối Việt Nam tạo ra không chỉ nằm ở dinh dưỡng hay hương vị của từng trái chuối mà còn thể hiện ở việc góp phần xây dựng một cuộc sống chất lượng – nơi sức khỏe con người và môi trường sống trong lành là những cam kết của chúng ta với người tiêu dùng trên thế giới.
Mục tiêu tham vọng cần tư duy đột phá


Cơ hội đưa ngành chuối Việt Nam vượt mốc tỷ USD và vào nhóm dẫn đầu ngành hàng nói trên đến từ những nỗ lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong chọn tạo giống và những giải pháp tạo ra giá trị khác biệt gắn với sức khỏe, môi trường và tính bền vững. Quan trọng hơn, cách làm này hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều ngành hàng nông sản tiềm năng khác như thanh long, dứa, dừa, xoài và chanh leo. Vấn đề then chốt là liệu các chủ thể giam gia các ngành hàng, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước có thực sự đủ sự quyết tâm, linh hoạt và đột phá để nắm bắt được cơ hội hay không.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ vào công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ về giống như cách mà Unifarm đã làm với giống chuối chống chịu TR4. Tuy nhiên, thành tựu đạt được lại có thể không tạo ra cơ hội phát triển tương xứng bởi các quy định phức tạp liên quan đến quy trình đăng ký khảo nghiệm, bảo hộ và đăng ký lưu hành giống mới. Để cơ hội không bị vuột mất, thay vì buộc doanh nghiệp phải thực hiện cả một quy trình hành chính phức tạp, mất nhiều thời gian và cơ hội, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể đánh giá và cho lưu hành dựa trên kết quả khảo nghiệm mà doanh nghiệp đã thực hiện thực tế trong nhiều năm trên diện rộng, nếu cần, có thể thông qua một hội đồng khoa học độc lập. Việc thẩm định hoàn toàn nằm trong năng lực chuyên môn của đội ngũ khoa học trong nước.



Tương tự, để thúc đẩy chuyển đổi từ nông nghiệp hóa học sang sinh học, người nông dân và doanh nghiệp cần sớm được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thế hệ mới và có thể chưa có tại Việt Nam. Trong khi đó, thủ tục đăng ký nhập khẩu, khảo nghiệm và lưu hành thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam vẫn còn phức tạp và khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Rào cản này khiến cho chiến lược “đi trước một bước” so với các quốc gia cạnh tranh trong việc chuyển dịch ngành hàng theo hướng sinh học có nguy cơ không khả thi. Nên chăng, đối với các sản phẩm sinh học đã được khảo nghiệm và kiểm chứng tại các quốc gia có uy tín về nông nghiệp, cơ quan quản lý có thể ban hành chính sách công nhận linh hoạt: một mặt, ưu tiên chấp nhận dữ liệu của nhà sản xuất để cho phép lưu hành, mặt khác, có thể buộc doanh nghiệp đăng ký phải chịu trách nhiệm pháp lý và tăng cường hậu kiểm khi cần.
Mục tiêu vượt mốc tỷ USD và vươn lên nhóm dẫn đầu ngành hàng đối với chuối và các ngành hàng trái cây chủ lực khác là rất tham vọng. Để có thể chinh phục, người nông dân và các doanh nghiệp có tâm huyết luôn sẵn sàng dấn thân, chia sẻ và đồng hành. Vấn đề còn lại, liệu các quy định về quản lý Nhà nước có thể được điều chỉnh kịp thời theo hướng đơn giản hóa, linh hoạt và nắm bắt thời cơ bằng một tư duy đột phá được hay không?!


Đằng sau mục tiêu giá trị xuất khẩu và khát vọng tăng trưởng để dẫn đầu, điều lớn lao nhất mà ngành nông nghiệp đang gìn giữ chính là sức khỏe của con người và sự bền vững của môi trường sống trên hành tinh này. Nếu có một cách làm nào tốt hơn để bảo vệ sự sống và tương lai của con người, không ai trong chúng ta được phép trì hoãn, nhất là khi những rào cản thường chỉ đến từ những quy trình và thủ tục do chính con người đặt ra và vốn dĩ luôn có thể được điều chỉnh kịp thời cùng với sự phát triển của xã hội theo chiều hướng tích cực hơn.
