

Thật khó để sắp xếp một cuộc trò chuyện với ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Không hẳn là vì ông quá bận rộn, mà còn vì ông vốn ngại xuất hiện trước truyền thông, rất trái ngược với một Đinh Cao Khuê say mê nông nghiệp quần quật, trong thầm lặng.
Vậy mà lần này, ông lại nhận lời nhanh chóng, có lẽ là vì chủ đề cuộc trò chuyện là kinh tế tư nhân trên mặt trận nông nghiệp và môi trường.


Mở đầu cuộc gặp gỡ với ông Khuê, tôi nhắc lại đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Đồng Giao năm 2024 rằng: “Đồng Giao là hình mẫu tiêu biểu chuyển đổi thành công từ nông trường quốc doanh sang mô hình công ty cổ phần”.
Bởi hầu như ai cũng biết ông Khuê là “nhân vật chính” trong hành trình chuyển đổi được gọi là “hình mẫu” đó, nhưng quả thật khá bất ngờ khi Chủ tịch DOVECO trầm ngâm: Đúng tôi là nhân chứng của cả 2 giai đoạn quốc doanh và cổ phần của Đồng Giao. Tuy nhiên hành trình 70 năm qua của DOVECO là kết tinh của trí tuệ, tâm sức và tinh hoa sáng tạo cùng với sự đoàn kết gắn bó giữa đất và người của nhiều thế hệ. Mỗi giai đoạn đều có sứ mệnh lịch sử khác nhau, trong đó tôi chỉ một phần nhỏ bé mà thôi.
“Đồng Giao bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2006 và sau gần 20 năm không còn một đồng vốn nhà nước nào. Nhìn lại cả quá trình ấy, tôi nghiệm ra rằng chủ trương cổ phần hóa là cực kỳ đúng đắn, phù hợp với quy luật. Và bất cứ cái gì phù hợp với quy luật thì chắc chắn sẽ phát triển bền vững”, ông Đinh Cao Khuê nói.

Hành trình ấy của DOVECO, từ một Nông trường Quân đội, Anh hùng Lao động ngày trước đến hệ sinh thái DOVECO hôm nay với 3 trung tâm chế biến rau quả ở Ninh Bình, Sơn La và Gia Lai; hơn 20 nghìn ha vùng nguyên liệu và hơn 23 nghìn lao động; sản phẩm của DOVECO xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và không ngừng được đổi mới, mở rộng…
Mấy năm nay tôi còn nghe nói, thay vì đi tìm thị trường như ngày trước thì đối tác khách hàng quốc tế thường xuyên tìm đến DOVECO và nhất quyết không về khi chưa có được hợp đồng ký kết đơn hàng.
Hẳn nhiên đó không phải câu chuyện một sớm một chiều, tự dưng mà có, thưa ông?
Tôi làm Phó Tổng Giám đốc Đồng Giao khi mới 29 tuổi, khi Đồng Giao vẫn còn là Công ty có vốn Nhà nước. Thời ấy mỗi một năm vụ dứa chỉ vỏn vẹn vào tháng 5 và tháng 6. Điệp khúc được mùa mất giá, nhiều vụ dứa rẻ như cho và chuyện giải cứu, vứt bỏ trở thành chứng bệnh nan y, đến như cơm bữa.
Đau nhất là mặc dù năm nào Đồng Giao cũng là điển hình tiên tiến của Bộ NN – PTNT, năng suất, sản lượng dứa luôn đứng nhóm cao nhất ngành rau quả (khoảng 20 tấn/ha) nhưng đời sống người trồng dứa vẫn cứ bấp bênh, gian khó. Nói rào cản, nút thắt thì nhiều lắm, nhưng lớn nhất có lẽ là tư duy, là cách thức tổ chức sản xuất, thị trường và cả những ràng buộc cơ chế.
Lên làm Phó Tổng Giám đốc, việc đầu tiên của tôi là đi tìm kiếm thị trường, đi tìm đối tác khách hàng, quảng bá sản phẩm. Suy nghĩ lúc ấy đơn giản là chỉ cần bán được sản phẩm thì mọi nút thắt khác sẽ được tháo gỡ, mọi rào cản đều có thể vượt qua. Thành thử cứ có hội chợ quốc tế nào là tôi cùng mấy anh em nhẵn mặt ở đấy. Miệng thì tươi cười, trong lòng thì khấn, thế nhưng năm thì mười họa mới có người ngó ngàng đến gian hàng của mình. Và bài học đầu tiên chúng tôi nhận được là phải bán cái người ta cần chứ không phải đi bán cái mà mình có.
Bây giờ đúng là đã khác, như anh nói. Sản phẩm của DOVECO đã đi đến hơn 50 quốc gia trên thế giới.


Mới ngày hôm qua DOVECO đón tiếp một đoàn khách hàng đến từ Nhật Bản, thị trường mà ai cũng cho là khó tính, tiêu chuẩn khắt khe, sản phẩm khó vào… Nhưng họ lại đến với DOVECO theo đúng nghĩa mình ngồi yên và người ta tự tìm. Thậm chí sau khi làm việc, đi khảo sát vùng nguyên liệu, xem quy trình sản xuất và nhà máy chế biến, người Nhật sẵn sàng trả chúng tôi mức giá 4 nghìn đô la cho một tấn dứa cô đặc, cao hơn hẳn thị trường Châu Âu và Mỹ từ 1 đến 1,2 nghìn đô la.
Tôi nghĩ rằng câu chuyện đó đã phần nào minh chứng vị thế của DOVECO hôm nay và càng thêm khẳng định chủ trương cổ phần hóa là đúng. Có thể nói, nhờ chuyển từ mô hình quốc doanh sang cổ phần mà Đồng Giao được cởi trói hơn, nguồn lực đất đai được khơi thông, trí tuệ con người được phát huy hơn để đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy và thích ứng với quy luật thị trường.


Bài học đầu tiên là thị trường, còn bài học lớn nhất của ông và DOVECO là gì, thưa ông?
Nhìn lại hành trình sau 20 năm cổ phần hóa và cả hành trình 70 năm từ khi thành lập, tôi cho rằng bài học lớn nhất của DOVECO đó là chúng tôi luôn biết cách kế thừa truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước, không ngừng đổi mới sáng tạo để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đầu tư vào công nghệ chế biến và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, nâng cao năng lực của đội ngũ quản trị... Nghĩa là xây dựng hệ sinh thái DOVECO vận hành theo đúng quy luật thị trường với mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, bài học quan trọng nhất là sự chia sẻ và hài hòa lợi ích với tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất. Từ vùng nguyên liệu lõi ở Đồng Giao, hiện DOVECO đã phát triển hơn 20 nghìn ha, bao gồm cả tự xây dựng là liên kết với người dân, hợp tác xã.
Tôi luôn tâm niệm “chơi” với nông dân không thể nói suông mà phải “tiền tươi thóc thật”, “người thật việc thật” mới có thể lâu dài được. Phải làm sao để người dân thấy lợi ích thực sự họ mới theo. Có lẽ đó cũng là bài học không chỉ với riêng DOVECO mà bất cứ doanh nghiệp nào khi đầu tư vào nông nghiệp cũng phải học thuộc lòng. Còn không, như chúng ta thấy, bao nhiêu nhà máy đắp chiếu, bao nhiêu dự án thất bại suy cho cùng có lẽ là vì họ chưa học hết bài này.Tất nhiên, liên kết sản xuất với nông dân chưa bao giờ là dễ, chuyện “bẻ kèo” từ cả hai phía vẫn thường xuyên, liên tục. Nhưng bài học của DOVECO, ngoài pháp lý còn nền tảng tình cảm và niềm tin.
20 nghìn ha vùng nguyên liệu của DOVECO bây giờ, nếu tính giá trị kinh tế đang thu bình quân khoảng 50 tấn dứa/ha, bán bình quân 10 nghìn đồng/kg, mang lại giá trị khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Thành tựu ấy người nông dân liên kết có vai trò đóng góp rất lớn và họ thực sự đang được thừa hưởng thành quả từ vị thế của cây dứa hôm nay.
Cả đời gắn bó với cây dứa, dù có lúc lên lúc xuống nhưng tôi nghĩ rằng vị thế của loại cây trồng này chưa bao giờ được như bây giờ. Nhờ dứa mà người Đồng Giao xây nhà lầu, sắm xe hơi, mua nhà cho con cái ở Hà Nội. Cũng nhờ 2 nghìn ha trồng dứa mà cả huyện Krông Bông (tỉnh Đăk Lăk) thay đổi ngỡ ngàng. Rồi người dân vùng Bỉm Sơn, Hà Trung, Yên Định (Thanh Hóa), Quỳnh Lưu (Nghệ An) giàu có lên nhờ cây dứa. Đi đến những vùng đất này bây giờ sẽ thấy, người nông dân hôm nay chăm dứa còn hơn chăm con mọn. Họ áp dụng quy trình sản xuất mới, trồng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, đơn giản vì so sánh hiệu quả không có cây nào bằng.


Tôi tâm niệm, đó là giá trị và cũng là bài học lớn nhất đối với DOVECO. Từ thay đổi tư duy, đánh thức nguồn lực đất đai và phát huy phẩm chất, trí tuệ của người Việt mình cho đến xây dựng chuỗi liên kết bền vững.
Điều quan trọng nhất của DOVECO bây giờ là tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu. Sau Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Hà Tĩnh, Sơn La, hiện chúng tôi đang mở rộng diện tích liên kết ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai và một số tỉnh khu vực Nam Trung bộ… Mục tiêu là xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy DOVECO Ninh Bình (công suất 32 nghìn tấn sản phẩm/năm); DOVECO Gia Lai (52 nghìn tấn sản phẩm/năm); DOVECO Sơn La (52 nghìn tấn sản phẩm/năm)... Và dự kiến tới đây DOVECO sẽ xây dựng thêm nhà máy ở nhiều vùng nguyên liệu khác nữa.


Từ bài học của Đồng Giao nhìn sang ngành rau quả Việt Nam, những năm qua có thể thấy rằng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên cũng có không ít những bài học đắt giá. Ví như câu chuyện của quả sầu riêng vừa rồi là một ví dụ điển hình, thưa ông?
Ngoài công việc ở DOVECO tôi đồng thời còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam. Có thể thấy bức tranh ngành hàng rau quả những năm qua đúng là có nhiều nổi bật, tuy nhiên tôi luôn cảm thấy chúng ta còn lan man, chưa thực sự tư duy đúng tầm vóc của một ngành hàng nông nghiệp chủ lực.
Chẳng hiểu tại sao chúng ta cứ lao vào làm những thứ rất khó, làm theo kiểu phong trào để rồi nhận về rất nhiều bài học đắt giá. Trong khi đó có những thứ dễ làm hơn, hiệu quả rõ ràng hơn, ít rủi ro hơn thì lại thờ ơ. Có lẽ đó là câu chuyện của tầm nhìn và dường như có không ít người vẫn chưa nhìn thấy rõ lợi thế của mình ở đâu thì phải.

Tôi lấy ví dụ, 6 tháng đầu năm ngành rau quả của chúng ta chỉ có 2 mặt hàng dứa và bưởi là tăng trưởng trên 100% (dứa tăng đến 175%), trong khi đó tốc độ tăng trưởng của mặt hàng chủ lực nhất là sầu riêng lại âm, không bằng năm ngoái (đạt hơn 3,3 tỷ đô la). Nguyên nhân có nhiều, nhưng cái chính tôi cho rằng chúng ta đang thiếu tầm nhìn và chiến lược phát triển ngành hàng thực sự bài bản và khoa học.
169 nghìn ha trồng sầu riêng, mỗi năm xuất khẩu 3 -4 tỷ đô la ai cũng nghĩ là ghê gớm. Nhưng cùng diện tích ấy, nếu trồng dứa, hiệu quả không hề thua kém, thậm chí còn vượt trội. Ở Đồng Giao bây giờ người trồng dứa Queen đang thu 70 tấn/ha, dứa Cayenne thu 90 tấn/ha. Mấy năm nay giá cả ổn định, như thời điểm hiện tại là 14 nghìn đồng/kg, kể cả có tính bình quân chỉ 10 nghìn/kg đi nữa thì cộng thêm tiền bán chồi vào cũng được 700 triệu đồng/ha.

14 – 15 tháng đã có thể biết kết quả. Cây dứa rất dễ làm, lại không hề kén chọn đất, không cần thuốc BVTV và phân bón cũng chỉ cần phân chuồng hoặc NPK trong nước nên không phải lo lắng hàng rào kỹ thuật các thị trường như câu chuyện của sầu riêng vừa rồi. Vấn đề quan tâm nhất là thị trường thì như tôi đã phân tích, xu thế tiêu dùng của thế giới đang tạo không gian mênh mông, đúng nghĩa “không có hàng để bán”.
Chúng tôi đã khảo sát từ Ninh Bình và đến Hà Tĩnh và nhận thấy có khoảng 20 nghìn ha ở Thanh Hóa, 20 nghìn ha ở Nghệ An và 30 nghìn ha ở Hà Tĩnh hoàn toàn có thể chuyển đổi thành vùng nguyên liệu dứa. Đó là những diện tích đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, thủy lợi khó khăn, lâu nay người dân chỉ độc mỗi trồng keo, hiệu quả kinh tế cực kỳ thấp. Bình quân 1 ha trồng keo với chu kỳ 5 năm thu được khoảng 75 triệu đồng, trừ đi chi phí, công cán bỏ ra cũng chỉ lãi có 35 triệu đồng trong vòng 5 năm.
DOVECO đã làm việc với các tỉnh và thử nghiệm liên kết để chuyển từ keo sang dứa. Hiệu quả rất tuyệt vời. Như vùng dứa ở các huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang (Hà Tĩnh) hay Quỳnh Lưu (Nghệ An) và một số huyện ở Thanh Hóa, cây dứa phát triển không hề thua kém Đồng Giao, thậm chí có nơi còn vượt trội hơn.
Cho nên tôi tính, nếu 70 nghìn ha này trồng hết dứa Cayenne, vừa bán tươi vừa chế biến, chúng tôi có thể thu từ 4 -5 tỷ đô la hết sức bình thường. Và nếu có 169 nghìn ha như diện tích đang trồng sầu riêng hiện nay thì cây dứa hoàn toàn có thể mang về hơn 15 tỷ đô la.

Nói như thế nghĩa là rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là đất, thưa ông?
Tôi nghĩ, nông nghiệp thời kỳ nào cũng vậy, rào cản lớn nhất luôn là vấn đề đất đai. Nhân nói chuyện kinh tế tư nhân tôi cũng kiến nghị luôn là nếu “cởi trói” hãy cởi trói đầu tiên từ đất.
Từ bài học của Đồng Giao tôi đi nhiều nơi và mỗi lần nhìn thấy đất đai nằm im trong các công ty nhà nước thấy xót và tiếc lắm.
Cần phải chính sách, cơ chế “cởi trói” nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, nhất là đất trong các công ty nhà nước, đất có nguồn gốc nông lâm trường. Có thể là cổ phần hóa hoặc cho thuê qua hình thức đấu giá. Đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước, cho doanh nghiệp tư nhân thuê lại để đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, nguồn lực được khơi thông mà nhà nước cũng thu được tiền.


Bài học này ở Đồng Giao thể hiện rất rõ. Sở dĩ chúng tôi tồn tại và không ngừng phát triển là nhờ vùng nguyên liệu lõi ở Ninh Bình. Đất càng gắn với người dân thì họ càng chăm chút, hiệu quả càng cao. Giả sử nhà nước cần thu hồi cũng rất thuận lợi. Đơn cử khi làm tuyến đường cao tốc Bắc Nam và tuyến đường trục chính đi qua 4 huyện thành phố của tỉnh Ninh Bình thì Đồng Giao mất khoảng 200ha, nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất nhanh chóng.
Tôi cho rằng cần quyết liệt như thế mới xóa bỏ được tư duy và cơ chế quản lý theo kiểu bao cấp như lâu nay, nguồn lực đất đai mới được khơi thông để phục vụ phát triển.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến khác nói nút thắt chế biến, khoa học công nghệ này nọ. Không sai, nhưng thực tế vẫn chưa phải là căn bản. Như DOVECO hiện đã sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như: công nghệ cấp đông IQF xuất xứ từ Nhật Bản; công nghệ cô đặc và xay nhuyễn nhập khẩu châu Âu; công nghệ phát hiện dị vật; công nghệ đóng gói sản phẩm đông lạnh; công nghệ cắt gọt dứa tự động… Đầu tháng 7 này chúng tôi sẽ cho ra mắt dây chuyền sản xuất nước cốt rau, hoa quả bằng hộp giấy, giống như sữa tươi, vừa giữ được chất lượng tươi ngon vừa tiện bảo quản, sử dụng.
Căn bản nhất là thay đổi từ tư duy, để có thể cởi trói từ những nút thắt như tôi đã nói ở trên. Còn không, chúng ta cứ lan man mãi và tiếp tục sẽ phải trả giá.



Tiềm năng và lợi thế của rau quả rõ ràng còn rất lớn, tuy nhiên nút thắt như ông nói là tư duy vẫn còn lan man. Vậy đã đến lúc chúng ta cần một cuộc cách mạng để sắp xếp lại câu chuyện này, thưa ông?
Tôi đi hầu hết các thị trường trên thế giới và càng đi càng thấy rõ lợi thế quốc gia chúng ta chính là nông nghiệp. Trong đó, tiềm năng lợi thế của ngành hàng rau quả là rất rõ. Chỉ cần bớt lan man, có chiến lược rõ ràng, tổ chức bài bản chắc chắn sẽ còn dư địa phát triển vô cùng lớn.
Ví dụ quả chanh leo của mình trước đây thua các nước Peru, Ecuador nhưng bây giờ tốt nhất thế giới. Lợi thế cạnh tranh cũng rất rõ ràng nhờ điều kiện đất đai, khí hậu mà các nước như Thái Lan, Trung Quốc khó có thể cạnh tranh. Hiện DOVECO đang mở rộng vùng nguyên liệu chanh leo ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Từ giá trị kinh tế đến giá trị xã hội đều cho thấy hiệu quả rất rõ ràng so với các loại cây trồng khác.


Tương tự là các loại trái cây khác như chuối, dứa, vải thiều… Chúng ta cần chiến lược phát triển trọng tâm trọng điểm, cần quy hoạch tập trung vào những đối tượng cây trồng có lợi thế cạnh tranh như vậy để bớt lan man đi. Tỉnh nào cũng cam, cũng bưởi, cũng sầu riêng thì ngành rau quả sẽ lộn xộn và manh mún mãi.
Giải pháp tháo gỡ đầu tiên là quy hoạch để sắp xếp lại thế trận, xây dựng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Thứ hai là đầu tư giống, ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào để tăng năng suất, sản lượng, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh hơn nữa. Thứ ba là quan tâm hơn nữa để đầu tư các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp, lấy thủy lợi làm tiền đề mở rộng vùng nguyên liệu.
Cuối cùng tôi nghĩ rằng bất cứ một ngành hàng nào muốn phát triển vững mạnh đều cần vai trò của hiệp hội, vai trò đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu muốn “cởi trói” cho kinh tế tư nhân thì bắt buộc tất cả các yếu tố phải được vận hành theo quy luật của thị trường.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.