| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 06:48

Nông thôn mới

Điểm sáng vùng biên: [Bài cuối] Thoát nghèo từ chính nội lực của đồng bào

Thứ Tư 07/05/2025 - 09:06

Mô hình điểm 'Bản sáng vùng biên' đã làm thay đổi những bản 'nhiều không' tại các huyện biên giới của Thanh Hóa sau nhiều năm chìm trong đói nghèo lạc hậu, hủ tục…

“Bản sáng vùng biên” đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo và đặt nền móng căn cơ để đồng bào thay đổi tư duy, nhận thức vươn lên làm giàu.

Lấy thay đổi cuộc sống của người dân làm gốc

Trong suốt hành trình đi về những mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”, tôi càng thấu hiểu hơn nỗi cơ cực, khó khăn, vất vả của đồng bào, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nhiều thập kỷ chìm trong đói nghèo.

Tôi gặp Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa nghe chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” bắt nguồn từ quá trình đi thực tế gắn bó với đồng bào vùng cao.

Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh chia sẻ về ý tưởng thực hiện mô hình Bản sáng vùng biên. Ảnh: PV.

Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh chia sẻ về ý tưởng thực hiện mô hình Bản sáng vùng biên. Ảnh: PV.

Từ thực tế trải qua, sau nhiều đêm trăn trở tìm lối đi thoát nghèo cho đồng bào và mong mỏi làm sao để người dân bớt đói, bớt khổ, trẻ em được đến trường lớn hơn nữa là có thể thay đổi tư duy, nhận thức tưởng chừng đã “bén rễ”.

Ý tưởng lấy thay đổi cuộc sống của người dân làm gốc của Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh đã ra đời từ đây với tên “Bản sáng vùng biên”.

Nghĩ là làm, Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh yêu cầu các đồn biên phòng rà soát, chọn các bản khó khăn nhất trên địa bàn để thực hiện mô hình. Trong quá trình thực hiện nếu thành công sẽ là minh chứng sống rõ ràng để người dân thấy và tin.

Quá trình triển khai với phương châm cho đồng bào “cần câu không phải con cá”, nghĩa là không hỗ trợ tiền bạc, mì tôm hay gạo thay vào đó là con giống, cây giống. Chưa dừng lại, trong quá trình thí điểm mô hình các cán bộ chiến sĩ biên phòng phải làm nòng cốt, vừa tuyên truyền hướng dẫn và cầm tay chỉ từng việc, như cách chăn nuôi, trồng cây… một cách tỉ mỉ, kiên trì và không được thấy khó là bàn lùi.

Đồn Biên phòng Hiền Kiệt hướng dẫn người dân bản Chiềng Căm chăm sóc vườn rau. Ảnh: Thanh Tâm.

Đồn Biên phòng Hiền Kiệt hướng dẫn người dân bản Chiềng Căm chăm sóc vườn rau. Ảnh: Thanh Tâm.

Chẳng hạn, như việc trồng cây ở nhà văn hóa hay đường bê tông xung quanh bản cần phải huy động các hộ cùng trồng, giao cho từng nhà chăm sóc để khơi gợi trách nhiệm của mỗi người. Ngoài ra các nguồn lực huy động hỗ trợ cho người dân cũng bằng hiện vật thay vì cho tiền.

Hành trình triển khai mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” chỉ sau 7 tháng kể từ cuối năm 2024 đến nay, các bản “nhiều không” tại các huyện biên giới Thanh Hóa đã đổi thay; đường bê tông, tủ sách pháp luật, trang thiết bị nhà văn hóa, điện năng lượng mặt trời, vườn rau sạch… đã xuất hiện tại bản "nhiều không".

Nhà văn hóa ở các bản thực hiện Mô hình điểm 'Bản sáng vùng biên' đều được trang bị tủ sách pháp luật. Ảnh: Thanh Tâm.

Nhà văn hóa ở các bản thực hiện Mô hình điểm "Bản sáng vùng biên" đều được trang bị tủ sách pháp luật. Ảnh: Thanh Tâm.

Mục tiêu của việc thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” không chỉ là những hỗ trợ vật chất cụ thể, hay đường thôn bản sạch đẹp mà về lâu dài phải thay đổi được tư duy, đơn giản là trồng cây gì, nuôi con nào để có hiệu quả kinh tế, thay vào trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, Đại tá Vĩnh chia sẻ.

Đại tá Vĩnh khẳng định: Việc phát triển Đảng viên, xây dựng cơ sở Đảng ở các chi bộ vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì thực tế, chất lượng Đảng viên ở các chi bộ còn hạn chế, chủ yếu biết đọc, biết viết.

Vì thế, chúng tôi đưa Đảng viên ở các đồn biên phòng về sinh hoạt ở chi bộ bản làm nòng cốt. Từ quá trình tổ chức các hoạt động, phát hiện những quần chúng ưu tú, bồi dưỡng, tạo nguồn, thử thách để họ trở thành Đảng viên ngay tại thôn bản mình. Khi những quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng sẽ làm người dân tin tưởng vào các chính sách, tránh bị kẻ xấu lôi kéo kích động.

Mấu chốt đặt ra, đó là nâng cao trình độ dân trí và cần chú trọng tới chất lượng hơn là số lượng ở các chi bộ cơ sở. Muốn tình hình an ninh biên giới ổn định trước hết cần ổn định trật tự khu dân cư, phổ biến các kiến thức trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Muốn người dân tin Đảng, đi theo Đảng, trước hết phải để họ no cái bụng”, Đại tá Vĩnh chia sẻ.

Huy động nhân dân cùng chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Ảnh: Thanh Tâm.

Huy động nhân dân cùng chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Ảnh: Thanh Tâm.

"Đã là mô hình hiệu quả thì phải nhân rộng, còn nếu không thì chỉ là kế hoạch, nghị quyết, phải nhân rộng ra ở nhiều bản, với quyết tâm thay đổi đời sống của bà con vùng biên bằng cả tư duy, hành động" - Đại tá Vĩnh khẳng định .

Đại tá Vĩnh cho biết, mô hình “Bản sáng vùng biên” đặc biệt cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các sở ngành để không đơn thuần một mình bộ đội biên phòng thực hiện. Có thể mỗi sở ngành sẽ chọn một bản để “đỡ đầu”, từ đó huy động tốt nguồn lực xây dựng, phát triển cả về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Dự kiến vào năm 2027, mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” sẽ tiến hành sơ kết, đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình để không còn bản đói nghèo.

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi” 

Kể từ khi mô hình điểm được vận hành, không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vật chất cụ thể để sáng đường, sáng điện, mà phải làm người dân sáng về tư duy nhận thức, biết làm để có ăn, biết trồng cây gì, nuôi con gì mới là sinh kế lâu dài và giảm nghèo bền vững.

Ưu tiên chọn việc dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó, có kết quả, có sản phẩm, có thay đổi để nhân dân trực tiếp nhận thấy hiệu quả. Quá trình thực hiện phải linh hoạt khi có việc phải làm ngay như xóa nhà tạm, nhà dột nát… tranh thủ tối đa phát huy nguồn lực từ các chương trình, dự án cũng như nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên có việc phải làm điểm, làm thử như làm điểm mô hình nuôi gà đen, nuôi vịt để nhân dân nhận thấy thiết thực, phù hợp, qua đó để người dân tự giác tích cực tham gia thực hiện, sẽ dễ nhân rộng ra các hộ khác, bản khác.

Mục tiêu để người dân chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bằng chính sức mình. Ảnh: Thanh Tâm.

Mục tiêu để người dân chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bằng chính sức mình. Ảnh: Thanh Tâm.

Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Thanh Hoá, khẳng định: Mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” là một trong những mô hình mới, sớm đưa lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tế của các bản, làng vùng cao biên giới. Thông qua mô hình đã phát huy rõ nét hiệu quả của công tác vận động quần chúng của BĐBP, đồng thời khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tinh thần tích cực, chủ động vươn lên của đồng bào, thu hút sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; góp phần thay đổi diện mạo các thôn bản trên toàn tuyến khu vực biên giới đất liền của tỉnh.

"Từ cách làm khoa học, hiệu quả và ý nghĩa thiết thực của mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình không chỉ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, mà còn lan toả phát triển mô hình ở các tỉnh miền núi trên cả nước" - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Thanh Hoá chia sẻ.

Mô hình điểm 'Bản sáng vùng biên' chú trọng hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Tâm.

Mô hình điểm "Bản sáng vùng biên" chú trọng hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Tâm.

Việc xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới đồng bào các huyện miền núi. Cùng với nhiều chương trình đang thực hiện sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi; từ đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, thoát nghèo từ nội lực của chính đồng bào vùng biên.

Xây dựng mô hình “Bản sáng vùng biên” là công việc khó, nhưng với tinh thần tất cả “vì nhân dân phục vụ”, chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm phải hiệu quả với mục tiêu hướng về biên cương Tổ quốc yên bình. Cùng với đó là truyền thống gắn bó máu thịt của quân dân biên giới, với trách nhiệm của các chiến sĩ biên phòng trước đồng bào sẽ sớm xây dựng các bản vùng sâu, vùng xa trở thành những “bản sáng” thực sự ở nơi phên dậu của Tổ quốc.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/diem-sang-vung-bien-bai-cuoi-thoat-ngheo-tu-chinh-noi-luc-cua-dong-bao-d749160.html